Triển lãm 'Hồn của đất' mừng Ngày Giải phóng Thủ đô
Ngày 8/10, Lễ khai mạc Triển lãm 'Hồn của Đất' đã diễn ra tại Không gian trưng bày Công ty cổ phần Sứ Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội.
Triển lãm do Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với Công ty cổ phần Sứ Bát Tràng và Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) và 65 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Bát Tràng (1959-2024).
Phát biểu khai mạc triển lãm, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Vũ Mạnh Hà nhấn mạnh: Cách đây 65 năm, ngày 20/2/1959, trong thời điểm cả nước đẩy mạnh xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và đấu tranh hòa bình thực hiện thống nhất nước nhà, làng Bát Tràng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội vinh dự đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm. Bác đã đến thăm hỏi, động viên một số gia đình, cơ sở sản xuất, biểu dương cán bộ, nhân dân và căn dặn: "Làng Bát Tràng mới phải làm sao trở thành một trong những làng kiểu mẫu của nước Việt Nam mới, nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa".
Lời dạy của Bác mãi là nguồn động lực cổ vũ các thế hệ cán bộ, nhân dân Bát Tràng nỗ lực phấn đấu, đoàn kết xây dựng, phát triển thương hiệu “Gốm Bát Tràng” nổi tiếng trong và ngoài nước, trở thành một điểm sáng về xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội và cả nước, xứng đáng với danh hiệu “Làng nghề - Làng văn hóa - Làng du lịch Hà Nội - Bát Tràng”.
Theo ông Vũ Mạnh Hà, triển lãm "Hồn của đất" là hoạt động trưng bày có tính cộng đồng, giúp cho doanh nghiệp, làng nghề, nghệ nhân được tham gia và trực tiếp kể những câu chuyện của chính mình.
Với hơn 300 tư liệu hình ảnh, sưu tập tác phẩm tranh, bình sứ, cùng tác phẩm nghệ thuật gốm sứ đa dạng loại hình và màu sắc, triển lãm “Hồn của đất” giới thiệu đến công chúng các tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu mang nội dung, hình ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội, của các họa sỹ và nhà điêu khắc nổi tiếng của Hội Mỹ thuật Việt Nam, cùng với những sản phẩm gốm, sứ tiêu biểu Bát Tràng, do các nghệ nhân sáng tạo.
Các tác phẩm gốm sứ trưng bày tại triển lãm đều mang những giá trị lịch sử, giá trị văn hóa, mỹ thuật cao, thể hiện tình yêu với Bác Hồ với Thủ đô Hà Nội và Tổ quốc, giúp công chúng trong và ngoài nước thêm hiểu và trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc…
Triển lãm “Hồn của đất” gồm 3 phần. Phần I với chủ đề “Bác Hồ về thăm Bát Tràng và sưu tập tác phẩm sứ về Chủ tịch Hồ Chí Minh”, giới thiệu đến công chúng các tư liệu hình ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Bát Tràng cách đây 65 năm, cùng sưu tập các tác phẩm sứ men lam, sứ men nhiều màu, khắc họa chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong mỗi giai đoạn và ở các sự kiện lịch sử khác nhau như: Bình sứ Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, tranh sứ Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân, tranh đĩa sứ Bác Hồ ở Pác Bó, đĩa sứ Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm hỏi động viên các cháu thiếu niên nhi đồng nhân dịp Tết Trung Thu, các bình sứ họa lại cảnh Bác Hồ về thăm Bát Tràng...
Phần II có chủ đề “Sưu tập tác phẩm sứ Kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô”, giới thiệu những tác phẩm bình và tranh chất liệu sứ men nhiều màu và men lam, được các họa sỹ và nghệ nhân khắc họa lại hình ảnh các địa danh và con người Hà Nội.
Ở phần trưng bày này, qua các tác phẩm tiêu biểu như tranh sứ sự kiện lịch sử 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô, sưu tập bình sứ các địa danh nổi tiếng của Hà Nội: Cầu Long Biên, Cầu Thê Húc, Chùa Một cột, Văn Miếu - Quốc Tử Giám... và đặc biệt là tác phẩm "Hà Nội tứ quý" - lưu giữ cảnh sắc 4 mùa của Hà Nội trong 1 chiếc bảo bình… giúp công chúng thấy được một Thủ đô Hà Nội với lịch sử nghìn năm văn hiến, hào hùng, bất khuất, cũng như một Thủ đô Hà Nội đẹp thanh lịch, trang nhã và gần gũi.
Phần III với chủ đề “Giới thiệu các tác phẩm gốm sứ giá trị mỹ nghệ cao cấp”, giới thiệu tới công chúng các tác phẩm gốm sứ nghệ thuật của các họa sỹ trong Hội Mỹ thuật Việt Nam. Các tác phẩm nghệ thuật với thông điệp về hòa bình, về truyền thống văn hóa dân tộc, tình yêu con người, tình yêu gia đình, tình yêu quê hương, đất nước… mà các thế hệ nghệ sỹ, nhà điêu khắc mong muốn, khát vọng, gửi gắm và muốn truyền tải cho các thế hệ trẻ mai sau.
Triển lãm được trưng bày đến hết tháng 10/2024.