Triết lý Đại tạng kinh

Tất cả kinh pháp mục đích giúp chọn một pháp hành cho tâm thức chứ không phải để sùng phụng hay tán dương một triết lý nghệ thuật của kinh điển Bắc truyền.

Trong kho tàng kinh điển của Phật giáo Bắc truyền, văn phong khác xa với kinh tạng Nam truyền: mượt mà hơn, mang tính văn học triết lý hơn, hàm ẩn nhiều biểu tượng ngoài biểu tượng tín ngưỡng Tôn giáo.

Tín đồ đọc tụng bằng tâm tín thành như để đáp ứng sự hộ trì của Bổn Tôn, chính sự chuyên nhất và thành kính đó đã tạo một trường lực cảm ứng theo sở cầu sở nguyện!

Hình minh

Ngược lại, chỉ đọc tụng như thói quen trả lễ, khác nào chiếc máy ghi âm phát ra một cách vô thức. Các chú tiểu hai thời công phu được xem như trả nợ áo cơm Tam bảo hơn là tìm hiểu ý nghĩa dẫn lối đưa đến tu tập đúng nghĩa.

Trong bộ Đại tạng kinh Bắc truyền, mỗi bộ kinh văn đều mang một hàm ý biểu hiện sự diễn hóa tâm thức. Qua nhiều thế kỷ, hàm ý thâm sâu của các kinh bộ đã biến thành bảo bối trong nghi thức Tôn giáo. Linh hồn triết học đã bị phủ một lớp bụi dày, ít được khai phá đề cao đúng nghĩa để thích nghi với những trình độ cao kiến hơn.

Chính vì thế những bộ kinh thông dụng như Địa Tạng, Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, Vô lượng Thọ, Di Đà, Phổ Môn… đều được đáp ứng cho nghi lễ tôn giáo trong quảng đại tín đồ hơn là những nấc thang tiến hóa tâm thức giúp cho hành giả tiến sâu vào hành trì giải thoát.

Trong thời đại phương tiện truyền thông phổ quát hiện nay, không khó cho những ai tìm hiểu, tiếp cận kinh điển Phật giáo, nhưng thật sự rất khó để hiểu thâm ý của kinh tạng, tìm cho mình một pháp hành.

“Thế gian pháp tức Phật pháp”. “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác, ly thế mịch Bồ đề, cáp như cầu Thố giác”… chư Tổ đã cảnh báo, nhưng vẫn có những đam mê đắm sâu vào kinh văn, nghi lễ, bỏ quên nghĩa lý ẩn tàng trong văn kinh, cũng không thiếu những tìm tòi để khám phá tính vi diệu của kinh điển.

Tất cả kinh pháp mục đích giúp chọn một pháp hành cho tâm thức chứ không phải để sùng phụng hay tán dương một triết lý nghệ thuật của kinh điển Bắc truyền.

Thử tìm hiểu tính uyên nguyên trong kinh Địa Tạng, cũng như mỗi bộ kinh có một điều hướng khác nhau thích hợp cho căn cơ từng đối tượng.

Dĩ nhiên kinh điển Bắc truyền xuất hiện sau Phật nhập diệt nhiều thế kỷ. Một số nội hàm cũng xuất hiện từ Phật giáo nguyên thủy, mang dáng dấp giáo pháp sơ thời, được diễn dịch bằng lối văn chương của quốc độ nặng tính văn học, tuy diễn dịch như truyền tích nhưng thật súc tích một triết lý uyên áo.

Xin được lần lượt giới thiệu đến với những ai thích tìm hiểu về giáo lý Bắc truyền, tìm ra một pháp hành thích hợp với căn cơ cá biệt.

Tác giả: Minh Mẫn

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/triet-ly-dai-tang-kinh.html
Zalo