Lý do bất ngờ khiến người trẻ bị thoái hóa cột sống

Thoái hóa cột sống thường xuất hiện sau 40 tuổi, nhưng hiện nay nhiều bệnh nhân chưa đến 30 tuổi đã mắc bệnh. Ghi nhận thực tế độ tuổi bệnh nhân thoái hóa cột sống đang ngày càng trẻ hóa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.

Nguyên nhân thoái hóa cột sống ở người trẻ

Thoái hóa cột sống là tình trạng bệnh lý xảy ra khi các đĩa đệm giữa các đốt sống bị suy giảm chất lượng và khả năng đàn hồi. Điều này dẫn đến việc các đốt sống cọ xát vào nhau, gây ra đau đớn, khó chịu và ảnh hưởng đến khả năng vận động của người bệnh.

Thoái hóa cột sống thường xảy ra ở người cao tuổi nhưng cũng có thể xuất hiện ở những người trẻ tuổi do thói quen sinh hoạt không lành mạnh. Trong đó phải kể đến tình trạng người trẻ thường xuyên ngồi lâu một chỗ, tư thế ngồi không đúng, hoặc thiếu vận động cũng góp phần làm gia tăng nguy cơ thoái hóa cột sống ở người trẻ tuổi. Học sinh, sinh viên có tư thế ngồi học không đúng hoặc ngồi lỳ liên tục.

Người nặng cân, béo phì cũng khiến cột sống và các khớp chịu sức tỳ đè lớn do tình trạng nặng cân... dễ gây thoái hóa cột sống ở người trẻ.

Ngoài ra, nguyên nhân gây bất ngờ là người trẻ nếu tập thể thao không đúng, đặc biệt là ở những người tập tạ, có đến 70-80% người tập tạ bị ảnh hưởng cột sống vì sức nặng đè lên cột sống... cũng sẽ gây thoái hóa cột sống.

Ngoài ra, thoái hóa cột sống còn do nguyên nhân, bao gồm: các chấn thương hoặc tai nạn có thể làm hỏng các đĩa đệm và đốt sống, dẫn đến thoái hóa. Một số người có nguy cơ cao hơn bị thoái hóa cột sống do yếu tố di truyền.

Người trẻ thường xuyên ngồi lâu một chỗ, tư thế ngồi không đúng làm gia tăng nguy cơ thoái hóa cột sống.

Người trẻ thường xuyên ngồi lâu một chỗ, tư thế ngồi không đúng làm gia tăng nguy cơ thoái hóa cột sống.

Triệu chứng của bệnh thoái hóa cột sống

Triệu chứng của thoái hóa cột sống có thể khác nhau tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Một số triệu chứng phổ biến bao gồm:

Đau lưng: người bệnh có cảm giác đau âm ỉ hoặc đau nhức tại khu vực cột sống, có thể lan ra các vùng khác của cơ thể như chân hoặc cổ.
Cảm giác tê hoặc yếu cơ: các đĩa đệm thoái hóa có thể gây áp lực lên các dây thần kinh, dẫn đến cảm giác tê hoặc yếu cơ.
Khó khăn khi vận động: các cử động như cúi người, xoay người hoặc nâng vật nặng có thể trở nên khó khăn và đau đớn.
Hạn chế phạm vi chuyển động: tình trạng thoái hóa có thể làm giảm phạm vi chuyển động của cột sống, khiến người bệnh cảm thấy bị cứng và khó khăn khi thực hiện các hoạt động hàng ngày.

Thoái hóa cột sống có nguy hiểm không ?

Ngoài cơn đau và cảm giác tê cứng khó chịu, nếu không được điều trị, thoái hóa cột sống có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng:

Khó kiểm soát đại tiểu tiện.
Rối loạn chức năng tình dục.
Rối loạn cảm giác da.
Yếu, liệt tay chân.
Rối loạn tiền đình: đau đầu, chóng mặt…

Để bảo vệ sức khỏe cột sống và phòng ngừa thoái hóa cần kết hợp nhiều yếu tố. Việc duy trì lối sống lành mạnh, bao gồm chế độ ăn uống cân đối, tập thể dục đều đặn và nghỉ ngơi hợp lý là nền tảng quan trọng.

Việc khám sức khỏe định kỳ cũng giúp phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường của cột sống. Nếu có bất kỳ triệu chứng đau nhức nào ở vùng lưng, cổ, vai gáy, hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời. Các phương pháp điều trị có thể bao gồm vật lý trị liệu, dùng thuốc, can thiệp tối thiểu hoặc phẫu thuật, tùy tình trạng bệnh cụ thể.

Bên cạnh đó, cần chú trọng đến lối sống lành mạnh. Hãy bổ sung đầy đủ canxi và vitamin D qua chế độ ăn uống cân bằng, kết hợp với việc tập thể dục đều đặn như đi bộ, bơi lội, yoga… Ngoài ra, việc duy trì tư thế đúng khi làm việc, nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc cũng rất quan trọng.

BS .Vũ Thị Thanh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ly-do-bat-ngo-khien-nguoi-tre-bi-thoai-hoa-cot-song-169250122173130036.htm
Zalo