Thiếu tướng PGS. TS Nguyễn Hồng Sơn và cuốn 'nhật ký' đặc biệt 45 năm quân ngũ
Thiếu tướng, PGS. TS, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ với phóng viên VietNamNet về những dấu ấn không thể quên và cuốn 'nhật ký' đặc biệt ghi lại 45 năm hành trình quân ngũ.
Bận bịu nhưng nhẹ nhàng, thanh thản hơn nhiều!
- Thưa ông, sau khi bàn giao chức vụ Giám đốc Bệnh viện Quân y (BVQY) 175 tháng 10/2022, hẳn bây giờ ông có thời gian nhiều hơn cho bản thân? Thời gian biểu của ông bây giờ như thế nào?
Thiếu tướng, PGS. TS, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Hồng Sơn:Tuy tôi đã "về vườn" được 2 năm nhưng chưa có "vườn" nên đang xây dựng một "thời gian biểu" xuống thang để dần thích nghi với thực tại.
Thời gian biểu vẫn vậy thôi. Viết lách, tổng kết đánh giá, nghiên cứu giảng dạy, hướng dẫn, hội đồng, thể thao, chỗ này chỗ kia mời mọc… tưởng là rảnh rang, thư giãn nhưng vẫn bận bịu ra phết.
Mọi người trêu đùa nghỉ hưu có vẻ trẻ và đẹp ra, thực sự là thanh thản, nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
- Xây dựng và phát triển BVQY 175, y tế biển đảo, gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc và cuộc chiến chống Covid-19 vừa qua…, BVQY và ông đã để lại rất nhiều dấu ấn. Ông có thể cho độc giả hiểu rõ hơn? Còn điều gì ông thấy tiếc nuối?
Năm 2025, 50 năm thống nhất đất nước cũng là 50 năm truyền thống BVQY 175 và 40 năm tôi gắn bó với đơn vị này. Tự hào khi cùng các thế hệ hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ chính trị mà Quân ủy Trung ương giao phó.
Hoàn thành tốt nhiệm vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống. Những tình huống y tế khẩn cấp ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo, đặc biệt là Trung tâm Y tế Trường Sa đã thay đổi căn bản chất lượng chăm sóc sức khỏe bộ đội, nhân dân và ngư dân trên quần đảo này.
Hoàn thành quy hoạch tổng thể, triển khai dự án xây dựng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đưa BVQY 175 thành quần thể y tế đa năng ngang tầm khu vực và quốc tế, chăm sóc sức khỏe cho bộ đội, nhân dân, cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và bạn bè quốc tế. Trung tâm Y học quân sự, huấn luyện đào tạo và nghiên cứu khoa học, chỉ đạo tuyến.
10 năm tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, BVQY 175 đã để lại dấu ấn mạnh mẽ với bạn bè quốc tế với 3 bệnh viện dã chiến (2.1, 2.3 và 2.5) tại Nam Sudan. Khẳng định năng lực, vị thế hội nhập quốc tế, góp phần thực hiện mục tiêu bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Vai trò, trách nhiệm của một quốc gia độc lập đối với Liên Hợp Quốc và bạn bè quốc tế.
Trong cuộc chiến sinh tử chống Covid-19, BVQY 175 đã hoàn thành xuất sắc khả năng sẵn sàng chiến đấu giữa mọi tình huống. Thể hiện năng lực, tính chủ động sáng tạo từ công tác cứu chữa chăm sóc đến công tác hậu sự cho người bệnh.
Đặc biệt là hình ảnh chia nhau sự sống bằng ECMO tách đôi của 2 bà mẹ trẻ và đám cưới tập thể của 20 cặp đôi sau Covid-19 đã làm chấn động lòng người. Niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi là BVQY 175 đã thực sự trở thành địa chỉ tin cậy của nhân dân thành phố và khu vực.
Nếu còn tiếc nuối? Đó là việc xây dựng hệ thống cấp cứu ngoài bệnh viện, hệ thống bác sĩ gia đình và hệ thống nhà dưỡng lão - những mối quan tâm và khát vọng của tôi giống như ước mơ trực thăng cứu hộ từ những năm 1990 của thế kỷ trước.
Biết ơn cuộc đời và cuốn "nhật ký" đặc biệt
- Phải chăng vì vậy mà các ca khúc ông viết đều thấy tinh thần của những dấu ấn tựa như nhật ký của cuộc hành trình đời quân ngũ của ông?
Tôi luôn thầm cảm ơn cuộc đời binh nghiệp, những khó khăn, thử thách cho tôi có cơ hội phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành. Cho tôi đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều hoàn cảnh, mảnh đời… đó là những chất liệu vô cùng phong phú của cuộc sống.
Những cảm xúc chân thực đó, tôi được sống với nó, hít thở, cầm nắm, đó là hạnh phúc, khổ đau, mồ hôi, nước mắt… cứ thế trở thành ca từ và giai điệu khi yêu cầu nhiệm vụ được đặt ra.
MV "Thương nhớ Sài Gòn" - Vũ Thắng Lợi
Tôi viết không nhiều nhưng khá đa dạng về chủ đề, thậm chí chủ đề rất hẹp. Nhiều khi không phải chỉ viết cho riêng mình mà còn vì trách nhiệm. Các chủ đề như người lính, cuộc sống, nghề nghiệp, gìn giữ hòa bình, thậm chí cả Covid-19.
Nhưng hạnh phúc nhất mỗi khi ra Trường Sa được nghe nhạc chuông của chiến sĩ và người dân là những ca khúc của mình, cứ muốn chảy nước mắt.
Toàn bộ nhuận bút của CD và 2 đêm nhạc được gửi tặng chương trình Máy thở cho Trường Sa và học bổng cho 2 cháu bé được mổ sinh ở Trường Sa.
Y học xoa dịu nỗi đau thể xác, âm nhạc xoa dịu nỗi đau tâm hồn, thật hạnh phúc khi được làm cả hai điều đó. Cảm ơn nhiệm vụ đã cho tôi đến với âm nhạc và làm nên cuốn "nhật ký" cuộc đời!
- 45 năm tuổi quân, sức khỏe và tinh thần của ông bây giờ như thế nào? Ông muốn nói gì với thế hệ trẻ?
Vâng! Nhà báo nhìn tôi thấy thế nào? Nói vậy thôi, từ đầu đến chân chẳng thiếu bệnh gì nhưng trời cho tinh thần nên lúc nào cũng "sẵn sàng chiến đấu cao”.
Có thời điểm, tôi làm việc đến 16-18 tiếng/ngày, từng bị bạo bệnh tưởng không qua nổi. Bạn bè cũng nhiều người hy sinh ở chiến trường biên giới phía Bắc, phía Tây Nam, mình vậy là may mắn rồi.
Tôi vẫn nói với các bạn trẻ cảm ơn cuộc đời về sự may mắn của thế hệ 6X chúng tôi. Thế hệ được chứng kiến sự chuyển động có tính chất bước ngoặt, đột phá, thay đổi thế giới trên rất nhiều lĩnh vực: chính trị, kinh tế, xã hội, khoa học công nghệ, kể cả ý thức hệ…
Sinh ra trong hơi nóng hầm hập của chiến thắng Điện Biên Phủ, hưởng trọn các cung bậc cảm xúc của cuộc chiến B52 ném bom hủy diệt "có một không hai" trong lịch sử nhân loại, chứng kiến ngày thống nhất đất nước, cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, phía Tây Nam và sự đổi thay từng ngày của đất nước… Tất cả cơn giông tố thoáng như một giấc mơ!
MV "Sức sống Trường Sa" - NSƯT Khánh Hòa
Ngay sau những ngày khó khăn của đại dịch Covid-19, tôi đã viết cho các bạn trẻ bài Giá trị và giá trị sử dụng.
Bạn được sinh ra trên cuộc đời này là sự may mắn. Bạn có sức khỏe là may mắn hơn. Nếu có cả trí tuệ, bạn là người hạnh phúc. Tuổi trẻ phải có ước mơ và khát vọng, dám dấn thân và ý chí biến ước mơ, khát vọng ấy thành hiện thực.
Tôi rất thích câu nói: "Có những kẻ không dám ra đường vì chỉ sợ gãy chân. Nhưng nếu chỉ sợ gãy chân thì suốt đời chẳng đi đến đâu được cả".
Phải có "sản phẩm" để khẳng định giá trị của bản thân. Bất cứ ai, hoàn cảnh nào, vị trí nào cũng đều có thể có khả năng khẳng định, tỏa sáng. Học tập, phấn đấu, rèn luyện, lao động, dám dấn thân, những sản phẩm tốt đẹp chắc chắn sẽ đến với bạn.
Với các bạn trẻ ngành y, tôi cũng đã viết bài Bác sĩ không phải người đặc biệt nhưng nghề y là nghề đặc biệt. Đã chấp nhận dấn thân vào ngành y là phải xác định cố gắng nỗ lực phấn đấu suốt cuộc đời để trở thành người thầy thuốc thực thụ.
Thế hệ trẻ bây giờ được sống trong một môi trường hết sức thuận lợi, được tự do quyết định lao động và hưởng thụ.
Hãy biến giá trị của mình thành giá trị sử dụng, phải tự tin cống hiến nhưng chớ kiêu ngạo. Có kiến thức, thông minh (IQ), bạn cần có thái độ ứng xử tốt (EQ) nữa. Ứng xử với xã hội, với những người xung quanh và với chính mình – điều đó sẽ quyết định bạn là ai.
Hãy cháy hết mình khi còn khả năng cháy, làm được điều gì tốt cho cuộc sống này, giúp cho ai được gì thì cứ làm.
Thiếu tướng, PGS. TS, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Hồng Sơn sinh năm 1962 tại Hải Phòng. Ông nhập ngũ năm 1979, 41 năm tuổi Đảng, là Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 giai đoạn 2012-2022.
Sau khi bàn giao chức vụ Giám đốc Bệnh viện Quân y 175, ông giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng chuyên môn Miền Nam, Ban bảo vệ, sức khỏe cán bộ Trung ương.
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn là Hội viên Hội nhạc sĩ Việt Nam, từng ra các CD: Vẫn mãi màu áo trắng (2001), Giữa trùng khơi sóng (2010) và Tổ quốc nhìn từ biển (với nhạc sĩ Quỳnh Hợp 2011); Sức sống Trường Sa (2015).
Ông từng đoạt nhiều giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam (NSVN), các hội diễn của Bộ, ngành như: Màu áo anh mang, Áo trắng áo xanh đoạt HCV Hội diễn toàn quân 1981; Trò chuyện với dòng sông đoạt HCV Hội diễn Lực lượng vũ trang - Sinh viên TPHCM 2012; Rock đồng hồ cát đoạt Giải thưởng Hội NSVN năm 2015; Có những tuổi 20 như thế đoạt Giải thưởng Hội NSVN năm 2016; Huệ đỏ đoạt Giải thưởng Hội NSVN năm 2017; Sức sống Trường Sa đoạt Giải thưởng Bộ Quốc phòng năm 2019; Tháng năm rực rỡ đoạt Giải thưởng Hội NSVN 2021; Âm thanh giọng nói đoạt Giải thưởng Hội NSVN 2023….