Trở thành tài sản nghìn tỷ USD, liệu Bitcoin có bị mất 'chất'?

Xuất hiện từ một văn bản chỉ 9 trang giấy (whitepaper), đồng tiền Bitcoin đã phát triển vượt bậc để trở thành một trong những hiện tượng tài chính toàn cầu gây nhiều tranh cãi.

Bitcoin sẽ dành cho ai?

Thị trường tiền điện tử đang đứng trước một ngã rẽ quan trọng trong lịch sử phát triển khi mà việc xây dựng kho dự trữ Bitcoin chiến lược đang trở thành ưu tiên của nhiều bên, đặc biệt sau những động thái mạnh mẽ từ chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Theo đó, Tổng thống Trump đã đề xuất ý tưởng xây dựng một kho dự trữ Bitcoin quốc gia trong chiến dịch tranh cử năm 2024.

Gần đây, ông cũng đã ký một sắc lệnh hành pháp để đánh giá tiềm năng tạo ra và duy trì một kho dự trữ tài sản kỹ thuật số quốc gia.

Không chỉ Mỹ mà nhiều quốc gia cũng đang tính toán tới việc dự trữ Bitcoin. Điển hình như El Salvador đã biến Bitcoin thành tiền tệ hợp pháp trong khi dần dần tích lũy đồng tiền điện tử này làm dự trữ bắt đầu từ năm 2021. Hoặc như, các quan chức chính phủ ở Brazil cũng đã đưa ra luật để hiện thực hóa khả năng đó, trong khi các chính trị gia ở Ba Lan và Nga đã tán thành ý tưởng thêm tiền kỹ thuật số vào bảng cân đối kế toán của quốc gia.

Đây có thể là một bước ngoặt quan trọng trong hành trình phát triển của Bitcoin, nhưng đồng thời cũng đặt ra những câu hỏi lớn về khả năng tiếp cận và sự dân chủ hóa tài sản kỹ thuật số.

Theo ông Ryan Chow, CEO của nền tảng Solv Protocol, trong bối cảnh ngày càng nhiều Bitcoin bị khóa chặt trong các ví lạnh của nhiều ngân hàng trung ương, liệu đồng tiền điện tử này có còn phục vụ nhu cầu người dân như tinh thần ban đầu hay không hay sẽ trở thành tài sản dành riêng cho các tổ chức lớn?

Ông Chow cho biết, sự chuyển mình mạnh mẽ của Bitcoin trong năm qua đã khiến giới tài chính phải kinh ngạc. Chỉ trong vòng 12 tháng, Bitcoin đã tiến từ việc được chấp nhận trong các quỹ ETF đến khả năng trở thành tài sản dự trữ quốc gia. Điều này không chỉ khẳng định tiềm năng phi thường của tài sản số mà còn mở ra một chương mới trong lịch sử tài chính toàn cầu.

Trong trường hợp được các ngân hàng trung ương công nhận, Bitcoin sẽ đứng ngang hàng với những tài sản dự trữ truyền thống như vàng và dầu mỏ. Ưu điểm vượt trội của Bitcoin nằm ở tính thanh khoản cao, khả năng minh bạch tuyệt đối thông qua blockchain, và sự tiện lợi trong giao dịch quốc tế. Những đặc điểm này khiến Bitcoin trở thành một công cụ tài chính hiệu quả trong thời đại số.

Nếu Bitcoin được chấp nhận rộng rãi bởi cả khu vực công và tư nhân, đồng tiền điện tử này sẽ len lỏi vào mọi lĩnh vực kinh tế, mang lại lợi ích lớn cho doanh nghiệp, cá nhân và chính phủ. Nhưng liệu khi trở nên phổ biến hơn, Bitcoin có biến thành công cụ của các thể chế quyền lực hay vẫn giữ được bản chất phi tập trung, dành cho tất cả mọi người?

Bài học từ vàng

Ông Chow nhận định, triển vọng phát triển của Bitcoin đang phụ thuộc vào sự cân bằng mong manh giữa quyền sở hữu của chính phủ và công chúng, đặc biệt là việc bảo vệ quyền tự do sở hữu, giao dịch và sử dụng Bitcoin của cá nhân và tổ chức. Tuy nhiên, vẫn có khả năng một kịch bản đáng lo ngại xảy ra, khi mà Bitcoin được công nhận là tài sản dự trữ quốc gia. Điều này sẽ phá vỡ thế cân bằng bởi lúc đó, Bitcoin sẽ bị khóa trong các ví lạnh của ngân hàng trung ương. Đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư trên thị trường sẽ bị giảm khả năng tiếp cận hơn.

Trong lịch sử, vàng đã từng trải qua câu chuyện trên. Vào thế kỷ 19, vàng đóng vai trò kép: Vừa là tài sản tài chính của chính phủ, vừa là công cụ tiền tệ được sử dụng bởi người dân. Tuy nhiên, do khủng hoảng kinh tế, dự trữ vàng của Mỹ còn rất ít. Nếu chính phủ mua thêm vàng, giá vàng sẽ bị đẩy lên cao và tình hình càng khó khăn hơn. Trước những khó khăn đó, Tổng thống Franklin Roosevelt ký ban hành Sắc lệnh 6102 vào năm 1933, cấm người dân nắm giữ vàng. Sắc lệnh cấm việc mua bán vàng và yêu cầu người dân phải bán vàng họ có cho chính phủ. Mặc dù lệnh cấm được dỡ bỏ vào năm 1974, vàng đã trở thành một tài sản xa xỉ, không còn phục vụ cho nhu cầu giao dịch hàng ngày của người dân.

Nêu về mối lo ngại, ông Chow cho rằng, Bitcoin có thể đối mặt với một "lệnh cấm mềm" tương tự, không phải thông qua luật pháp, mà qua việc các ngân hàng trung ương và chính phủ tích lũy Bitcoin với số lượng lớn. Điều này có thể khiến nguồn cung trên thị trường giảm mạnh, đẩy giá lên quá cao và vượt khỏi tầm với của người dùng bình thường.

Để ngăn chặn kịch bản này, cộng đồng tiền số đang đề xuất mô hình "dự trữ Bitcoin mở". Đây là một hệ thống cho phép mọi người đều có thể tiếp cận, tham gia mua bán và sử dụng Bitcoin. Thông tin về lượng Bitcoin dự trữ được công khai minh bạch, và không một tổ chức nào có quyền kiểm soát tuyệt đối.

Nếu các quốc gia xây dựng kho dự trữ Bitcoin, điều quan trọng là phải có các cơ chế dự trữ Bitcoin mở và cần thỏa mãn các đặc điểm như: khả năng tiếp cận rộng rãi, tính minh bạch, phi tập trung, cùng với việc phát hành các tài sản dự trữ có tính thanh khoản cao và đáng tin cậy.

Bản chất vốn ít biến động và kém linh hoạt hơn của Bitcoin so với nhiều loại tiền điện tử khác đã hạn chế khả năng tham gia của nó vào các hoạt động kinh tế trên thị trường. Trước đây, Bitcoin thường bị coi là “chậm chạp và cồng kềnh” để sử dụng. Tuy nhiên, sự trỗi dậy của BTCFi (Bitcoin DeFi) vào cuối năm 2023 đã giúp giải quyết phần nào hạn chế này, mở khóa tiềm năng tài chính của Bitcoin. Mục đích của BTCFi có thể hiểu để mở rộng tính ứng dụng của Bitcoin trong các giao dịch tài chính hàng ngày, như thiết lập một thị trường tài chính phi tập trung thuộc về Bitcoin, cho phép người nắm giữ Bitcoin có thể cho vay, đi vay, kiếm lãi suất mà không cần bán Bitcoin.

"Tương lai của Bitcoin phụ thuộc vào việc duy trì các nguyên tắc cơ bản về khả năng tiếp cận và phi tập trung, đồng thời phải thích ứng với vai trò ngày càng phát triển của tiền điện tử trong hệ thống tài chính toàn cầu", ông Chow nhận xét.

Qui Ánh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/tro-thanh-tai-san-nghin-ty-usd-lieu-bitcoin-co-bi-mat-chat-post363546.html
Zalo