Chuyện gì đang xảy ra với vàng?

Giá vàng thế giới tăng dựng đứng, giá vàng trong nước cũng đang đạt đến một kỷ lục mới khi neo ở ngưỡng 124 triệu đồng/ lượng. Song, có một điểm đáng lưu ý đó là, giá vàng tăng cao nhưng cửa hàng kinh doanh vàng hầu như không bán ra, nhiều cửa hàng vàng từ chối khách mua với lý do hết vàng miếng SJC.

anh nho

anh nho

Chênh với giá thế giới 16 triệu đồng/ lượng

Nhiều ngày trở lại đây, từ sáng sớm, tại các cửa hàng vàng lớn trên phố Cầu Giấy, phố Trần Nhân Tông (Hà Nội) rất đông người xếp hàng dài chờ mua vàng. Vậy nhưng, có tiền cũng rất khó mua được vàng.

Chị H.T.Q (trú quận Cầu Giấy) gom hơn 50 triệu đồng đi mua vàng, tại một cửa hàng lớn ở khu vực Cầu Giấy, sau khi lấy được số, chờ từ 9h sáng đến hơn 11h trưa, chị Q. vẫn không mua được vàng.

Nhiều người dân cho biết, từ năm ngoái đến nay, việc mua vàng rất khó khăn. Có tiền nhưng phải may mắn và kiên nhẫn chờ đợi mới mua được vàng bởi việc bán vàng ra của các cửa hàng rất nhỏ giọt. Đặc biệt trong 2 ngày trở lại đây một số cửa hàng vàng đến tầm 11h trưa đã trưng biển “tạm hết hàng”.

Cập nhật dữ liệu giá vàng cho biết, sau cơn “lên đồng” chạm mốc 124,5 triệu đồng/lượng (sáng 22/4) thì đến sáng ngày 23/4 giá vàng đã giảm, giá thương hiệu vàng miếng SJC niêm yết ở mức 120 – 122 triệu đồng/lượng. Thời điểm giá vàng trong nước lên tới 124 triệu đồng/lượng vào ngày 22/4, là đã tăng hơn 45% so với mức 85 triệu đồng/lượng hồi đầu năm nay.

Trên thị trường thế giới, lúc 9h ngày 23/4, giá vàng giao ngay đang giao dịch quanh vùng 3.378 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá hiện hành, giá vàng thế giới neo ở khoảng 107,6 triệu đồng/lượng. Như vậy, tính ra giá vàng trong nước đang cao hơn giá vàng thế giới tới 16 triệu đồng/ lượng.

Giá vàng gần đây biến động quá mạnh, vàng bán ra nhỏ giọt trong khi nhiều người giữ tâm lý không mua thì sợ giá càng tăng đã khiến cho giá vàng càng tăng mạnh. Để ổn định thị trường vàng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 47 ngày 22/4/2025 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình quốc tế, khu vực, việc điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn; sử dụng hiệu quả các công cụ điều hành để điều tiết tỷ giá, lãi suất phù hợp, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu giữ vững ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, thị trường vàng và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Sáng ngày 23/4, giá vàng bớt nóng. Ảnh: Lê Khánh.

Sáng ngày 23/4, giá vàng bớt nóng. Ảnh: Lê Khánh.

Thị trường vàng mang nặng tính đầu cơ

Trong bản báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2025, Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (mã chứng khoán PNJ) cũng thông tin, doanh thu thuần và lợi nhuận đều giảm.

Cụ thể, trong quý I/2025, PNJ ghi nhận doanh thu thuần đạt 9.635 tỷ đồng, giảm 23,5% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế giảm 8,1% so với quý I/2024 xuống mức 678 tỷ đồng. Sự sụt giảm doanh thu và lợi nhuận chủ yếu do doanh thu bán vàng 24K trong quý giảm tới 65,8% so với cùng kỳ.

Mỗi đợt vàng tăng giá mạnh, giá trong nước lại tăng cao hơn nhiều so với giá thế giới. Nhiều người cho rằng, giá vàng trong nước tăng như vũ bão thời gian qua do giá vàng thế giới nóng hầm hập nhưng một phần nữa do tâm lý fomo (tâm lý sợ bị bỏ lỡ) đẩy giá vàng trong nước tăng cao và chênh lệch lớn so với giá vàng thế giới.

Trước đây, từ năm 2012, Việt Nam thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP, theo đó Ngân hàng Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng SJC và kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu vàng, ổn định thị trường vàng, hạn chế tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế, nhưng đồng thời cũng dẫn đến nguồn cung vàng chính thức bị hạn chế. Khi giá vàng thế giới tăng, nguồn cung vàng trong nước hạn chế thì giá vàng trong nước sẽ lệch pha với thế giới.

Ông Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính, Học viện Tài chính nhận định, giá vàng trong nước tăng cao bởi giá vàng thế giới liên tục lập đỉnh. Bên cạnh đó, tỷ giá USD cũng neo cao là một trong những nguyên nhân đẩy giá vàng trong nước tăng. Theo ông Độ, muốn hạ nhiệt giá vàng nên nhập khẩu vàng. Tuy nhiên, thời điểm nào nhập khẩu vàng là bài toán cần cân đối. Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đối mặt nhiều thách thức trước việc áp thuế của Mỹ. Khi hàng không xuất được sang Mỹ ảnh hưởng đến nguồn thu USD.

Bên cạnh đó, ông Độ cũng chia sẻ, mục tiêu quan trọng của Ngân hàng Nhà nước vẫn là ổn định tỷ giá. Giá vàng không thể tăng mãi, khi có sự điều chỉnh giảm, nhu cầu người dân sẽ ít đi, từ đó khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới tự thu hẹp.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, thị trường vàng hiện vẫn tồn tại nhiều bất cập như chênh lệch giá mua - bán chưa được kiểm soát, do đó, nhiều ý kiến đề xuất Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi nhằm xây dựng một thị trường hiện đại, minh bạch.

Theo giới chuyên gia tài chính, không có mặt hàng nào tăng giá mãi. Giá vàng đã liên lục lập đỉnh, phá vỡ các kỷ lục, vì thế có thể ngừng tăng hoặc đảo chiều giảm bất cứ lúc nào. Những người đã có vàng, mua vàng ở mức giá tốt thì có thể bán bất cứ lúc nào khi đã có lợi nhuận. Người có nhu cầu mua cần hết sức cân nhắc, bởi việc mua với giá đỉnh sẽ khiến nguy cơ lỗ tăng cao.

H.Hương – P.Vân

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/chuyen-gi-dang-xay-ra-voi-vang-10304391.html
Zalo