Huyện Cai Lậy: Nhiều mô hình sáng tạo nổi bật tại cuộc thi
Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang lần thứ X năm 2024 - 2025 đã thu hút hàng loạt ý tưởng đột phá từ các thí sinh thuộc mọi lứa tuổi. Điểm nổi bật của cuộc thi năm nay là sự đa dạng về chủ đề và ứng dụng thực tiễn, từ giải trí thông minh đến các hệ thống bảo vệ môi trường và nông nghiệp công nghệ cao. 3 mô hình xuất sắc đều đoạt giải Nhất của cuộc thi đã gây ấn tượng mạnh với Ban Tổ chức vì tính sáng tạo và khả năng ứng dụng vào đời sống.
MÔ HÌNH “MÁY GẤP THÚ MINI” - GIẢI TRÍ KẾT HỢP RÈN LUYỆN KỸ NĂNG
Đây là một trong những mô hình của em Huỳnh Yến Vy (Trường Mầm non Bình Phú) đoạt giải Nhất, được đánh giá cao về tính sáng tạo và ứng dụng thực tiễn trong môi trường học đường. Thay vì sử dụng điện như các máy gấp thú thông thường ở khu vui chơi, mô hình này hoạt động hoàn toàn bằng cơ khí đơn giản với các nguyên liệu dễ tìm như: Tấm phom, bìa trong, que đè lưỡi, ống cần nước, ống bơm kim tiêm, ống điện tròn và kẽm to.

Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thanh Hiền trao giải Nhất Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng huyện Cai Lậy lần thứ X năm 2024 - 2025.
Yến Vy chia sẻ: “Trò chơi này em cảm thấy rất thú vị nhưng ở môi trường trường học chưa có, nên em đã nảy sinh ý tưởng và cải tạo trò chơi này ở trường lớp cho các bạn trong lớp vừa được chơi vừa rèn kỹ năng khéo léo và tính kiên trì, nhẫn nại”.
Điểm sáng tạo của mô hình là hệ thống điều khiển cơ học, sử dụng ống bơm kim tiêm và ống cân nước để tạo ra chuyển động mềm mại cho cần gắp. Quá trình chế tạo bao gồm: Việc cắt ghép tấm phom thành thùng, khoét hình vuông trên ba mặt và dán bìa trong lên ba mặt rỗng. Phần quan trọng nhất là thiết bị gắp thú, được làm từ 8 ống kim tiêm, 4 ống cần nước và các que đè lưỡi kết hợp tạo thành 4 đồ di chuyển cần gắp.
Người chơi điều khiển cần gắp thông qua 4 ống kim tiêm đặt phía trước thùng, mỗi ống có ký hiệu riêng tương ứng với các hướng di chuyển: Trước - sau, trái - phải, lên - xuống và chức năng gắp thú. Việc chơi đòi hỏi sự khéo léo, nhanh nhẹn và tập trung cao độ để có thể gắp được những con thú bông nhỏ xinh.
Mô hình còn được trang bị hệ thống đèn phía bên hông trái, tăng thêm tính hấp dẫn và thu hút sự chú ý của người chơi. Trò chơi được thiết kế phù hợp cho các bạn từ 5 tuổi trở lên, giúp phát triển vận động tinh, tư duy, khả năng quan sát và sự khéo léo của đôi tay.
Ban Tổ chức đánh giá cao tính ứng dụng thực tiễn của mô hình với nhiều lợi ích: Gọn nhẹ, không cần sử dụng điện, dễ dàng di chuyển, phát triển vận động tư duy, khả năng quan sát và rèn sự khéo léo của đôi tay. Đặc biệt, mô hình giúp các bạn giải trí tinh thần sau một ngày học tập.
MÔ HÌNH “HỆ THỐNG BÁO NƯỚC DÂNG CAO” BẢO VỆ VƯỜN CÂY
Mô hình “Hệ thống báo nước dâng cao” của em Nguyễn Ngọc Gia Tuệ (Trường Tiểu học Mỹ Long) nhận giải Nhất ở hạng mục bảo vệ môi trường đã gây ấn tượng với Ban Giám khảo bởi tính ứng dụng cao trước thực trạng biến đổi khí hậu và ngập lụt ngày càng phức tạp.
“Hệ thống báo mực nước dâng cao là một thiết bị vô cùng quan trọng, nhằm cảnh báo người dân và cơ quan chức năng về mức độ ngập nước sông. Thiết bị này giúp giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra; đồng thời, tạo điều kiện cho việc ứng phó kịp thời”- em Gia Tuệ giải thích.
Điểm nổi bật của mô hình là sự kết hợp giữa cảnh báo ngập lụt và giải pháp trữ nước ngọt khi bị nước mặn xâm nhập. Hệ thống sử dụng ống nhựa trong suốt làm bình chứa nước ngọt, với phương án thay thế bằng bao nylon khi diện tích đất rộng.
Về nguyên lý hoạt động, mô hình được trang bị động cơ báo mực nước. Khi mực nước sông dâng cao đến mức báo động, động cơ sẽ phát tín hiệu âm thanh “tít tít”, giúp người dân ứng phó kịp thời. Công tắc điều khiển được thiết kế đặt bên trong lớp màng vải ở mặt sau ngôi nhà mô hình, cho phép người dùng chủ động bật hoặc tắt động cơ theo nhu cầu.
Theo đánh giá của Ban Tổ chức, đây là giải pháp thiết thực và hiệu quả trong việc đối phó với tình trạng ngập nước diễn ra ngày càng thường xuyên, góp phần bảo vệ tài sản và môi trường của cộng đồng.
MÔ HÌNH “CHUỒNG NUÔI THÔNG MINH”
Giải Nhất hạng mục công nghệ thuộc về mô hình “Chuồng nuôi thông minh” của thí sinh Nguyễn Thị Trúc Vy (Trường THCS Long Trung), cho thấy sự kết hợp xuất sắc giữa công nghệ tự động hóa và nông nghiệp.
Trúc Vy đã chọn đề tài này xuất phát từ những quan sát thực tế trong các hộ chăn nuôi gia đình. Em nhận thấy phương pháp chăn nuôi truyền thống đang gặp nhiều hạn chế, đặc biệt là trong các khâu chăm sóc hằng ngày như: Cho ăn uống, tắm rửa, vệ sinh chuồng và xử lý chất thải.
Điểm nổi bật nhất của mô hình “Chuồng nuôi thông minh” là tính đa năng trong hệ thống điều khiển. Người sử dụng có nhiều lựa chọn để vận hành: Điều khiển thủ công qua các nút nhấn, để hệ thống tự động hoạt động dựa trên cảm biến nhiệt độ, hoặc thiết lập các chế độ hẹn giờ cho các hoạt động chăm sóc định kỳ.
Sản phẩm có nhiều chế độ điều khiển: Thủ công qua nút nhấn, tự động theo cảm biến nhiệt độ và hẹn giờ. Kết nối wifi cho phép điều khiển từ xa qua điện thoại, giúp người chăn nuôi giám sát chuồng trại và thiết lập lịch tắm rửa, cho ăn với thời gian được cập nhật từ Internet.
Mô hình có thiết kế linh hoạt với ngưỡng nhiệt độ có thể điều chỉnh phù hợp cho từng loại vật nuôi và thời tiết. Hệ thống tích hợp đèn sưởi, quạt làm mát, bơm nước, băng tải cho ăn và dọn chất thải, tất cả được hiển thị và điều khiển qua màn hình Led.
Ban Tổ chức đánh giá cao tính khả thi của mô hình, có thể áp dụng tại các hộ gia đình hoặc trang trại qua rờ le trung gian và nâng cấp lên quy mô công nghiệp bằng cảm biến nhiệt công nghiệp và thiết bị PLC. Vận hành bắt đầu khi người dùng cắm nguồn, kích hoạt mạch điều khiển, hệ thống tự kết nối wifi và tải cấu hình.
Camera tích hợp cho phép điều khiển từ xa các chức năng cho ăn, tắm, vệ sinh, điều hòa nhiệt độ khi chủ vắng nhà. Ở chế độ tự động, hệ thống dựa vào cảm biến nhiệt độ để kích hoạt quạt làm mát hoặc đèn sưởi, đảm bảo môi trường lý tưởng.
Hệ thống tự động kích hoạt băng tải cho ăn và bơm nước tắm theo lịch trình. Chế độ thủ công có chức năng dọn chất thải vào hầm biogas, vừa xử lý chất thải vừa tạo năng lượng tái tạo. Sự kết hợp giữa các chức năng tự động và điều khiển linh hoạt tạo nên giá trị đặc biệt, đáp ứng nhu cầu đa dạng trong chăn nuôi hiện đại.