Trong cơn sốt vàng: Doanh nghiệp lãi tiền tỷ, người dân giành nhau từng chỉ

Giá vàng tăng phi mã giúp doanh nghiệp vàng thu lãi lớn, nhưng đồng thời cũng thổi bùng tâm lý đầu cơ, gia tăng nguy cơ rủi ro cho người mua và kích hoạt tình trạng buôn lậu...

 Nhiều người dân giữ thói quen mua vàng vào ngày vía Thần Tài hàng năm để mong cầu may mắn, tài lộc

Nhiều người dân giữ thói quen mua vàng vào ngày vía Thần Tài hàng năm để mong cầu may mắn, tài lộc

Giá vàng trong nước liên tục lập đỉnh mới, kéo theo tâm lý sốt sắng của nhiều người dân đổ xô mua vào với kỳ vọng “lướt sóng” kiếm lời. Tuy nhiên, đằng sau những phiên giao dịch sôi động là muôn vàn rủi ro hiện hữu khi giá vàng biến động khó lường.

Trong khi đó, các doanh nghiệp lớn trong ngành vàng như PNJ hay SJC lại báo lãi hàng trăm đến hàng nghìn tỷ đồng, cho thấy sự phân hóa rõ nét giữa bên mua và bên bán trên thị trường kim loại quý này.

LÀN SÓNG ĐẦU TƯ VÀNG LAN RỘNG TỪ THẾ GIỚI ĐẾN TỪNG CON PHỐ VIỆT

Từ cuối năm 2023 đến nay, thị trường vàng toàn cầu và trong nước chứng kiến một đợt tăng giá chưa từng có, kéo dài suốt nhiều tháng liền. Riêng trong vòng một năm qua (từ tháng 4/2024 đến tháng 4/2025), giá vàng thế giới đã nhảy vọt gần 60%, từ mức 2.200 USD/ounce lên tới đỉnh cao 3.495 USD/ounce.

Cùng thời điểm, giá vàng SJC trong nước cũng leo từ 80 triệu đồng/lượng lên 99 triệu đồng/lượng và hiện chỉ còn cách mốc 130 triệu đồng một khoảng ngắn.

Đằng sau làn sóng tăng giá vàng là sự hội tụ của hàng loạt yếu tố kinh tế và địa chính trị. Đặc biệt, sau khi ông Donald Trump chính thức quay trở lại Nhà Trắng vào tháng 1/2025, những chính sách “nước Mỹ trên hết” được khởi động lại. Căng thẳng thương mại được thổi bùng với loạt thuế quan mới áp lên hàng hóa Trung Quốc và nhiều quốc gia khác, khiến lạm phát gia tăng và đồng USD mất dần sức hấp dẫn.

Trên mặt trận địa chính trị, xung đột Nga – Ukraine tiếp tục kéo dài, đi kèm các lệnh trừng phạt kinh tế lẫn nhau giữa Nga và phương Tây, càng làm dấy lên nhu cầu tìm đến vàng như nơi trú ẩn an toàn. Tại Trung Đông, tình hình giữa Israel và các lực lượng khu vực ngày càng nóng bỏng, khiến bất ổn toàn cầu thêm trầm trọng và giá vàng thêm một lần được đẩy lên.

Tại Mỹ, dù nền kinh tế vẫn duy trì tăng trưởng nhưng áp lực nợ công vượt ngưỡng 36.700 tỷ USD cùng lạm phát dai dẳng đã khiến giới đầu tư quốc tế chuyển hướng sang vàng như một kênh bảo toàn tài sản hiệu quả.

Bên cạnh đó, các ngân hàng trung ương – đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều quốc gia mới nổi – cũng mạnh tay gom vàng. Trung Quốc riêng trong năm 2023 đã mua tới 225 tấn và tiếp tục tích trữ trong các năm tiếp theo, nhằm giảm sự phụ thuộc vào đồng USD. Sau một thời gian rút vốn, các quỹ ETF vàng cũng đã quay trở lại xu hướng mua vào.

Đà tăng vũ bão của giá vàng thế giới lập tức tạo ra hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ tại Việt Nam. Tâm lý FOMO (sợ bỏ lỡ cơ hội) bao trùm thị trường, khiến dòng người đổ xô đi mua vàng trong giai đoạn giá tăng, vô tình tiếp thêm nhiên liệu cho cơn sốt giá.

Tuy nhiên, giá vàng trong nước còn chịu áp lực từ tình trạng mất cân đối cung - cầu. Nhiều doanh nghiệp không có vàng miếng SJC để cung ứng, trong khi vàng nhẫn – dòng sản phẩm quen thuộc với đại đa số người dân – cũng trở nên khan hiếm. Các chuyên gia cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nắm độc quyền nhập khẩu vàng miếng khiến thị trường thiếu cạnh tranh, đẩy mức chênh lệch giữa giá trong nước và quốc tế ngày càng lớn.

Ghi nhận thực tế tại nhiều tiệm vàng lớn cho thấy, trong những ngày giá vàng lập đỉnh, người dân xếp hàng dài chờ mua. Không ít nơi thông báo đã bán hết hoặc chỉ giới hạn mỗi khách mua 1 lượng. Với vàng nhẫn, nhiều nơi cũng siết chặt, chỉ cho phép mỗi người mua 1 chỉ. Một số khách hàng phản ánh rằng khi liên hệ với các cửa hàng lớn như PNJ để mua vàng miếng SJC hay vàng nhẫn trơn, họ nhận được thông báo “đã hết hàng”.

DOANH NGHIỆP VÀNG HỐT BẠC

Giá vàng tăng mạnh không chỉ khiến thị trường dậy sóng mà còn tạo ra những tác động sâu sắc đến hoạt động kinh doanh của các “ông lớn” trong ngành kim hoàn như SJC, PNJ, DOJI và Bảo Tín Minh Châu.

Theo báo cáo tài chính từ năm 2019 đến nay, PNJ luôn duy trì lợi nhuận sau thuế trên 1.000 tỷ đồng mỗi năm và năm 2024 đã chính thức vượt mức 2.000 tỷ đồng (đạt 2.113 tỷ đồng, tương đương gần 5,8 tỷ đồng mỗi ngày), doanh thu kỷ lục hơn 37.823 tỷ đồng.

Sang đến quý 1/2025, PNJ ghi nhận kết quả kinh doanh suy giảm so với cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu thuần đạt 9.635 tỷ đồng, giảm 23,5%; lợi nhuận sau thuế đạt 678 tỷ đồng, giảm 8,1%.

Kết quả này phản ánh phần nào sự thận trọng trong định hướng mà ban lãnh đạo PNJ đã đưa ra từ đầu năm. Theo tờ trình đại hội đồng cổ đông thường niên (dự kiến diễn ra ngày 26/4) công ty đặt mục tiêu doanh thu năm 2025 đạt 31.607 tỷ đồng, giảm 17% so với mức thực hiện năm 2024; lợi nhuận sau thuế kế hoạch là 1.960 tỷ đồng, giảm 7% so với mức kỷ lục 2.113 tỷ đồng đã ghi nhận trong năm trước. Tính đến hết quý 1, PNJ đã hoàn thành 35% kế hoạch lợi nhuận năm.

Ban lãnh đạo PNJ đánh giá ngành kim hoàn trong năm 2025 sẽ tiếp tục đối mặt với những thách thức lớn từ cả phía cung và cầu. Giá vàng thế giới neo cao kéo dài làm gia tăng chi phí nguyên liệu đầu vào, trong khi tâm lý thắt chặt chi tiêu vẫn chi phối hành vi người tiêu dùng, đặc biệt ở phân khúc hàng xa xỉ.

Ở mặt tích cực, doanh thu từ kênh bán lẻ trang sức tăng 6% so với cùng kỳ – một kết quả khả quan trong bối cảnh thị trường chung chững lại. Công ty cho biết động lực tăng trưởng đến từ việc mở thêm cửa hàng, đồng thời triển khai hiệu quả các chiến dịch bán hàng trong mùa cao điểm đầu năm.

Doanh thu bán sỉ trang sức cũng tăng mạnh 22,8%, đạt 1.156 tỷ đồng, chiếm 12% cơ cấu tổng doanh thu. Ở chiều ngược lại, doanh thu vàng 24K giảm gần 66% do nguồn cung nguyên liệu bị gián đoạn kéo dài từ cuối năm 2024. Theo PNJ, đây là bước đi có chủ đích nhằm tái phân bổ nguồn lực cho mảng trang sức – lĩnh vực cốt lõi trong chiến lược dài hạn.

Nhờ dịch chuyển cơ cấu sản phẩm, biên lợi nhuận gộp quý 1 cải thiện lên 21,3%, so với 17,1% cùng kỳ năm ngoái. Tỷ trọng doanh thu từ trang sức bán lẻ tăng mạnh lên 69,3%, từ mức 50,5% của quý 1/2024. Biên lợi nhuận ròng đạt 7%, giảm nhẹ so với quý 4/2024, nhưng vẫn cao hơn mặt bằng ba quý đầu năm ngoái.

Trong khi đó, báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024 của SJC cho biết, doanh thu của doanh nghiệp đạt 32.193 tỷ đồng, tăng gần 4.000 tỷ đồng so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp xấp xỉ 2%, tức cứ 100 đồng doanh thu thì sau khi trừ giá vốn còn lãi 2 đồng.

Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp trong năm qua đều tăng vọt. Dù vậy, điều này không thể cản bước SJC báo lãi sau thuế đến 283 tỷ đồng, đột biến so với mức 61 tỷ đồng của cùng kỳ. Đây là mức lãi cao nhất của SJC trong vòng một thập kỷ. Con số này cũng vượt xa mục tiêu lãi sau thuế 70 tỷ đồng được ban lãnh đạo công ty trình Ủy ban nhân dân TP.HCM - cơ quan đại diện nhà nước sở hữu 100% vốn tại đây.

Tính đến cuối năm 2024, SJC có tổng tài sản gần 2.100 tỷ đồng. Trong số này có gần 1.500 tỷ đồng là vàng tồn kho.

SJC là doanh nghiệp chiếm thị phần vàng miếng lớn nhất cả nước. Kết quả kinh doanh của SJC tăng vọt khi giá vàng năm ngoái từ mức dưới 63 triệu đồng lên sát 90 triệu đồng mỗi lượng vào cuối tháng 10, tức tăng gần 43%. Xu hướng tăng giá vẫn chưa dừng lại khi giá liên tục lập đỉnh mới trong năm nay.

Trong kế hoạch kinh doanh năm 2025, ban lãnh đạo SJC đặt mục tiêu doanh thu tăng lên gần 34.900 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ khoảng 89 tỷ đồng.

Trong năm nay, doanh nghiệp dự tính gia công lại hơn 20.000 lượng vàng miếng SJC bị móp méo, đồng thời đưa ra thị trường hơn 503.000 sản phẩm nữ trang và logo. Ngoài ra, SJC không có kế hoạch triển khai các dự án đầu tư nào trong năm nay.

VẤN NẠN BUÔN LẬU VÀNG GIA TĂNG

Trong bối cảnh giá vàng trong nước tăng cao cùng với nguồn cung vàng khan hiếm đã kích thích các hoạt động buôn lậu qua biên giới. Mới đây nhất, Tòa án nhân dân Hà Nội đã xét xử ông Nguyễn Ngọc Phương (46 tuổi), Giám đốc Công ty Cổ phần Vàng Phú Cường, cùng 12 đồng phạm trong vụ án chuyển tiền trái phép qua biên giới và vi phạm hoạt động ngân hàng. Hay lực lượng chức năng tại cửa khẩu quốc tế Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) vừa phát hiện và bắt giữ một phụ nữ vận chuyển trái phép 4 kg vàng qua biên giới…

Trước vấn nạn trên, tại buổi tiếp xúc cử tri thành phố Cần Thơ do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì, Thủ tướng đã chia sẻ về những giải pháp đồng bộ, tích cực đang được Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương triển khai để hỗ trợ, tạo thuận lợi, đáp ứng các quan tâm của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

Về giá vàng, Thủ tướng cho biết Chính phủ đang sửa lại Nghị định 24/2012 về hoạt động kinh doanh vàng. Nghị định này không còn phù hợp với tình hình hiện tại. Thủ tướng chỉ đạo việc một số doanh nghiệp găm hàng, đội giá, trốn thuế, buôn lậu, phải được cương quyết xử lý.

Trước đó, tại văn bản chỉ đạo về diễn biến giá vàng trong nước ngày 18/4, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc yêu cầu Ngân hàng Nhà nước có giải pháp bình ổn, không để xảy ra việc trục lợi, làm giá, đầu cơ trên thị trường vàng.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc yêu cầu Ngân hàng Nhà nước cùng các cơ quan liên quan theo dõi sát tình hình và diễn biến thị trường tài chính, vàng, ngoại hối trong nước và quốc tế. Cơ quan này cần tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định, không để xảy ra việc trục lợi, thao túng, làm giá, đầu cơ... trên thị trường vàng; chủ động thực hiện ngay các biện pháp thông tin truyền thông để ổn định tâm lý xã hội.

Nguyễn Lan

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/trong-con-sot-vang-doanh-nghiep-lai-tien-ty-nguoi-dan-gianh-nhau-tung-chi-post559497.html
Zalo