Mẹ là lọn mía ngọt ngào

Vừa rồi, chương trình về nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ được phát sóng trên VTV Cần Thơ, trong đó có tiết mục biểu diễn ca khúc 'Bông hồng cài áo'. Với tư cách người dẫn chuyện, nhạc sĩ Ngô Tùng Văn cho biết là không ít người ngắc ngứ khi nghe từ 'lọn' trong ca từ 'Mẹ, Mẹ là lọn mía ngọt ngào'.

Theo anh, “Là một từ Nam Bộ khá quen thuộc để chỉ những cây mía được chặt ra thành đoạn nhỏ, ghim vào những chùm tre chẻ nhỏ để cầm ăn, nhưng tìm trên Google lại không thấy từ "lọn mía" (?). Có lẽ từ này không có nhiều người hiểu, nhất là giới trẻ hiện nay?”.

Lọn là gì?

Trước hết, ta hãy khảo sát từ “Quốc âm thi tập” của danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi, từ thế kỷ XIV. Bài “Trần tình”, có câu: “Lọn khuở đông, hằng nhớ bếp/ Suốt ngày hè, kẻo đắp chăn”. “Khuở” là âm cổ của “thuở”, “hằng” nghĩa là “thường”, “kẻo” có nhiều nghĩa, ở đây là “khỏi, không phải”.

Cuối thế kỷ XIX, cụ Đồ Chiểu vẫn còn sử dụng diễn tả tâm trạng Kiều Nguyệt Nga lúc thưa với Lục Ông:

Thân con còn đứng giữa trời

Xin thờ bức tượng lọn đời thì thôi

Rõ ràng Kiều Nguyệt Nga thờ bức tượng là hiểu theo nghĩa: “Hình khối được tạo bằng chất liệu rắn để mô tả người: tạc tượng, tượng đài” - theo “Đại từ điển tiếng Việt” (1999). Thật ra không phải, ta hãy đọc câu thơ: “Làu làu một tấm lòng thành/ Họa ra một bức tượng hình Vân Tiên”, tức là nàng đã vẽ/ họa chân dung Lục Vân Tiên theo trí nhớ của lúc đầu gặp gỡ: “Nguyệt Nga liếc thấy càng thìn nết na”. “Thìn” là từ cổ có nghĩa là giữ/ giữ gìn. Từ “bức tượng” mà người miền Nam xưa sử dụng, nay ta hiểu là “bức họa/ bức tranh”.

Cây mía được bày bán tại chợ ở Hà Nội thế kỷ XX (ảnh tư liệu).

Cây mía được bày bán tại chợ ở Hà Nội thế kỷ XX (ảnh tư liệu).

Qua dẫn chứng của các ngữ cảnh vừa nêu, ta thấy “lọn” nghĩa là “trọn” là đầy đủ, nguyên vẹn, hoàn toàn.

Có câu hỏi cắc cớ được đặt ra, nếu không sử dụng từ “trọn”, người Việt còn dùng từ gì khác? Trước hết, ta hãy tìm về câu tục ngữ “Già không trót đời”, là phê phán ai đó đã sống già đời, đã khú đế, sắp vân du tiên cảnh nhưng lại không giữ được thanh danh, có thể do ham hố “chơi trống bỏi”, có hành động “già dịch, già dê, già lựu đạn”... khiến thiên hạ chê cười. Trong ngữ cảnh này, “trót” hàm nghĩa là “trọn/ trọn vẹn”. Ta thấy tùy ngữ cảnh, tùy trường hợp người Việt sử dụng từ “lọn”, “trọn” hay “trót” đâu ra đó, chứ không nhất thiết phải rập khuôn”. Với từ cổ “lọn” cũng không loại trừ khả năng, do phai dần ngữ nghĩa, theo năm tháng đã “biến hóa” thành “trọn”.

Trở lại với ca từ “Mẹ, Mẹ là lọn mía ngọt ngào”, ta hiểu ra sao về từ “lọn”?

Nếu tính từ năm ra đời của “Từ điển Việt-Bồ-La” (1651) cách đây hơn 350 năm, người Việt hiểu là “bó, cuộn lụa, hay vật gì khác”. Ở trong Nam, “Việt Nam tự điển” (1970) đã liệt kê: “Viên, cục, nắm, nạm, hình vật gì có thể nằm gọn trong lòng bàn tay: lọn hương, lọn tóc”. Rồi, “Từ điển tiếng Việt” (1988) do Hoàng Phê chủ biên giải thích: “Nắm, mớ (thường có dạng sợi): Lọn tóc, xếp sợi thành từng lọn”. Không những thế, ngay cả vật hình tấm, hình sợi được cuộn lại cũng gọi “lọn”:

Tay cầm cái kéo cái kim

Vai mang lọn lụa đi tìm thợ may

Vậy, đã đầy đủ về nghĩa của từ “lọn” chưa?

Trước hết, ta hãy đọc lại truyện ngắn “Bắt sấu rừng U Minh” của nhà văn Sơn Nam, có đoạn kể về nhân vật Năm Hên: “Ông bơi chiếc xuồng ba lá nhỏ đến địa phận làng Khánh Lâm, ngọn rạch Cái Tàu. Trong xuồng, có vỏn vẹn một lọn nhang trần và một hũ rượu”. Ta lưu ý cụm từ “lọn nhang trần”, bởi đã từng gặp trong câu ca dao Nam Bộ:

Thân em như lọn nhang trần

Không cha không mẹ muôn phần cậy anh

Câu ca này hay ở chỗ, cô gái nói hết sức khiêm tốn, rằng thân phận mình chỉ nhỏ bé, nhưng lại ngầm cái ý kiêu hãnh một cách tự trọng, dù chỉ là “lọn” nhưng lại là “lọn nhang trần” tỏa hương thơm, chứ nào phải ất ơ tầm thường, hơn nữa ngày trước còn có quan niệm: “Nằm đất nhà cô hàng hương còn hơn nằm giường cô hàng cá”. Xét ra sự ví von của cô gái mồ côi cực hay, phản ánh được sự tinh tế chọn lọc từ. “Lọn” trong ngữ cảnh này, là “bó, tập hợp gồm nhiều que được cuộn tròn lại” - theo “Từ điển từ ngữ Nam Bộ” (2007) của Huỳnh Công Tín; “Phương ngữ Nam Bộ” (2015) của Bùi Thanh Kiên cũng giải thích tương tự: “Tất cả các cây nhang cột thành bó nhỏ”.

Vậy, đi bắt cá sấu tại sao lại đem theo lọn nhang? Ta bàn sau, cứ thong thả xem ông Nam Hên ra chiêu như thế nào? Trong “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức có kể cách câu cá sấu trên sông nước mênh mông cực kỳ linh động nhưng ở đây sấu nằm ao trên cạn. “Sấu ở giữa rừng nhiều như trái mù u chín rụng”, thế mà người dân U Minh Hạ lại bắt bằng… tay không.

Kỳ lạ chưa?

Nhân vật của nhà văn Sơn Nam kể: “Tới ao sấu, ông Năm Hên đi vòng quanh dòm địa thế rồi ngồi xuống uống một chung rượu. Kế đó ổng với tôi lấy xuổng đào một đường nhỏ, ngày một cạn từ bờ ao lên rừng chừng mười thước. Xong xuôi, ổng biểu tôi bứt cho ổng một nắm dây cóc kèn. Phần ổng thì lo đốn một cây mốp tươi, chặt ra khúc chừng ba tấc. Lửa châm vô sậy đế, cóc kèn xung quanh, bắt cháy xuống đám sậy đế trong ao. Chập sau, bị khói bay cay mắt, ngộp thở, phần vì nước sôi nóng, sấu bò lên rừng theo con đường đào sẵn hồi nãy.

Tức thời, ông Năm Hên chạy lại. Sấu hả miệng hung hăng đòi táp ổng. Ổng đút vô miệng sấu một khúc mốp. Sấu táp lại, dính chặt hai hàm răng: như mình ngậm một cục mạch nha quá lớn, muốn hả miệng cho rộng để nhả ra cũng không được. Sấu bị khúc mốp khóa miệng, còn cái đuôi đập qua đập lại. Ông Năm xách cây mác, nhắm ngay sau lưng sấu mà xắn nhè nhẹ để cắt gân đuôi. Đuôi sấu bị liệt. Thế là mình yên trí, lấy dây cóc kèn trói thúc ké hai chân sau của nó lại; chừa hai chân trước để nó bơi tiếp với mình”.

Do con vật quỷ quái này đã ăn thịt biết bao người phải chết oan mạng, vì thế, sau khi bắt được nó, ông Năm Hên phải cúng đất đai viên trạch, tưởng nhớ người khuất mày khuất mặt: “Ghê rợn nhất là khi thấy ông đi ra khỏi mé rừng, áo rách vai, tóc rối nùi, mắt đỏ ngầu, bó nhang cháy đỏ quơ qua quơ lại trên tay”. Ở đây, ta thấy từ “lọn nhang” đã thay thế bằng từ cùng nghĩa là “bó nhang”. Sau đây là bài khấn của lưu dân cuối thế kỷ XX, tưởng cũng cần biết nếu muốn tìm hiểu phong tục của người miền Nam xưa:

Hồn ở đâu đây?

Hồn ơi! Hồn hỡi!

Xa cây xa cối,

Đầu bãi cuối gành,

Hùm tha, sấu bắt,

Bởi vì thắt ngặt,

Manh áo chén cơm,

U Minh đỏ ngòm

Rừng tràm xanh biếc!

Ta thương ta tiếc,

Lập đàn giải oan...

Tiếng như khóc, nài nỉ. Tiếng như phẫn nộ, bi ai. Ghê rợn nhất là “khi thấy ông đi ra khỏi mé rừng, áo rách vai, tóc rối nùi, mắt đỏ ngầu, bó nhang cháy đỏ quơ qua quơ lại trên tay”.

Chi tiết này cho thấy, không chỉ vào dịp lễ hội cúng kiếng mùa màng, dịp giỗ quải tất niên, tân niên với ngùoi Việt trong bài văn khấn bao giờ cũng nhắc đến người đã khuất từ bao đời trước, dù không họ hàng quen biết nhưng họ đến trước có công khai phát vùng đất này, nhờ công sức “đổ mồ hôi, sôi núoc mắt” của họ thì nay mình mới hưởng. Do đó, khi nghe bài khấn của ông Nam Hên, “có tiếng khóc sụt sùi đâu đây. Đó là vài cụ già, bà lão chạnh nhớ đến tổ tiên, đến bạn bè của mình, biết đâu trên bước đường sanh nhai giữa chốn nước đỏ rừng xanh, có thân nhân của họ đã bỏ thây vì đàn sấu này”. Nhìn rộng ra đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” đã thể hiện qua tình tiết này. Chắc hẳn khi truyện ngắn “Bắt sấu trong rừng U Minh Hạ” được chọn in trong sách giáo khoa hiện nay, các thầy cô giáo hẳn đồng cảm. Khi bàn về chữ nghĩa, một trong những điều khiến ta tâm đắc còn là lúc tìm về dấu vết văn hóa không chỉ của một thời.

Trở lại với ca từ “Mẹ, mẹ là lọn mía ngọt ngào”, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ sử dụng theo nghĩa nào? Khó có thể quả quyết đúng ý của tác giả ca khúc “Bông hồng cài áo”, bởi xét theo nghĩa nào cũng có lý. Tuy nhiên tôi nghĩ, “lọn/ lọn mía” còn nhằm chỉ chỉ cây mía đã đẵn/ cắt thành nhiều khúc ngắn, rời rạc, có thể nắm gọn trong lòng bàn tay, cũng tỉ như khi nói “cơm lọn/ lọn cơm” là ta đã hình dung ra chỉ vắt chừng ấy cơm mà bàn tay có khả năng nắm gọn, chứ không thể nhiều hơn. Do các lọn mía ấy chỉ dài chừng ba lóng/ lóng tay nên ta dễ dàng nắm gọn.

Từ các lọn mía này nảy sinh ra từ “mía ghim”, tức là dùng cây tre dài như chiếc đũa, trên đầu chẽ/ tẽ ra lưng chừng ba, bốn phần riêng biệt để tách hờ và ghim từng lọn mía ấy. Ghim là động tác dùng vật đã vót nhọn mà găm vào, cắm xuống vật gì đó để cầm lấy khi ăn. Như vậy, mía ghim không phải tên gọi như các loại khác là mía lau, mía de, mía bầu, mía tím…

Sở dĩ suy luận như thế, bởi dù viết ca khúc “Bông hồng cài áo” lấy cảm hứng từ tùy bút cùng tên của thầy Thích Nhất Hạnh nhưng “lọn mía” là cách dùng từ của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ khi cảm nhận câu ca dao mà thiền sư đã dẫn ra để bình luận:

Mẹ già như chuối Ba Hương

Như xôi nếp một, như đường mía lau.

Lê Minh Quốc

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/so-tay/me-la-lon-mia-ngot-ngao-i758684/
Zalo