Triển khai đa dạng, linh hoạt việc chăm lo Tết cho người lao động
Với phương châm 'Tất cả đoàn viên, người lao động đều có Tết', các hoạt động chăm lo Tết của các cấp Công đoàn đã triển khai đa dạng, linh hoạt. Có trên 8,6 triệu lượt đoàn viên, người lao động (ĐV-NLĐ) được thụ hưởng các hoạt động chăm lo của tổ chức Công đoàn.
Trên 8,6 triệu lượt ĐV-NLĐ được thụ hưởng
Theo báo cáo nhanh của Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam về tình hình quan hệ lao động và kết quả chăm lo cho đoàn viên, người lao động (ĐV-NLĐ) Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, với phương châm “Tất cả đoàn viên, người lao động đều có Tết”, các hoạt động chăm lo Tết của các cấp công đoàn đã triển khai đa dạng, linh hoạt, tập trung tại cơ sở, bảo đảm thuận lợi cho đoàn viên tham gia; phù hợp điều kiện, thực tế tại địa phương, đơn vị.
Tổng LĐLĐ Việt Nam tiếp tục tổ chức Chương trình “Chợ Tết Công đoàn năm 2025” trực tuyến để tặng phiếu mua hàng Tết cho đoàn viên, người lao động cả nước qua trang Website: chotet.Congdoan.vn. Tổng LĐLĐ đã tặng 200.000 phiếu mua hàng cho ĐV-NLĐ với trị giá 500.000 đồng/phiếu. Chương trình “Chợ Tết Công đoàn năm 2025” do Tổng Liên đoàn tổ chức tại thành phố Hải Phòng, quy mô trên 200 gian hàng với gần 200 doanh nghiệp, đơn vị tham gia, đã thu hút khoảng trên 40.000 lượt ĐV-NLĐ tham gia. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất cho đoàn viên, người lao động vào ngày Tết.
Cùng với đó là hoạt động hỗ trợ phương tiện đưa ĐV-NLĐ về quê đón Tết và quay lại làm việc vào dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Các cấp Công đoàn đã tích cực triển khai hỗ trợ mua vé tàu, vé xe, vé máy bay cho ĐV- NLĐ còn khó khăn về quê đón Tết. Đã có trên 45.500 ĐV-NLĐ và người thân được về quê đón Tết trên các chuyến xe, tàu, máy bay, với số tiền trên 40 tỷ đồng.
Ở cấp Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tổ chức “Chuyến bay Công đoàn - Xuân 2025” với 2 chuyến bay, đưa 450 ĐV-NLĐ tại các tỉnh, thành phố phía nam về quê tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đón Tết; tổ chức “Chuyến tàu Công đoàn - Xuân 2025...
Bên cạnh đó, các hoạt động chăm lo Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 tiếp tục được tổ chức ở 4 cấp Công đoàn, tập trung tại cơ sở. Đối tượng chăm lo ưu tiên chăm lo cho ĐV-NLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mắc bệnh hiểm nghèo, thiên tai, bão lũ; ĐV-NLĐ thiếu, mất việc làm; ĐV-NLĐ thuộc đối tượng gia đình chính sách, là người dân tộc thiểu số hoặc nhiều năm chưa có điều kiện về quê sum họp với gia đình trong dịp Tết Nguyên đán; ĐV-NLĐ không về quê đón Tết để làm việc, lao động, sản xuất.
Báo cáo chưa đầy đủ của các địa phương, đơn vị trong dịp Tết Nguyên đán 2025 cho thấy, đã có trên 8,6 triệu lượt ĐV-NLĐ được thụ hưởng các hoạt động chăm lo của tổ chức Công đoàn, với tổng kinh phí hơn 4.750,5 tỷ đồng. Trong đó, nguồn tài chính công đoàn là 3.054,5 tỷ đồng; kêu gọi xã hội hóa ủng hộ nguồn kinh phí chăm lo cho ĐV-NLĐ 1.696 tỷ đồng (chiếm 35,7%).
Thưởng Tết Nguyên đán Ất Tỵ tăng 13%
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Phan Văn Anh cho biết, theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tiền lương bình quân của người lao động năm 2024 ước đạt 8,88 triệu đồng/tháng, tăng 4% so với năm 2023. Trong đó, Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là 10,91 triệu đồng/tháng; doanh nghiệp dân doanh là 8,1 triệu đồng/tháng; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 9,28 triệu đồng/tháng.
Đặc biệt, mức thưởng bình quân dịp Tết Ất Tỵ 2025 là 7,72 triệu đồng, tăng 13% mức thưởng dịp so với thưởng Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Trong đó, Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là 7,66 triệu đồng/người; doanh nghiệp dân doanh là 6,76 triệu đồng/người; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 8,24 triệu đồng/người.
Về tình hình quan hệ lao động đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên trong năm 2024, cả nước xảy ra 76 cuộc ngừng việc tập thể, tăng 18 cuộc so với cùng kỳ năm 2023. Các cuộc ngừng việc tập thể xảy ra chủ yếu tại các doanh nghiệp khu vực FDI, tập trung tại các tỉnh, thành phố lớn, thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía nam với 44/76 cuộc, chiếm 57,89% tổng số cuộc; tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế với 44/76 cuộc, chiếm 57,89% tổng số cuộc.
Đáng chú ý, trước Tết Nguyên đán 2025 (tính tháng 12/2024 và tháng 1/2025), cả nước xảy ra 7 cuộc tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể tại 5 tỉnh, thành phố, giảm 8 cuộc so với dịp trước Tết Nguyên đán năm 2024. Các cuộc ngừng việc tập thể giảm cả về tính chất và quy mô.
Nguyên nhân chủ yếu đẫn đến tranh chấp lao động, ngừng việc dịp trước Tết là do người lao động không đồng tình với mức thưởng Tết của doanh nghiệp, không đồng tình việc thay đổi cách tính lương, thưởng…
"Ngay khi xảy ra tranh chấp, ngừng việc tập thể, LĐLĐ tỉnh, thành phố, các cấp Công đoàn đã chủ động, kịp thời phối hợp với các cơ quan có liên quan trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ, giải quyết" - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Phan Văn Anh cho biết.
Nhìn chung, qua quá trình đối thoại, thương lượng giữa người sử dụng lao động, tập thể người lao động với sự hỗ trợ, hướng dẫn, chứng kiến của các cơ quan chức năng, hầu hết các yêu cầu của người lao động đã được người sử dụng lao động giải quyết toàn bộ hoặc một phần, sau đó tập thể người lao động đã trở lại làm việc bình thường.
Dịp Tết nguyên đán Ất Tỵ 2025, LĐLĐ thành phố Hà Nội đã chi hỗ trợ 48 nghìn lượt người lao động khó khăn, với tổng số tiển trên 42 tỷ đồng. Bên cạnh đó, LĐLĐ thành phố đã hỗ trợ 5.000 vé xe bằng tiền cho công nhân lao động với tổng số tiền 1.77 tỷ đồng; hỗ trợ phương tiện đưa 1.200 công nhân lao động thuộc Công đoàn các Khu công nghiệp và Chế xuất về quê đón Tết cùng gia đình, với các điểm đến là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và một số tỉnh phía Bắc. Đồng thời, LĐLĐ các quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành cũng đã triển khai, tổ chức chương trình hỗ trợ phương tiện, vé tầu xe đưa công nhân khó khăn trên địa bàn về quê đón Tết cùng gia đình.