Đầu tháng 11, tòa nhà 19 Lê Thánh Tông (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) lần đầu tiên mở cửa đón công chúng tham quan với tổ hợp triển lãm nghệ thuật tương tác Cảm thức Đông Dương. Tiền thân của công trình này là tòa nhà chính của Đại học Đông Dương, sau này là Đại học Tổng hợp Hà Nội. Xuyên suốt Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024, đây là nơi có nhiều hoạt động triển lãm, hội thảo và tọa đàm, hiều thứ hai chỉ sau Cung Thiếu nhi Hà Nội.
Ngay khi bước vào sảnh tòa nhà, du khách được chiêm ngưỡng bức tượng chân dung họa sĩ Victor Tardieu do nhà điêu khắc Trần Quốc Thịnh sáng tác. Victor Tardieu là người sáng lập, hiệu trưởng đầu tiên của Trường Mỹ thuật Đông Dương - trực thuộc Đại học Đông Dương từ năm 1924. Bức tượng được đặt cạnh bên tượng của hai nhà khoa học nổi tiếng của Việt Nam là GS. Lê Văn Thiêm và GS. Ngụy Như Kon Tum.
Tại mái vòm cửa chính tòa nhà, tác phẩm Mạch nguồn là thiết kế tương tác ánh sáng của KTS Lê Phước Anh với bộ đèn chùm được treo cao giữa sảnh, hướng sâu lên các tầng cao. Lấy cảm hứng từ các gam màu trầm ở tranh lụa của các họa sĩ thời Đông Dương, Lê Phước Anh đã thiết kế các tấm voan lụa xếp lớp, nhìn thẳng từ dưới lên sẽ thấy như những cánh hoa.
Cũng tại tầng 1 là không gian trải nghiệm thêu và trưng bày kết quả nghiên cứu, sưu tầm và thể nghiệm với di sản nghề thêu Việt Nam thời kỳ Đông Dương của nữ nghệ sĩ Phạm Ngọc Trâm.
Hội trường Ngụy Như Kon Tum trưng bày tác phẩm sắp đặt phỏng dựng bức tranh sơn dầu Thăng Đường Nhập Thất - được đặt theo tên tiếng Hán ghi trên cổng tam quan với ý nghĩa đề cao sự học.
Tác phẩm Mê lộ Đông Dương - tìm về lối xưa do TS. Trần Hậu Yên Thế, các giảng viên, nghệ sĩ khách mời và sinh viên Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật thực hiện như những lời tri ân, hồi cố về một môn học từng có trong học phần nghiên cứu về kiến trúc cổ truyền Phương Đông của Trường Mỹ thuật Đông Dương, do KTS Charles Batteur giảng dạy.
Phía bên kia cầu thang, hàng dài người xếp hàng chờ tới lượt lên tầng 2 tới tầng 5 tham quan các tác phẩm trưng bày tại tòa nhà Đại học Tổng hợp Hà Nội. Để tránh xảy ra tình trạng quá tải, BTC sắp xếp mỗi lượt tham quan có tối đa 15 người với thời lượng 10 phút. Vào những ngày cuối tuần khi lượng khách tăng đột biến, thời gian tham quan mỗi lượt giảm xuống còn 7 phút.
Triển lãm Cảm thức Đông Dương còn có các cụm tác phẩm trưng bày ở hành lang và bên trong Bảo tàng sinh vật học. Dưới mẫu vật là khung xương bò ngay trước bảo tàng, nghệ sĩ đã sắp đặt ánh sáng với giấy dó kết hợp đèn, động cơ… tạo những chuyển động nửa thực, nửa hư, làm người xem cảm giác những mạch đập từ khởi nguyên quay về.
Du khách không giấu được sự thích thú khi chiêm ngưỡng không gian Bảo tàng sinh vật học với đầy đủ các mô hình động vật như hổ, báo, gấu, hươu...
Tác phẩm Cội nguồn tri thức của họa sĩ/nhà nghiên cứu - TS. Trần Hậu Yên Thế được tạo nên bởi ánh xạ từ các ô kính với chất liệu giấy bóng kính cắt dán, trùm lên không gian cổ kính bên trong tòa nhà. Dòng chữ Alma Mater được thêm vào trong từng ô kính vốn xuất phát từ dòng chữ ALMA MATER EX TE NOBIS DIGNITAS UBERTAS FELICITAS (Nữ thần Đại học - Người ban phước cho chúng ta Phẩm giá, Giàu có và Hạnh phúc) từng hiện diện trên bức tranh lớn của họa sĩ Victor Tardieu, treo trong giảng đường chính.
Khu vực trưng bày các lọ sinh phẩm của trường đại học cũng là một trong những nơi thu hút sự tò mò, check-in đông đảo của du khách.
Hàng trăm lọ sinh phẩm với đa dạng các loài động vật được lưu trữ hàng trăm năm qua tại Đại học Tổng hợp.
Tại tầng 3 là một trong những điểm nhấn của triển lãm là vòm trần - nơi trình chiếu tác phẩm 3D mapping vẽ lại hình 2 con chim phượng hoàng đã bong mờ theo thời gian. Bên cạnh đó là tác phẩm sắp đặt bia tiến sĩ Mạch nguồn văn hiến được khắc chìm trên bia đá chất liệu mi-ca dẫn sáng, tương tác với vòm mái trang trí, của họa sĩ - TS. Trần Hậu Yên Thế.
"Thông qua các nền tảng mạng xã hội, mình biết được Đại học Tổng hợp Hà Nội mở cửa đón du khách nên mình đã rủ bạn tới trải nghiệm ngay. Mình rất thích không gian kiến trúc cổ kính tại đây, kèm theo các nội dung triển lãm đặc sắc giúp mình tìm hiểu thêm nhiều kiến thức mới về các công trình kiến trúc Đông Dương. Điểm mình ấn tượng nhất tại không gian triển lãm đó là mái vòm trình chiếu tác phẩm 3D mapping, đó là sự kết hợp giữa kiến trúc cổ kính và công nghệ hiện đại rất độc đáo", Trần Vũ Linh Giang (sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân) nói.
Khu vực áp mái là không gian trưng bày tác phẩm sắp đặt Một trao đổi nghệ thuật của tác giả Thành Vinh, mô phỏng cuộc đối thoại tưởng tượng giữa họa sĩ Victor Tardieu và KTS Ernest Hebrard dựa trên những hình ảnh tư liệu nghiên cứu thực địa.
Trong lần đầu tiên tham quan không gian Đại học Tổng hợp Hà Nội, Phương Thảo và Quỳnh Anh (quận Nam Từ Liêm) chia sẻ cảm xúc hứng thú khi chứng kiến nhiều hiện vật mới mẻ, lạ lẫm. "Có rất nhiều hiện vật lần đầu tiên chúng mình được nhìn đấy, đơn cử là các lọ sinh phẩm Bảo tàng sinh vật học. Triển lãm cũng cung cấp cho chúng mình nhiều kiến thức mới mẻ về các công trình kiến trúc cổ tại Hà Nội mà mình vẫn thường đi qua. Ngoài ra, không gian tại Đại học Tổng hợp Hà Nội cũng rất nhiều góc rất thơ để check-in. Với những nét kiến trúc cổ điển và ánh sáng lung linh này, du khách có thể diện trang phục truyền thống như áo dài, hay trang phục trẻ trung năng động sẽ đều có được những tấm hình ưng ý".
Việt Hà