Triển khai biện pháp quản lý bệnh vàng lá trên cây ổi

Huyện Kế Sách phát triển khá lớn diện tích trồng ổi, đem lại nguồn thu nhập tốt cho nhà vườn. Tuy nhiên, vài tháng trở lại đây, cây ổi bị chết đột ngột, gây lo lắng cho nhà vườn, do đó, ngành chuyên môn của huyện đã triển khai biện pháp quản lý bệnh vàng lá trên cây ổi, nhằm ngăn chặn ổi bị chết do bệnh vàng lá gây ra.

Diện tích ổi trên địa bàn huyện Kế Sách là 836ha, tập trung nhiều ở các xã: Thới An Hội, Trinh Phú, Nhơn Mỹ, An Lạc Tây. Ổi dễ trồng, nhẹ công chăm sóc và chi phí đầu tư mùa vụ ít nên nhà vườn thích lựa chọn cây ổi để canh tác, với đa dạng các giống ổi là ổi Đài Loan, ổi lê, ổi nữ hoàng, ổi ruột hồng… Cây ổi ít gặp các loại dịch bệnh, sâu hại tấn công. Tuy nhiên, thời gian gần đây tình trạng ổi bị vàng lá, rồi lá khô cứng, dẫn đến tình trạng ổi chết hàng loạt đã làm ảnh hưởng đến nguồn thu nhập của nhà vườn.

Ông Nguyễn Ngọc Nhi, ấp Xóm Đồng 2, xã Thới An Hội, huyện Kế Sách cho biết: "Khi ổi bị nhiễm bệnh trên lá xuất hiện những mảng màu nâu hai bên mép lá (ở các lá già trước), bệnh nặng cây bị còi cọc, rụng lá dần, cành bị khô và chết cây. Rễ cây bị thối từ rễ nhỏ lan dần đến rễ lớn, rễ bị thối vỏ bị tuột ra khỏi phần gỗ, gỗ bị sọc nâu lan dần vào rễ cái. Khi tách vỏ rễ ra có thể nhìn thấy phần thịt gỗ của rễ đã bị hóa nâu đen. Phát hiện ổi bị bệnh, tôi đã sử dụng nhiều loại thuốc khác nhau phòng trị, bón nhiều loại phân bón để “cứu ổi” nhưng vẫn không đạt hiệu quả và ổi chết khoảng 20% diện tích cây đã trồng 2 năm tuổi. Được ngành chuyên môn hỗ trợ về kỹ thuật chăm sóc cây, phòng trị bệnh cho cây, đến nay vườn ổi đã ổn định, bệnh trên ổi đã được khống chế".

Ổi bệnh vàng lá, chuyển sang giai đoạn nặng, cây bị chết khô. Ảnh: THÚY LIỄU

Ổi bệnh vàng lá, chuyển sang giai đoạn nặng, cây bị chết khô. Ảnh: THÚY LIỄU

Để kịp thời hỗ trợ nhà vườn quản lý, ngăn chặn bệnh vàng lá gây chết ổi, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Kế Sách đã thực hiện việc ứng dụng các biện pháp kỹ thuật để quản lý bệnh vàng lá chết cây ổi (tạm thời) triển khai đến nhà vườn. Cụ thể, đơn vị đã triển khai quy trình quản lý vườn ổi, đó là khuyến cáo nhà vườn vệ sinh vườn, làm cỏ thông thoáng, cắt bỏ các cây bị bệnh không có khả năng phục hồi (khoảng 50% bệnh/cây), nếu cây mới bị bệnh thì nên cắt bỏ các cành, nhánh bị bệnh (thu gom tiêu hủy). Cùng với đó, đo độ pH đất nếu pH nhỏ hơn 6 thì tiến hành tưới vôi, rải vôi (sử dụng vôi đá sau đó ngâm và tưới cho cây, nếu bón vôi thì nên xới đất 5 - 10cm để vôi dễ hòa tan đều trong đất), liều lượng bón 500g/gốc; trước khi tưới vôi nên để đất khô. Sau khi tưới vôi 15 ngày, tiến hành tưới Tervigo + Ridomil (liều dùng theo khuyến cáo). Khi cây nhú ra đọt non, phun thuốc Antracol + phân bón lá + thuốc trừ sâu (liều dùng theo khuyến cáo). Sau khi tưới thuốc Tervigo + Ridomil, tiến hành bón phân hữu cơ vi sinh, liều lượng 1,5kg/cây; sau 1 ngày tưới nấm đối kháng Trichoderma 10g/cây và sau 1 ngày tưới nấm Trichoderma thì tưới phân Humic 2kg/1.000m2. Sau 15 ngày thì xử lý lại lần 2, các bước thực hiện giống như lần 1.

Đồng chí Trần Văn Toàn - Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Kế Sách chia sẻ, với các biện pháp quản lý bệnh vàng lá trên ổi nêu trên đơn vị triển khai, nhà vườn nên áp dụng để ngăn chặn bệnh trên ổi, để bảo vệ tốt vườn ổi đang canh tác tại hộ. Ngoài ra, khuyến cáo nhà vườn cần thường xuyên kiểm tra vườn, sớm phát hiện bệnh để phòng trị kịp thời; không để nước quá cao trong ao mương vườn; tưới Ridomil 3 lần/năm; tăng cường bón phân hữu cơ trên ổi; thường xuyên kiểm tra độ pH trong đất. Không nên phun thuốc trừ cỏ trong vườn ổi; khi cây bị bệnh không để trái trên cây sẽ làm cho cây mau chết hơn. Với các biện pháp quản lý bệnh vàng lá trên ổi, nhà vườn cần áp dụng đúng quy trình đã hướng dẫn để giúp cây ổi sinh trưởng phục hồi tốt nếu ổi bị bệnh. Bởi, từ khi cây nhiễm bệnh và có triệu chứng bệnh trên lá, cành nhánh nếu không quản lý kịp thời sau 6 - 12 tháng sẽ gây chết toàn bộ cây.

THÚY LIỄU

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/huyen-ke-sach/202501/trien-khai-bien-phap-quan-ly-benh-vang-la-tren-cay-oi-51f6fce/
Zalo