Gánh nặng sự cố y khoa và mất an toàn người bệnh đang trở nên nghiêm trọng trên toàn cầu
Công tác đảm bảo an toàn người bệnh và phòng ngừa sự cố y khoa luôn là ưu tiên hàng đầu để nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh. Tuy nhiên các báo cáo cập nhật cho thấy gánh nặng của sự cố y khoa và các vấn đề mất an toàn người bệnh đang trở nên nghiêm trọng trên toàn cầu.
TS.BS Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia đã nhấn mạnh những thông tin trên tại Hội thảo khoa học điều dưỡng "Nâng cao năng lực thực hành an toàn người bệnh" được tổ chức tại Bắc Giang hôm nay (26/4).
Ưu tiên hàng đầu để nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh
Thông tin từ hội thảo cho thấy, tại Hoa Kỳ, nghiên cứu đăng trên tạp chí BMJ Quality & Safety năm 2017 đã ước tính có khoảng 210.000 ca tử vong mỗi năm do các sự cố y khoa có thể phòng ngừa được, cho thấy tầm quan trọng của việc cải thiện quy trình chăm sóc.
Ở Canada, các báo cáo gần đây cho thấy khoảng 8% người bệnh nhập viện gặp phải sự cố y khoa, trong đó gần 40% là các sự cố có thể phòng ngừa.
Còn tại Australia, theo thống kê từ Ủy ban An toàn và Chất lượng Dịch vụ Y tế năm 2020, tỷ lệ sự cố y khoa dao động từ 6-8% trong các ca nhập viện…
"Những số liệu trên cho thấy rằng, bất kể môi trường nào, các sự cố y khoa luôn là vấn đề nghiêm trọng và cần được theo dõi, báo cáo và cải thiện liên tục. Sự đầu tư vào hệ thống giám sát, đào tạo chuyên sâu và can thiệp kịp thời không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro cho người bệnh mà còn góp phần tiết kiệm chi phí y tế, vốn có thể chiếm tới 20–40% tổng chi phí do hậu quả của các sự cố y khoa"- TS.BS Hà Anh Đức chỉ rõ.

TS.BS Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia phát biểu.
Tại Việt Nam, mặc dù chưa có số liệu thống kê toàn quốc chính thức. Tuy nhiên, các báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới chỉ ra rằng tỷ lệ sai sót y khoa ở các quốc gia đang phát triển thường cao hơn nhiều, do các hạn chế về trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và chất lượng chuyên môn.
Trong những năm qua, Bộ Y tế đã tham mưu Đảng, Quốc hội và Chính phủ ban hành nhiều văn bản chỉ đạo để thúc đẩy các hoạt động đảm bảo an toàn người bệnh, đồng thời chuẩn hóa năng lực và vai trò của điều dưỡng trong hệ thống khám, chữa bệnh.
Tuy nhiên, theo TS Hà Anh Đức, thực tiễn triển khai tại nhiều cơ sở y tế cho thấy việc nhận diện nguy cơ, báo cáo sự cố, chăm sóc người bệnh nguy cơ cao, thực hành dựa trên bằng chứng... vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Trong đó, yếu tố quan trọng hàng đầu chính là năng lực thực hành an toàn người bệnh của điều dưỡng – người trực tiếp tiếp xúc và chăm sóc người bệnh mỗi ngày.
Xây dựng môi trường chăm sóc an toàn – thân thiện – chuyên nghiệp
Tại hội thảo, các chuyên gia đầu ngành đã trình bày nhiều nội dung chuyên sâu và có tính ứng dụng cao. PGS.TS Lương Ngọc Khuê, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã phân tích tổng quan công tác đảm bảo an toàn người bệnh tại Việt Nam; ThS Nguyễn Bích Lưu - Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều dưỡng Việt Nam nhấn mạnh vai trò của điều dưỡng trưởng trong công tác đảm bảo an toàn người bệnh; PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Thu - Trưởng Bộ môn Tổ chức và Quản lý Y tế, Trường Đại học Y Hà Nội hướng dẫn triển khai Thông tư 43/2018/TT-BYT về phòng ngừa sự cố y khoa…
Các nội dung trao đổi tại hội thảo đều tập trung vào việc cải tiến thực hành điều dưỡng, phòng ngừa sự cố y khoa và xây dựng môi trường chăm sóc an toàn – thân thiện – chuyên nghiệp.
BSCK II Hoàng Trường Giang, Phó Giám đốc, Chủ tịch Hội điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang khẳng định: Việc nâng cao năng lực thực hành an toàn người bệnh cho đội ngũ điều dưỡng là nhiệm vụ cấp bách và quan trọng, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. Hội thảo là dịp quan trọng để điều dưỡng cập nhật kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm, lan tỏa văn hóa an toàn trong môi trường bệnh viện.
Hội thảo là bước khởi đầu quan trọng để từng điều dưỡng viên nhìn nhận rõ hơn vai trò, trách nhiệm và sứ mệnh của mình. Những kiến thức và kinh nghiệm thu nhận được sẽ không nằm lại trong hội trường mà được áp dụng thực tiễn, tạo ra chuyển biến tích cực trong chăm sóc người bệnh…

Công tác đảm bảo an toàn người bệnh và phòng ngừa sự cố y khoa luôn là ưu tiên hàng đầu để nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh.
Đầu tư để tạo sự khác biệt trong chất lượng điều trị và sự hài lòng của người bệnh
Hội thảo khoa học "Nâng cao năng lực thực hành an toàn người bệnh" được tổ chức trong bối cảnh toàn ngành y tế đang nỗ lực thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm trong việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm lo sức khỏe nhân dân và hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
Khẳng định điều dưỡng là lực lượng giữ vai trò then chốt trong công tác chăm sóc người bệnh, khi điều dưỡng vững về kỹ năng, chủ động trong nhận diện rủi ro và hành động kịp thời thì chất lượng điều trị và sự hài lòng của người bệnh chắc chắn sẽ được cải thiện rõ rệt, TS.BS Hà Anh Đức nhấn mạnh: "Điều dưỡng là lực lượng nòng cốt trong chăm sóc người bệnh. Việc đầu tư nâng cao năng lực thực hành an toàn sẽ tạo ra sự khác biệt rõ rệt trong chất lượng điều trị và sự hài lòng của người bệnh".
TS Hà Anh Đức cho rằng, cần tăng cường đào tạo, tập huấn thực hành an toàn người bệnh cho điều dưỡng. Nội dung cần sát với thực tế công việc hằng ngày, có hướng dẫn cụ thể trong từng quy trình chăm sóc người bệnh.
Cần xây dựng văn hóa an toàn người bệnh tại mỗi khoa phòng, lấy người bệnh làm trung tâm, bắt đầu từ vai trò gương mẫu của trưởng khoa, điều dưỡng trưởng, truyền cảm hứng và khuyến khích báo cáo sự cố không đổ lỗi; tích hợp nội dung an toàn người bệnh vào hoạt động thường quy như giao ban, họp bệnh án, kiểm tra kiểm soát nhiễm khuẩn… để biến an toàn thành một phần trong thói quen chuyên môn.

Quang cảnh hội thảo.
Bệnh viện cần chủ động tổ chức đánh giá định kỳ năng lực thực hành của điều dưỡng, gắn với khen thưởng, động viên kịp thời để nâng cao chất lượng chăm sóc; song song với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác điều dưỡng, từ theo dõi chỉ số người bệnh, quản lý thuốc, đến báo cáo sự cố qua hệ thống điện tử, góp phần giảm thiểu sai sót và sự cố y khoa.