'Make up' cho cây

Mỗi dịp tết đến, nhu cầu chơi cây cảnh lại tăng cao. Để cạnh tranh thị trường, các nhà vườn phải tìm hiểu và đáp ứng thị hiếu của khách hàng, tạo hình cho cây theo phong thủy được nhiều người ưa chuộng. Lúc này rất cần đến đôi bàn tay khéo léo của những thợ tỉa lá, uốn cành, đắp rêu mà người ta gọi vui là thợ 'make up' cho cây. Nhiều nhà vườn sẵn sàng chi khoản tiền lớn để mời các thợ 'make up' lành nghề chăm sóc cây để bán trong dịp tết.

Chỉ còn ít ngày nữa là đến tết Nguyên đán Ất Tỵ, chị Lý Mẩy Pham, thôn Tả Chải, xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa lại càng bận rộn hơn. Chị Pham được một nhà vườn thuê làm công việc đắp rêu cho cây nhất chi mai. Những cây nhất chi mai được cuốn rêu cố định vào thân và các cành cây, sau một thời gian, rêu sẽ hút chất dinh dưỡng từ cây chủ và sinh trưởng, phát triển tốt, tạo thành cây nhất chi mai rêu phong đẹp mắt. Các chủ vườn tiết lộ, chỉ môi trường và điều kiện khí hậu mát mẻ, có độ ẩm cao như ở Sa Pa mới có thể đắp rêu cho cây như vậy, bởi ở các vùng khí hậu khác nếu “make up” kiểu này rêu sẽ chết khô.

Chị Lý Mẩy Pham được thuê làm công việc “make up” cho nhất chi mai, bởi chị có tính cẩn thận cùng đôi tay khéo léo. Những cây nhất chi mai được chị make up đều trở nên rêu phong, mang dáng vẻ già cổ. Làm nghề “make up” cho nhất chi mai được 6 năm, chị Pham chia sẻ: Công việc này đòi hỏi sự kiên trì, chăm chỉ. Tôi thường đắp rêu vào từng gốc cây, cành cây rồi dùng chỉ buộc chặt lại. Rêu được tiếp dinh dưỡng từ thân cây chủ cùng với điều kiện khí hậu phù hợp sẽ phát triển nhanh, phủ lên cây lớp rêu dày mịn, đẹp mắt. Trong thôn của chị Pham cũng có nhiều người được thuê làm nghề này nhưng ít người đủ kiên nhẫn và khéo léo để làm được như vậy. Chính vì vậy, chị Pham được nhà vườn trả công 300.000 đồng/ngày và nuôi ăn đủ đầy.

Chị Lý Mẩy Pham cho biết: Làm tốt việc “make up” cho nhất chi mai nên tôi có thêm khoản thu nhập, đảm bảo cuộc sống đầy đủ hơn. Thậm chí chi tiêu tiết kiệm có thể mua sắm thêm tài sản có giá trị trong gia đình. Điều đó khiến tôi hài lòng và càng thêm cố gắng để giỏi nghề hơn nữa.

Có thâm niên và tay nghề trong giới “make up” cho cây cảnh, anh Đặng Tiểu Bình và Nguyễn Ngọc Phan quê ở “thủ phủ” cây cảnh Nam Trực, Nam Định được các nhà vườn ở nhiều nơi thuê tạo hình cho cây bán dịp tết. Sau khi làm thuê cho các vườn cây cảnh ở Bắc Hà, thành phố Lào Cai, Bảo Thắng, hai anh đã bén duyên tại Sa Pa được 3 năm nay. Công việc của anh Phan và anh Bình là uốn cành, tạo thế cho cây cảnh. Một ngày làm việc của họ bắt đầu từ rất sớm. Đồ nghề thường hay sử dụng là cuộn dây điện, kéo và kìm. Đôi tay khéo léo, tỉ mỉ, uốn cành cây thành các thế long đàn phượng vũ, long thăng, trung bình cong... theo thị hiếu của người tiêu dùng. Nhìn dáng cây, anh Phan có thể nhanh chóng biết uốn thế nào cho phù hợp. Cây cảnh do anh tạo thế được đánh giá tinh tế, đáp ứng yếu tố phong thủy khắt khe. Chính sự lành nghề ấy nên anh được các chủ vườn trả công khá cao, với mức 600.000 đồng/ngày, kèm nuôi ăn.

Anh Phan chia sẻ: Để đứng vững trong nghề, phải không ngừng học hỏi, bám sát thị hiếu và thị trường. Mỗi năm thị trường lại có xu hướng chơi cây cảnh khác nhau, nên chúng tôi cũng phải cập nhật các thế cây “hot”, được ưa chuộng để tạo hình phù hợp, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Mỗi nghề đều có vất vả riêng, nghề “make up” cho cây cũng vậy. Những người làm nghề này thường đau nhức, mỏi chân tay bởi họ phải đứng liên tục trong nhiều giờ, hoặc làm việc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, bất kể mưa nắng. Tuy nhiên, như tâm sự của những người làm nghề “make up” cho cây ở Sa Pa, chưa bao giờ họ ngừng cố gắng để thỏa đam mê với cây cảnh và thiên nhiên tươi đẹp ở đây.

Vân Thảo

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/make-up-cho-cay-post396486.html
Zalo