Trọn đời theo Đảng
Mỗi lần nói về Đảng, Bác Hồ, các đảng viên lão thành cách mạng luôn xúc động và tự hào. Bởi lẽ, họ đã dành trọn cuộc đời gắn bó với Đảng, theo Bác Hồ để thực hiện mục tiêu cao đẹp là đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Sắt son lời thề
Cụ Bùi Thị Lâm, ở tổ 7, phường Nghĩa Lộ (TP.Quảng Ngãi) nay đã 106 tuổi đời, 81 năm tuổi Đảng. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, song cụ Lâm vẫn nhớ về một thời tuổi trẻ, tràn đầy nhiệt huyết cống hiến cho Đảng, cho cách mạng. Lần giở những trang lý lịch đảng viên của cụ Lâm, chúng tôi cảm phục về một người đảng viên kiên trung, một lòng theo Đảng làm cách mạng. Cụ Lâm quê ở làng An Thổ, xã Phổ An (TX.Đức Phổ), khi mới 12 tuổi đã tỏ rõ tố chất của một đứa trẻ lanh lợi, dũng cảm, nên được ba là ông Bùi Tháo và anh trai Bùi Mưu - đảng viên cộng sản, giao nhiệm vụ làm giao liên. Ngày 2/3/1945, cô gái trẻ Bùi Thị Lâm được kết nạp vào Hội Phụ nữ cứu quốc làng An Thổ và Ủy viên Mặt trận Việt Minh làng An Thổ. Giai đoạn này bà Lâm tham gia vận động nhân dân ủng hộ lực lượng du kích Ba Tơ. Trong những ngày tháng 8/1945, bà Lâm được Mặt trận Việt Minh chỉ định là Ủy viên Ban Cách mạng lâm thời làng An Thổ. Ngày 10/8/1946, bà Lâm vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Sau Hiệp định Geneve, bà Lâm tập kết ra Bắc học tập, công tác và được phân công làm việc ở Ban Thống nhất Trung ương, Công đoàn ngành kiến trúc. Đến năm 1971, bà nghỉ hưu và 5 năm sau chuyển về ở xã Nghĩa Lộ (nay là phường Nghĩa Lộ, TP.Quảng Ngãi) sinh sống, tham gia công tác ở phường và tổ dân phố cho đến năm 2005. Ở cương vị nào bà cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. “Nhìn lại suốt quá trình được sống và chiến đấu dưới ngọn cờ của Đảng, tôi tự hào với danh hiệu "người đảng viên cộng sản”. Từ ngày vào Đảng đến nay, tôi luôn chấp hành kỷ luật của Đảng, vì đó là kỷ luật “thép”; đồng thời cũng là kỷ luật tự giác của Đảng”, cụ Lâm tâm sự.
Người cộng sản kiên trung
Mẹ Việt Nam Anh hùng Huỳnh Thị Thấm (96 tuổi), ở phường Phổ Văn (TX.Đức Phổ), có chồng và con trai hy sinh. Mẹ Thấm vẫn thường kể cho thế hệ trẻ nghe về những năm tháng kháng chiến gian khổ, nhưng rất đỗi hào hùng của dân tộc ta. Mẹ có 2 người anh trai là Huỳnh Thường tham gia cách mạng năm 1930, Huỳnh Lý tham gia cách mạng năm 1945. Từ tháng 5/1945, bà tham gia hoạt động cách mạng tại địa phương.
Đến bây giờ, khi nhớ lại câu chuyện về những ngày tháng lịch sử giành chính quyền về tay nhân dân vào tháng 8/1945, bà Thấm vẫn không khỏi xúc động. Hình ảnh dòng người sục sôi khí thế cách mạng và lá cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió ngày ấy vẫn luôn hiển hiện trong tâm trí của bà. Lúc đó, cô bé Thấm chỉ mới 15 tuổi. Ngày 5/6/1946, khi tròn 16 tuổi, Huỳnh Thị Thấm được kết nạp vào Đảng. Trải qua nhiều vị trí công tác từ thôn, đến xã và ở cương vị nào bà cũng hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, xứng đáng là người đảng viên kiên trung, hết lòng đi theo Đảng, Bác Hồ.
Năm 1960, khi đang hoạt động cách mạng thì bà bị địch bắt giam. Dù bị địch tra tấn, nhưng bà quyết không khai để bảo vệ đồng đội, bảo vệ cơ sở cách mạng. Ở bất cứ hoàn cảnh nào, bà cũng đều thể hiện tinh thần của người cộng sản kiên trung.
Vững tin vào Đảng
Ðứng vào hàng ngũ của Ðảng là dấu mốc đặc biệt trong cuộc đời mỗi người. “Tôi vào Đảng khi vừa tròn 20 tuổi, trong giai đoạn đất nước còn chiến tranh. Lời thề trong giây phút thiêng liêng ấy là bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua. Vì thế, tôi không ngừng rèn luyện, phấn đấu cống hiến để xứng đáng với hai từ đảng viên”, Đại tá Đỗ Minh Cảnh (97 tuổi), lão thành cách mạng ở phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi), chia sẻ.
Đại tá Đỗ Minh Cảnh luôn giữ bên mình những cuốn sách, quyển sổ ghi lại kỷ niệm của những ngày tháng đã qua, đặc biệt là những tháng ngày tham gia cách mạng. Ông Cảnh hoạt động cách mạng khi còn rất trẻ. Từ tháng 3/1945 - 4/1946, ông tham gia Mặt trận Việt Minh; tham gia cướp chính quyền tại xã Tịnh Long (Sơn Tịnh). Từ tháng 5/1946 - 7/1949, ông tham gia bộ đội ở Liên khu 5 và tiếp tục tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp.
Tháng 11/1986, ông Cảnh về hưu. Dù tuổi cao, nhưng mỗi ngày ông đều đọc sách, báo, nghe đài. Ông còn tham gia đóng góp ý kiến cho cấp ủy địa phương. Lời hứa trước Đảng đã theo ông suốt cuộc đời, giúp ông vượt qua bao khó khăn, gian khổ trong những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, rồi thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại chiến trường K.
“Tôi xác định là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam thì phải đặt lợi ích của Đảng, của quốc gia, dân tộc lên trên hết. Cho nên, trong suốt những năm tháng phục vụ trong quân đội, dù khó khăn đến mấy tôi cũng vượt qua. Bản thân tôi rất tự hào vì đã góp một phần nhỏ bé vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, để nay nhân dân được sống trong hòa bình, no ấm, đất nước ngày càng phồn vinh”, ông Cảnh bày tỏ.