Triển vọng mô hình canh tác lúa thông minh, phát thải thấp
Vụ lúa đông xuân niên vụ 2024 – 2025, tỉnh Điện Biên lần đầu tiên triển khai thí điểm mô hình canh tác lúa thông minh, giảm phát thải nhà kính gắn với thúc đẩy tăng trưởng xanh. Qua thuyết minh dự án và thăm đồng khảo sát, kiểm tra thực tế, mô hình bước đầu cho thấy nhiều triển vọng tích cực.
Phương pháp canh tác lúa thông minh, phát thải thấp không chỉ giúp tăng năng suất, sản lượng và giá trị lúa gạo; bảo vệ môi trường mà còn giúp người dân có thêm thu nhập từ việc bán tín chỉ carbon.
Mô hình do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các công ty: NetZero Carbon, BSB Nanotech và Spiro Carbon (gọi tắt là BNS) triển khai tại 3 huyện: Điện Biên, Mường Ảng và Tuần Giáo. Tổng diện tích trồng thử nghiệm là 86ha, trong đó huyện Điện Biên thực hiện 53ha, Mường Ảng 23ha và Tuần Giáo 10ha.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với địa phương kiểm tra thực tế mô hình canh tác lúa thông minh, giảm phát thải nhà kính tại đội Chăn Nuôi 2, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên.
Ông Lò Văn Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Việc triển khai mô hình nhằm áp dụng, chuyển giao và nhân rộng công nghệ sản xuất tiên tiến, giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời tăng cường khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu trong canh tác lúa. Thông qua mô hình này, khuyến khích và hỗ trợ nông dân phát triển phương thức sản xuất bền vững như: Nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp thuận thiên… dựa vào cộng đồng và thân thiện với môi trường. Qua đó giảm thiểu rủi ro cho người dân và góp phần cắt giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và thu nhập trên mỗi đơn vị diện tích.
Mô hình canh tác lúa thông minh, giảm phát thải nhà kính áp dụng biện pháp kỹ thuật quản lý dinh dưỡng cây trồng tổng hợp, đảm bảo cân bằng dinh dưỡng đầu vào và đầu ra vừa tăng năng suất vừa đảm bảo ổn định độ phì nhiêu đất. Việc rút nước theo nguyên tắc ướt khô xen kẽ (AWD); quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên nền tảng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM). Toàn bộ quy trình kỹ thuật được theo dõi, quản lý bởi vệ tinh.

Cán bộ kỹ thuật xuống đồng hướng dẫn người dân biện pháp chăm sóc cây lúa theo quy trình kỹ thuật của mô hình.
Lần đầu tiên tham gia mô hình thí điểm canh tác lúa thông minh, giảm phát thải, bà Trần Thị Lợi, đội Chăn Nuôi 2 (xã Thanh Xương, huyện Điện Biên) không khỏi ngạc nhiên trước những thay đổi so với phương pháp canh tác truyền thống. Điểm khác biệt đầu tiên là lượng giống giảm còn 5-6 kg/1.000m², thay vì sử dụng nhiều như trước. Việc quản lý nước thực hiện theo nguyên tắc ướt – khô xen kẽ với sự hỗ trợ của ống đo mực nước.
Bà Trần Thị Lợi chia sẻ: “Vụ đông xuân năm nay, tôi tham gia mô hình trên diện tích 3.500m². Ngay từ đầu vụ, tôi luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật từ khâu làm đất, gieo sạ, quản lý nước, bón phân đến phòng trừ sâu bệnh theo hướng dẫn của cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện”.
Sau mỗi giai đoạn canh tác, cán bộ nông nghiệp đều xuống đồng kiểm tra, lấy mẫu, đo các chỉ tiêu trước khi hướng dẫn thực hiện các bước tiếp theo. Đặc biệt, trong phòng trừ sâu bệnh, người dân tuân thủ nguyên tắc chỉ phun thuốc khi mật độ sâu đạt ngưỡng cho phép, thay vì phun tràn lan khi vừa thấy sâu xuất hiện. Nhờ đó, lượng thuốc bảo vệ thực vật giảm đáng kể. Đồng thời, bà con nông dân cũng ưu tiên sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học, thảo mộc, vừa an toàn cho sức khỏe, vừa thân thiện với môi trường.
Tương tự, gia đình bà Nguyễn Thị Thủy, đội Chăn Nuôi 2 (xã Thanh Xương) tham gia mô hình với diện tích 5.000m². Bà Thủy cho biết: “Dù mô hình mới triển khai nhưng hiệu quả bước đầu là giảm đáng kể chi phí sản xuất. Đặc biệt, một thay đổi quan trọng là sau mỗi vụ thu hoạch, bà con không còn đốt rơm rạ trên đồng ruộng như trước. Thay vào đó, rơm được thu gom và tận dụng để trồng nấm, làm thức ăn cho gia súc, sản xuất đệm lót sinh học hoặc phân bón hữu cơ. Điều này không chỉ giúp giảm phát thải khí nhà kính mà còn tạo thêm nguồn thu nhập từ các phụ phẩm nông nghiệp.”

Triển khai mô hình, các địa phương lựa chọn diện tích canh tác theo phương pháp truyền thống để làm đối chứng, so sánh về năng suất, chi phí và lợi nhuận.
Theo thuyết minh dự án, mô hình giảm 30% chi phí đầu vào, tỉ suất lợi nhuận của người trồng lúa tăng 50%, góp phần giảm 10% lượng khí nhà kính phát thải. Bên cạnh đó, tham gia mô hình người nông dân có thêm thu nhập từ bán tín chỉ Carbon với đơn giá 20 USD/1 tấn giảm phát CO2e (1 tín chỉ carbon quy đổi).
Là cán bộ trực tiếp phụ trách, triển khai mô hình tại các huyện, chị Đào Thị Khuyên, Trưởng phòng Kỹ thuật và Kiểm dịch thực vật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: “Qua kết quả triển khai tại các tỉnh khác, mô hình canh tác lúa thông minh đã cho thấy hiệu quả rõ rệt trong việc giảm chi phí đầu tư, tăng tỷ suất lợi nhuận và cắt giảm phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, do đây là phương pháp canh tác mới, yêu cầu quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt nên để đạt được mục tiêu đề ra, người dân cần tuân thủ chặt chẽ các hướng dẫn. Đồng thời, cán bộ nông nghiệp phải thường xuyên bám sát đồng ruộng, hỗ trợ người dân trong từng khâu, từng giai đoạn sản xuất. Nhằm giúp bà con thấy rõ hiệu quả và thúc đẩy nhân rộng mô hình trong những vụ lúa tiếp theo, tại mỗi vùng triển khai, chúng tôi đã lựa chọn một số diện tích canh tác theo phương pháp truyền thống để làm đối chứng, so sánh cụ thể về năng suất, chi phí và lợi nhuận”.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ quy trình kỹ thuật và nhân rộng mô hình trong các vụ lúa tiếp theo.
Vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương tổ chức thăm đồng, kiểm tra thực tế mô hình. Kết quả cho thấy lúa trong mô hình sinh trưởng, phát triển tốt; người dân nghiêm túc thực hiện quy trình kỹ thuật theo hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp. Đại diện các địa phương đều đánh giá cao tiềm năng của mô hình, coi đây là cơ hội quan trọng để nâng tầm ngành sản xuất lúa gạo chất lượng cao của tỉnh. Thời gian tới, sau khi hoàn tất thu hoạch và đánh giá hiệu quả sẽ nhân rộng mô hình nhằm hướng tới sản xuất bền vững, nâng cao giá trị kinh tế và bảo vệ môi trường.