Bằng lăng tím lối Mễ Trì - tiếng thơ ngân vang của một thế hệ
Tập thơ 'Bằng lăng tím lối Mễ Trì' của 69 tác giả là cựu sinh viên K22, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội tuy chưa thật sự có nhiều bài hay như mong đợi nhưng đó là những ký ức ngân vang của một thế hệ.

Tập thơ "Bằng lăng tím lối Mễ Trì" của 69 tác giả là cựu sinh viên K22, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội
Ban Liên lạc K22, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) vừa phối hợp Nhà Xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam xuất bản tập thơ "Bằng lăng tím lối Mễ Trì" ra mắt bạn đọc và những người yêu văn chương nghệ thuật trong cả nước.
Tập thơ này có sự đóng góp của 69 tác giả với 300 bài thơ trong tổng số gần 200 cựu sinh viên Khoa Ngữ văn (Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội niên khóa 1977 - 1981).
Trong lời giới thiệu tập thơ, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam viết: “Các tác giả của tập thơ này là cựu sinh viên Khoa Ngữ văn khóa 22 của Đại học Tổng hợp, một trường danh tiếng ở Việt Nam. Ký túc xá Mễ Trì là địa danh một thời cuốn hút nhiều người, đặc biệt là những người sáng tác và yêu văn chương”.
Còn nhớ, sau chiến thắng mùa Xuân năm 1975 lịch sử, đi qua cuộc chiến tranh chống Mỹ ác liệt, lúc đó khắp các trường đại học ở miền Bắc học sinh tốt nghiệp phổ thông hệ 10 năm cùng các anh bộ đội, thanh niên xung phong đủ mọi lứa tuổi trở về trên các chiến trường cùng chung đèn sách, chung giảng đường và dệt những ước mơ để tiếp tục cống hiến và nguyện góp sức mình cho khoa học, văn chương, nghệ thuật.
Một thế hệ vừa trải qua chiến tranh khốc liệt, lại ở trong một thời kỳ bao cấp đầy khó khăn nhưng tâm hồn trẻ trung luôn khát khao được học, được yêu, được cống hiến. Vì vậy trong những vần thơ của họ vút lên như những bản hùng ca, ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước.
Nhớ về trường cũ, địa danh Mễ Trì nơi bao thế hệ sinh viên văn khoa và thầy cô khả kính ngày đêm miệt mài đèn sách, giảng dạy, tác giả Nguyễn Thế Kỷ viết : “Vẩn vơ gom nhặt xuân thì/ Bằng lăng tím lối Mễ Trì chiều nay/ Người xưa giờ cuối chân mây/ Chuyện xưa nào dễ tháng ngày phôi pha/ Cái thời lọ mực sẻ ba/ Đĩa rau muống luộc nửa già nửa ôi/ Cơm mì lưng bát chơi vơi/ Râm ran cái đói suốt thời sinh viên…” (Tìm về).
Thời sinh viên mơ mộng như cổ tích, bao chàng trai, cô gái đang tuổi thanh xuân ngày đêm miệt mài trên giảng đường và họ đã đến với tình yêu và nỗi nhớ rất sinh viên: “Áo trắng xa rồi, nỗi nhớ cứ hoa niên/ Phượng vẫn đỏ như ngày ta đến lớp/ Sau hạ cháy/ Thu vàng, xuân vẫn lần thứ nhất/ Chỉ em sau ly biệt mãi không về…” (Có một ngày - Nguyễn Sĩ Đại).
Cái thời Ký túc xá Mễ Trì và ga tàu điện Thanh Xuân gắn bó với tuổi sinh viên ngày ấy bây giờ gần nửa thế kỷ đã qua mà vẫn mới như hôm qua: “Hình như chưa tỉnh cơn mê/ Tiếng chuông tàu điện lối về Thanh Xuân/ Hình như chưa mỏi bước chân/ Những chiều em đợi góc sân Mễ Trì…” (Mễ Trì - Đào Hùng). Để rồi đến bây giờ các mái tóc đều pha sương họ vẫn nhớ về ký túc xá thân thương ấy với lòng biết ơn vô hạn: “Mễ Trì một đốm lửa thiêng/ Cháy trong ta suốt chặng đường ngày xa…" (Nhớ Mễ Trì - Nguyễn Viết Hiện).
Như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã nhận xét: “Mỗi tác giả trong tập thơ này đã mang đến những trang viết của riêng mình cho bộ hồ sơ Tâm hồn Việt bằng thơ ca. Họ viết về mái trường, về tình yêu, về gia đình, về con người, về đất nước, về những giấc mơ đẹp đẽ và kiêu hãnh…”. Quả đúng như vậy, có người lính từ chiến trường trở về may mắn được ngồi trên giảng đường lại đau đáu nhớ về người đồng đội năm xưa đã gửi hồn mình vào sông núi và anh đã bật khóc khi tìm được bạn mình trong Nghĩa trang Trường Sơn: “Ôi những linh hồn còn phiêu lạc/ Xương thịt tan đi hóa đất trời/ Xin được cho tôi người đồng đội/ Đón hồn anh về với quê tôi.” (Nghĩa trang tìm bạn - Nguyễn Hòa Bình). Tình đồng đội thiêng liêng ấy đã được tác giả Lưu Đức Hài khắc họa trong một bài thơ: “Anh đã về trong vòng tay yêu thương/ Hồn tuổi trẻ hòa khí thiêng sông núi/ Nghĩa đồng bào một lần sau cuối/ Đất mẹ hiền lại ôm ấp các anh” (Đón anh về).
Một thế hệ được học hành bài bản trong một trường đại học, sau 4 năm đèn sách đói khổ của thời bao cấp, nhiều người ra trường dấn thân vào cuộc sống, họ khát khao cống hiến và trưởng thành.
Tập thơ "Bằng lăng tím lối Mễ Trì" tuy chưa thật sự có nhiều bài hay như mong đợi nhưng đó là những bài thơ như một tiếng ngân vang của đời sống. Đó là tiếng ngân vang từ tâm hồn của một thế hệ.
Họ là những người coi trọng sự học, coi trọng cái chữ, coi trọng tình người. Trong khóa ấy đã có hơn chục cựu sinh viên đã trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt nam, 3 người được Giải thưởng Nhà nước về đạo diễn điện ảnh và hàng chục người được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và nhiều giáo sư, tiến sĩ trên nhiều lĩnh vực. Đóng góp của họ thật đáng trân trọng.