Trồng ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi

Với nhu cầu sử dụng thức ăn thô xanh cho đàn gia súc ngày càng lớn, nhiều địa phương đã chú trọng chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng ngô sinh khối. Bên cạnh những diện tích nhỏ lẻ, nhiều vùng trồng quy mô lớn đã được hình thành, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp, trở thành hướng đi mới góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Diện tích trồng ngô sinh khối của xã Cẩm Yên (Cẩm Thủy) được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.

Diện tích trồng ngô sinh khối của xã Cẩm Yên (Cẩm Thủy) được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.

Với khả năng thích ứng với điều kiện thời tiết, chịu hạn, chống chịu sâu bệnh cao, thời gian sinh trưởng ngắn, lợi nhuận cao, vụ đông năm 2024, xã Cẩm Yên (Cẩm Thủy) gieo trồng gần 30ha ngô sinh khối. Theo chia sẻ của nhiều người dân trong xã, trước đây, họ chủ yếu sản xuất ngô thương phẩm, hiệu quả kinh tế chỉ đạt 35 - 40 triệu đồng/ha/năm. Từ năm 2016, HTX dịch vụ nông nghiệp và thủy lợi Cẩm Yên khuyến khích người dân chuyển sang trồng ngô sinh khối và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, sử dụng phân bón, ứng dụng cơ giới hóa vào các khâu làm đất, cày bừa... Thay vì thu hoạch để lấy hạt như ngô thương phẩm, cây ngô sinh khối làm thức ăn cho gia súc thu hoạch ở giai đoạn bắp ngô chín sáp; thân, lá, bắp thường được băm hoặc xay nhỏ để gia súc ăn trực tiếp hoặc ủ chua, viên nén... Được biết, ngô sinh khối có năng suất trung bình khoảng 30 tấn/ha/vụ, doanh thu 90 đến 100 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 2,5 lần so với trồng ngô truyền thống.

Tại huyện Cẩm Thủy, diện tích trồng ngô sinh khối không ngừng được mở rộng, tập trung ở các xã Cẩm Yên, Cẩm Ngọc, Cẩm Bình... Nhiều diện tích được Công ty CP Thực phẩm sữa TH, Công ty TNHH MTV bò sữa Thống Nhất Thanh Hóa và một số trang trại nuôi bò tại các huyện Yên Định, Bá Thước ký hợp đồng thu mua toàn bộ, bảo đảm đầu ra ổn định.

Tại huyện Yên Định, nhiều xã bãi bồi ven sông đã thực hiện chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả kinh tế sang trồng ngô sinh khối SSC 586, xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp. Tại xã Quý Lộc, ông Trịnh Đăng Hợp, hộ dân đang ký hợp đồng bao tiêu ngô sinh khối với doanh nghiệp, cho biết: “Trồng ngô sinh khối có nhiều ưu điểm hơn so với trồng ngô lấy hạt thông thường bởi thời gian từ trồng đến thu hoạch ngắn hơn từ 25 - 35 ngày, nên có thể trồng 3 - 4 vụ/năm. Trong khi trồng ngô lấy hạt tối đa chỉ trồng được 2 - 3 vụ/năm. Gia đình tôi sẽ mở rộng thêm diện tích trồng ngô sinh khối ở các vụ tiếp theo".

Ở xã Định Long cùng huyện, từ vụ xuân 2023, HTX dịch vụ nông nghiệp xã Định Long đã đưa cây ngô sinh khối vào trồng với diện tích 14,5ha. Sau nhiều vụ gieo trồng, ngô sinh khối đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân do trồng được nhiều vụ, lại không mất nhiều công chăm sóc, tỷ lệ mắc sâu bệnh thấp. Đầu ra sản phẩm do Công ty TNHH bò sữa Thống Nhất Thanh Hóa tiêu thụ theo giá thị trường, dao động từ 800 đến 1.100 đồng/kg; sau khi trừ chi phí, thu lãi hơn 1 triệu đồng/sào/vụ; cao gấp hơn 2 lần so với trồng dâu. Hiện nay, diện tích trồng ngô sinh khối trên địa bàn xã đã mở rộng khoảng 18ha.

Với tổng đàn trâu, bò khoảng 423 nghìn con, trong đó đàn bò sữa gần 16.600 con, việc chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang mô hình trồng ngô sinh khối đang mở ra hướng sản xuất mới, hiệu quả cho bà con nông dân. Hiện nay, toàn tỉnh có gần 1.000ha trồng ngô làm thức ăn chăn nuôi, trong đó, có khoảng 860ha được thực hiện liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm tại các huyện có điều kiện về đất đai như Lang Chánh, Cẩm Thủy, Thọ Xuân, Ngọc Lặc, Như Thanh...

Bài và ảnh: Lê Ngọc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/trong-ngo-sinh-khoi-phuc-vu-chan-nuoi-230880.htm
Zalo