TPBank chia cổ tức bằng tiền mặt và cổ phiếu năm thứ 3 liên tiếp
Tại ĐHĐCĐ năm 2025, TPBank trình kế hoạch trả cổ tức 10% bằng tiền mặt, 5% bằng cổ phiếu. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, TPBank thực hiện chia cổ tức bằng cả tiền mặt và cổ phiếu.

Chủ tịch HĐQT TPBank Đỗ Minh Phú. Ảnh: Kiều Chinh/Mekong ASEAN.
Sáng ngày 24/4, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, HoSE: TPB) tổ chức họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2025 tại tòa nhà DOJI, Ba Đình, TP Hà Nội.
Phát biểu khai mạc đại hội, Chủ tịch HĐQT TPBank Đỗ Minh Phú cho biết, năm 2024, TPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế gần 7.600 tỷ đồng, tăng 36% so với năm trước và vượt kế hoạch. Tỷ lệ lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt trên 17%. Tổng tài sản vượt 418.000 tỷ đồng, tăng 17% so với năm trước. Vốn điều lệ của TPBank tăng lên 26.420 tỷ đồng.
Thu nhập hoạt động của TPBank đạt hơn 18.000 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2023, trong đó thu nhập lãi thuần từ dịch vụ tăng trưởng 47,5%. Dư nợ tín dụng của ngân hàng đạt 261.500 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với năm trước, cao hơn mức trung bình ngành.
"Năm 2012, sau khi tái cơ cấu, ngân hàng TPBank có 500.000 khách hàng. Đến cuối năm 2024, tổng số khách hàng của ngân hàng đạt 14,1 triệu khách hàng. Đây là một mục tiêu thách thức, nhưng cuối cùng TPBank cũng đã đạt được," ông Đỗ Minh Phú chia sẻ.
CASA của TPBank đạt gần 54.000 tỷ đồng, tăng 14,4%, nằm trong nhóm tăng trưởng cao nhất hệ thống. Các chỉ số tài chính tiếp tục tích cực: Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đạt hơn 13%, vượt chuẩn Basel III; Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) giảm mạnh xuống còn 34,78%, thể hiện hiệu quả vận hành cải thiện rõ nét.
Về việc mở rộng hệ sinh thái của ngân hàng, TPBank đã tiếp tục phối hợp với Công ty Tài chính Cổ phần Handico (Hafic) để trình cấp có thẩm quyền chấp thuận phương án tái cơ cấu Hafic.
"Chúng tôi đang chờ ý kiến của Ngân hàng Nhà nước về phương án phục hồi Hafic," Chủ tịch HĐQT TPBank cho biết.
Mặt khác, trong quý 1/2024, TPBank đã hoàn thành việc mua lại CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC) thành công ty con và tính đến thời điểm hiện tại tỷ lệ sở hữu là 99,9%. TPBank cũng đang sở hữu 9,01% vốn tại CTCP Chứng khoán Tiên Phong (TPS) với giá trị thực góp là 270,3 tỷ đồng, tính đến cuối năm 2024.
Trả cổ tức 10% bằng tiền mặt, 5% bằng cổ phiếu
Với kết quả đã đạt được năm 2024, tại đại hội, TPBank trình phương án chia cổ tức 10% bằng tiền mặt (một cổ phiếu nhận được 1.000 đồng) từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối sau khi trích lập các quỹ tính đến thời điểm 31/12/2024, theo BCTC hợp nhất năm 2024 đã được kiểm toán của ngân hàng.
Đồng thời, TPBank phát hành tối đa hơn 132 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 5% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu tại ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền sẽ được nhận thêm 5 cổ phiếu mới). Nguồn thực hiện lấy từ lợi nhuận chưa phân phối sau khi trích lập các quỹ tính đến thời điểm 31/12/2024, theo BCTC hợp nhất năm 2024 đã được kiểm toán của ngân hàng.
Sau phát hành, vốn điều lệ của TPBank sẽ tăng tối đa 1.320,9 tỷ đồng, từ 26.420 tỷ đồng lên hơn 27.740 tỷ đồng. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, TPBank thực hiện chia cổ tức bằng cả tiền mặt và cổ phiếu.
'Năm 2025 là một năm đầy thách thức'
Chia sẻ về bối cảnh kinh tế, theo ông Đỗ Minh Phú, năm 2025, kinh tế thế giới tiếp tục biến động; chính sách thuế mới của Mỹ cũng đặt ra nhiều thách thức hơn đối với kinh tế toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam cơ bản có sự cải thiện và tăng trưởng tích cực. Năm 2024 GDP của Việt Nam đạt khoảng 7,09%. Nhiều động lực tăng trưởng, đặc biệt là về xuất khẩu hay thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt kết quả tích cực.
Với ngành ngân hàng, bên cạnh những hoạt động chung toàn nền kinh tế, toàn ngành ngân hàng với sự chỉ đạo điều hành của ngân hàng Nhà nước đã có được những kết quả quan trọng, chủ động, linh hoạt và kịp thời kiểm soát lãi suất. Đây cũng chính là những yếu tố rất là quan trọng để toàn bộ hệ thống của ngành tài chính ngân hàng có thể hoạt động một cách bài bản ổn định.
"Tuy nhiên, năm 2025 là một năm đầy thách thức, với cả nền kinh tế, ngành tài chính - ngân hàng và cả ngân hàng Tiên Phong. Những cạnh tranh thương mại quốc tế khiến kinh tế toàn cầu đặt trong tâm thế bất định. Giá vàng tăng vượt mọi mốc lịch sử do tìm kiếm kênh trú ẩn. Nền kinh tế Việt Nam với độ mở lớn đứng trước nhiều thách thức, đặc biệt là ngành tài chính ngân hàng tác động sẽ còn lớn hơn," ông Đỗ Minh Phú cho biết.
Nhận diện bối cảnh kinh tế, năm 2025, ban lãnh đạo TPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 9.000 tỷ đồng, tăng 18,4% so với năm 2024. Tổng tài sản năm 2025 dự kiến đạt 450.000 tỷ đồng, tăng 7,6%. Huy động vốn dự kiến tăng 12,3% lên 420.000 tỷ đồng. Dư nợ cho vay và trái phiếu tổ chức kinh tế tăng 20% lên 313.750 tỷ đồng, chỉ tiêu này cần phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận. Đồng thời, kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới mức 2,5%.
"Đây là kế hoạch kinh doanh đầy thách thức trong bối cảnh kinh tế biến động," Ông Đỗ Minh Phú khẳng định. Ông cũng chia sẻ thêm về chiến lược dùng đòn bẩy là 14,1 triệu khách hàng, TPBank nỗ lực khai phá thị trường 100 triệu dân.
Kết quả kinh doanh quý 1/2025
Quý 1/2025, TPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt hơn 2.100 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu nhập hoạt động của TPBank trong quý đầu năm đạt gần 4.500 tỷ đồng. Trong đó, thu nhập thuần từ dịch vụ trở thành điểm sáng khi tăng 27% so với quý I/2024, đẩy tỷ trọng thu nhập dịch vụ trong tổng thu nhập hoạt động lên trên 20%, so với mức 15% cùng kỳ năm trước.
Tổng huy động vốn quý 1/2025 đạt 337.800 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. Trong khi đó, dư nợ thị trường một đạt hơn 271.500 tỷ đồng, tăng mạnh 28% so với quý 1/2024. Riêng cho vay khách hàng đạt hơn 263.100 tỷ đồng, tương ứng tăng 30% so với cùng kỳ 2024. Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng quý 1/2025 của TPBank đạt 3,75%.