Đảng của tôi xin cảm ơn Người

Ơn Đảng cho tôi được sống và chiến đấu trên mảnh đất này, đầy gian lao nhưng anh dũng tuyệt vời, đầy tình đầy nghĩa giữa nhân dân có truyền thống cách mạng, giữa những người cộng sản kiên trung, chí khí một lòng vì Đảng vì dân. Đảng vinh quang của tôi ơi! Xin chân thành cảm ơn Người…

Đảng của tôi xin cảm ơn Người

(đăng trên báo Bình Phước, ngày 29-1-1997)

VĂN TẤN SẮC

… Sau năm tháng trời, trên đường Trường Sơn vạn dặm, đầu mùa mưa năm 1964, chúng tôi về đến đất Phước Long. Đất đỏ thấm mưa đỏ thắm lại. Núi rừng trùng điệp, đỉnh Bà Rá hiên ngang quyện với mây trời. Cả một khí thế hừng hực chuẩn bị cho chiến dịch Phước Long - Đồng Xoài.

Mặc dầu thấm mệt, cơn sốt rét rừng còn hoành hành, anh em chúng tôi hớn hở lao vào công việc do ban tuyên huấn phân công.

Mới từ quê hương miền Bắc vào còn ngỡ ngàng cũng chả làm gì lớn lao cho lắm, đi tải đạn, tải lương, đào công sự, viết tin, viết truyền đơn.

Bấy giờ, các anh lãnh đạo ưu ái anh chị em giáo viên chúng tôi lắm. Sau chiến dịch, cả một vùng giải phóng rộng lớn mở ra quanh núi Bà Rá. Chúng tôi tha hồ mà hành nghề. Làm trường, đào hầm mà dạy để tránh ca-nông, sắp xếp bộ máy, biên soạn tài liệu chương trình… Tất bật, vất vả, bận rộn mà thật là vui.

Thế rồi, để chuẩn bị cho mùa xuân năm 1968, cùng với phong trào chung, anh em chúng tôi cũng xếp bút nghiên lên đường ra hỏa tuyến. Anh Tư Nguyện, Ba Huỳnh, cô giáo Bình hăng hái phấn khởi lắm. Họa sĩ Việt Phong trèo lên Bà Rá tìm cảm hứng để vẽ cho báo Phước Long Giải phóng. Người người lên đường, nhà nhà khẩn trương chuẩn bị cho trận tổng công kích. Con em các dân tộc ở các buôn sóc, dinh điền tấp nập tình nguyện đi bộ đội. Ai có sức góp sức, có của góp của. Tôi đã thấy có nhà ở Phú Văn chỉ để lại một thùng lúa đủ ăn vài ngày, còn dốc ra giã gạo nuôi quân. Bao chiến công oanh liệt của các tiểu đoàn, sư đoàn chủ lực, tôi đã từng thấy du kích Bù Xia, Bù Tung, Phú Văn anh dũng quyết liệt đánh địch giữ dân, chiến công của những cụ già tóc bạc phơ, của những thiếu niên, người không cao hơn khẩu súng các-bin, của những cô gái còn độ trăng rằm như o Thê, o Lại.

Tôi cảm kích, tôi khâm phục, lòng tôi bừng cháy, tự bảo mình phải làm gì đây cho xứng đáng với đồng bào đồng đội ở chung quanh mình.

Địch phản kích ác liệt, chiến trường Bình Phước cam go, có thể nói máy bay địch như ruồi, xe tăng bò như cua. Kỵ binh bay, Anh cả đỏ, lữ đoàn dù, giặc giăng bủa khắp nơi, khó khăn quá chừng, tưởng chừng ta không chịu nổi. Một khí thế trầm hùng cách mạng đi vào chiều sâu, âm ỉ, tích góp chuẩn bị những cơn bão tố sắp tới. Cơ quan lãnh đạo của tỉnh vẫn còn ở suối Đâm, suối Rạc, các đội công tác vẫn bám trong lòng địch. Các đơn vị bộ đội tuy có mất mát, hy sinh nhưng vẫn kiên cường. Dân bị gom ấp chiến lược nhưng vẫn giữ tấm lòng son sắt, thủy chung, xanh vỏ đỏ lòng, tìm cách móc nối xây dựng lực lượng.

Anh em giáo viên chúng tôi “mất dạy”. Anh Hạ Hà vác súng ra phía trước, tôi về đội Phước Bình. Mặc dầu chưa quen “cung ngựa, đâu tới chiến trường nhung” nhưng dần rồi cũng quen. Nhờ anh em, nhờ chi bộ, nhờ các anh đi trước hà hơi tiếp sức, tôi không quên anh Tám Lực, Bí thư huyện ủy Phước Bình đã chỉ vẽ tận tình, hướng dẫn tôi ra địa bàn công tác, dắt tôi vào sâu trong lòng địch móc ráp cơ sở cách mạng trong những đêm tối đầy sương và giá lạnh. Công ơn anh dẫn bước, xin kính cẩn nghiêng mình dâng nén hương lòng nhớ anh, người cộng sản tài năng đức độ, bình dị và chan hòa. Địa bàn hoạt động của tôi rộng từ thị trấn Phước Bình đến thị xã Phước Long. Do vị trí của nó, sát nách, trực tiếp với bọn đầu sỏ, mà đội công tác của tôi được các anh lãnh đạo quan tâm. Có lần anh Ba Ban gọi tôi về K11 để hỏi tình hình. Anh đặt ra những câu hỏi, tôi phải trả lời. Một hệ thống câu hỏi kiểm tra chặt chẽ lắm, nói dối không được đâu. Biết gì, làm gì báo nấy, chân thật. Sự chỉ đạo của anh thật cụ thể, sáng tỏ, tôi thấy sáng ra nhiều vấn đề, học tập được nhiều ở lãnh đạo. Anh Tám Tố, Phó bí thư tỉnh ủy đi với Tư Cường ra tận suối Minh kiểm tra tình hình cơ sở trong thị xã. Tuy anh có nghiêm khắc nhưng lại ân cần gợi mở bảo ban rồi vui vẻ, điếu thuốc chia đôi, gói trà bẻ nửa, ung dung bên ván bài xì.

Anh Hai Phong, Ba Minh, Năm Nhường, anh Cả Huệ mỗi lần đi thị sát chiến trường, có ghé thăm anh em chỉ bảo một số công việc. Cám ơn các anh đã chắp cánh hun đúc bồi đắp cho thế hệ đàn em. Sao tôi vẫn quý, vẫn nhớ cái thời “tướng sĩ một lòng”, bát rượu cùng chung trên mảnh đất Bình Phước đầy gian lao thử thách này. Chính đó là sức mạnh của chiến thắng chăng?

Ở trong lòng dân, chúng tôi đâu có đói cơm lạt muối ăn nần ăn chụp như các anh chị ở nhà nhưng địch tình căng thẳng, vết thương cũ nhức nhối, bệnh thấp khớp trỗi dậy, mắt sâu má hóp. Ai cứu đời tôi? Chỉ có Đảng, những đồng chí tốt bụng. Cùng với anh em, sau những ngày quần quật với địch ở Hiếu Phong, Long Điền, tối về không ngủ được. Anh Tư Nguyện đến thăm, an ủi, động viên, anh cho tôi năm nghìn bạc và miếng cao hổ cốt. Anh cho cả tấm lòng. Làm sao đền đáp công ơn cao dày. Cảm động quá! Tuần lễ sau tôi được về Bù Đốp trị bệnh, an dưỡng. Nằm ở viện mà lòng không yên, cứ nôn nao thổn thức muốn về Phước Bình. Vì xung quanh tôi là cả một khí thế hào hùng đang tiến về chuẩn bị giải phóng Phước Long.

Trên đường về tôi cảm thấy khoan khoái. Cơn đau hầu như tiêu tan mất. Vào mùa Đông năm 74, rừng cao su đang thay lá nhưng không có vẻ cô tịch hoang vắng như trước kia. Xe cộ rần rần, pháo xe tấp nập, những đoàn quân hành tiến. Ôi vui sướng, lần này chắc ăn một đi không trở lại. Phước Long nhất định giải phóng, tôi thầm nghĩ như vậy. Về đến cơ quan thì đã muộn, anh em đi ra hết rồi. Chỉ còn các anh lãnh đạo đang làm việc. Tôi chỉ đóng góp được vài điều hiểu biết về sơ đồ, địa bàn ở Phước Long, Phước Bình thôi.

Nhiệm vụ của tôi lúc đó là đứng ở Sơn Hà, Đa Kia đón dân, giải quyết “hậu cần”. Không ngờ lại ở gần doanh trại của anh Tư Nguyện. Được sự chỉ đạo trực tiếp hàng ngày hàng giờ. Một sự việc làm tôi ân hận suốt đời là có lần tôi cự lại anh Tư, nộ khí hùng hổ rất “phạm thượng”. Chẳng qua anh Tư la rầy cũng vì lo cho dân quá, chuyện xe cộ hàng hóa phục vụ ngày Tết đầu tiên ở vùng giải phóng. Tôi phải về Cầu Trắng gấp, gặp anh Tư Huỳnh, xin hàng hóa chở về bán cho dân. May anh đáp ứng ngay. Hàng về đủ thứ, bán cho mọi người. Tiếng cười reo rộn ràng, các em bé tập nhảy múa bài ca Sóc Bombo… Thông cảm với người dân thị thành ra sống giữa rừng, cuộc sống thay đổi quá đột ngột. Chúng tôi vui. Anh Tư cũng hoan hỉ, mời thuốc, kể chuyện tiếu lâm và anh nói sắp đi Chơn Thành. Luyến tiếc, thương anh quá. Đối với chúng tôi anh cao cả, rộng lớn làm sao. Năm mới chúc anh trường thọ, nhìn xem đàn em đang lao mình xây dựng tỉnh Bình Phước mà trước kia anh đã dày công vun trồng.

Riêng tôi từ ngày Trung ương quyết định thành lập tỉnh mới, hai tiếng Bình Phước khơi dậy trong lòng tôi cả một bầu trời kỷ niệm…

Ơn Đảng cho tôi được sống và chiến đấu trên mảnh đất này, đầy gian lao nhưng anh dũng tuyệt vời, đầy tình đầy nghĩa giữa nhân dân có truyền thống cách mạng, giữa những người cộng sản kiên trung, chí khí một lòng vì Đảng vì dân. Đảng vinh quang của tôi ơi! Xin chân thành cảm ơn Người…

22-1-97

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/548/167820/dang-cua-toi-xin-cam-on-nguoi
Zalo