Trend 'lên đồ' bằng AI gây sốt: Nguy cơ lộ lọt dữ liệu cá nhân

Gần đây, trào lưu 'biến hình' trang phục nhờ tính năng 'Tủ đồ AI' của BeautyCam đang gây sốt trên các nền tảng mạng xã hội tại Việt Nam. Chỉ với một cú chạm, người dùng đã có thể thử ngay những trang phục ấn tượng, lung linh và chia sẻ chúng rộng rãi. Tuy nhiên, đằng sau những hiệu ứng đẹp mắt đó là nguy cơ lộ lọt dữ liệu cá nhân mà không phải ai cũng nhận thức rõ.

Trào lưu "biến hình" trang phục nhờ tính năng "Tủ đồ AI" của BeautyCam đang gây sốt trên các nền tảng mạng xã hội (Ảnh: Mxh)

Trào lưu "biến hình" trang phục nhờ tính năng "Tủ đồ AI" của BeautyCam đang gây sốt trên các nền tảng mạng xã hội (Ảnh: Mxh)

Nguy cơ từ việc thu thập dữ liệu sinh trắc học

Nguyễn Hà An, 22 tuổi (Ba Đình, Hà Nội), cho biết từ trước khi cơn sốt AI diễn ra, anh và rất nhiều bạn bè trên mạng xã hội đã thường xuyên đưa ảnh lên các ứng dụng chỉnh sửa ảnh để làm đẹp khuôn mặt và vóc dáng rồi mới đăng lên các trang mạng xã hội như Instagram, Facebook....

Do đó, anh nghĩ ảnh của mình đã được hàng loạt ứng dụng thu thập từ lâu và cũng không quan tâm dữ liệu sau đó được các bên khai thác như thế nào. Hà An không phải trường hợp cá biệt, nhiều độc giả PLVN cũng từng chia sẻ rằng "thông tin cá nhân ít nhiều đã bị thu thập rồi, còn gì để mất nữa đâu".

Việc suy nghĩ như vậy sẽ gây tâm lý chủ quan, khó có thể bảo vệ chính mình trên không gian mạng, đặc biệt khi nhiều ứng dụng chỉnh sửa ảnh bằng AI đang nở rộ trên mạng xã hội.

Theo Luật sư, Thạc sĩ Bùi Chính Tâm, Công Ty Luật TNHH Cast Việt Nam, khi sử dụng các ứng dụng chỉnh sửa ảnh, người dùng thường phải cấp quyền truy cập vào thư viện ảnh, camera và thông tin cá nhân trên thiết bị. Nhiều người vô tình chấp nhận các quyền này mà không biết rằng dữ liệu có thể bị thu thập, lưu trữ và sử dụng vào mục đích khác, thậm chí bán cho bên thứ ba. Không ít trường hợp, dữ liệu hình ảnh bị khai thác cho các mục đích thương mại hay thậm chí là lừa đảo, khiến người dùng không chỉ mất kiểm soát thông tin cá nhân mà còn đối mặt với nhiều hệ lụy khó lường.

Một trong những nguy cơ lớn nhất từ các ứng dụng chỉnh sửa ảnh hiện nay là việc thu thập dữ liệu sinh trắc học. AI không chỉ giúp người dùng biến đổi ngoại hình mà còn có thể quét và lưu trữ các đặc điểm nhận dạng khuôn mặt, thậm chí cả vân tay trong một số trường hợp. Những dữ liệu này vô cùng nhạy cảm, bởi nếu bị đánh cắp hoặc lợi dụng, chúng có thể được sử dụng để giả mạo danh tính, tạo hồ sơ ảo hoặc thậm chí thực hiện các giao dịch tài chính bất hợp pháp. Không giống như mật khẩu có thể thay đổi, dữ liệu sinh trắc học là duy nhất và không thể làm mới, vì vậy mức độ rủi ro của việc bị lộ lọt là rất nghiêm trọng.

Luật sư cũng cho biết, ngoài nguy cơ về danh tính, việc lộ dữ liệu cá nhân còn có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng hơn về mặt tinh thần và vật chất. Hình ảnh bị khai thác có thể bị chỉnh sửa, cắt ghép để phục vụ cho các mục đích xấu như bôi nhọ danh dự, lừa đảo hoặc tống tiền.
Đã có nhiều trường hợp các tài khoản mạng xã hội bị chiếm đoạt sau khi kẻ xấu thu thập đủ thông tin cần thiết từ hình ảnh và dữ liệu cá nhân. Khi đó, không chỉ tài khoản của cá nhân bị ảnh hưởng mà còn có thể gây nguy hiểm cho bạn bè, người thân nếu họ vô tình trở thành mục tiêu tiếp theo của kẻ gian.

Bên cạnh đó, nhiều ứng dụng chỉnh sửa ảnh có chính sách quyền riêng tư không rõ ràng, mập mờ trong việc sử dụng dữ liệu cá nhân. Một số ứng dụng có thể tự động chia sẻ hoặc bán dữ liệu cho các đối tác quảng cáo mà không có sự đồng ý rõ ràng từ người dùng.

Cẩn trọng khi chia sẻ hình ảnh cá nhân

Cũng theo Luật sư, Thạc sĩ Bùi Chính Tâm để bảo vệ thông tin cá nhân trước nguy cơ bị lạm dụng từ các ứng dụng chỉnh sửa ảnh, người dùng cần thực hiện một số biện pháp quan trọng. Trước hết chỉ cho phép ứng dụng truy cập ảnh hoặc camera khi thực sự cần thiết. Việc đọc kỹ chính sách quyền riêng tư trước khi cài đặt cũng rất quan trọng, tránh sử dụng các ứng dụng có điều khoản mơ hồ về việc chia sẻ dữ liệu. Ngoài ra, nên ưu tiên sử dụng các ứng dụng đã được kiểm chứng, có đánh giá tích cực và được phát triển bởi các công ty có uy tín, tránh tải xuống từ các nguồn không rõ ràng.

Bên cạnh đó, người dùng cần thường xuyên kiểm tra và quản lý lại các quyền đã cấp cho ứng dụng trong phần cài đặt của thiết bị. Nếu nhận thấy bất kỳ ứng dụng nào yêu cầu quyền truy cập không cần thiết, hãy thu hồi ngay lập tức.

Ngoài ra, cần cẩn trọng khi chia sẻ hình ảnh lên mạng xã hội. Những hình ảnh tưởng chừng vô hại nhưng có thể bị kẻ xấu lợi dụng để giả mạo danh tính hoặc sử dụng vào các mục đích không mong muốn. Khi đăng tải ảnh, hãy kiểm tra kỹ quyền riêng tư, hạn chế để chế độ công khai và chỉ chia sẻ với những người thực sự đáng tin cậy.

Một biện pháp quan trọng khác là sử dụng các ứng dụng chỉnh sửa ảnh có cơ chế bảo vệ dữ liệu rõ ràng. Hiện nay, có nhiều ứng dụng cam kết không lưu trữ hoặc chia sẻ dữ liệu của người dùng, và đây nên là lựa chọn ưu tiên. Nếu bắt buộc phải sử dụng những ứng dụng có tính năng AI nâng cao, người dùng nên sử dụng trên các thiết bị không chứa thông tin nhạy cảm để giảm thiểu rủi ro.

Trào lưu "biến hình" bằng AI có thể mang lại những giây phút giải trí, nhưng không phải lúc nào cũng vô hại. Người dùng cần có nhận thức rõ ràng về nguy cơ tiềm ẩn và chủ động bảo vệ thông tin cá nhân của mình. Trong thời đại công nghệ số, việc giữ an toàn cho dữ liệu cá nhân không chỉ giúp bảo vệ quyền riêng tư mà còn ngăn chặn những rủi ro liên quan đến lừa đảo và đánh cắp danh tính. Do đó, trước khi tham gia vào các trào lưu công nghệ mới, hãy suy nghĩ kỹ về những gì chúng ta đang đánh đổi và cân nhắc thật cẩn trọng.

Luật sư, Thạc sĩ Bùi Chính Tâm, Công Ty Luật TNHH Cast Việt Nam:

Luật sư, Thạc sĩ Bùi Chính Tâm, Công Ty Luật TNHH Cast Việt Nam:

Ngày 17/4/2023 Chính Phủ đã ban hành Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về Bảo vệ dữ liệu cá nhân có hiệu lực thi hành từ 01/7/2023, với mục đích bảo vệ dữ liệu cá nhân, trong đó có cả các dữ liệu cá nhân nhạy cảm cho công dân Việt Nam. Theo đó, các công ty sở hữu ứng dụng, phần mềm, bất kể quốc tịch Việt Nam hay nước ngoài, đều nằm dưới sự điều chỉnh của Nghị định này. Nguyên tắc về việc sử dụng, khai thác dữ liệu cá nhân là phải trao cho Chủ thể dữ liệu các quyền được biết về mục đích xử lý dữ liệu, quyền đồng ý cho phép xử lý dữ liệu, quyền truy cập vào dữ liệu, thậm chí là xóa và rút lại sự đồng ý đó.

Việc xử lý dữ liệu cá nhân trái quy định như đánh cắp dữ liệu, sử dụng ngoài phạm vi xử lý dữ liệu được trao quyền, thiết lập các hệ thống phần mềm, biện pháp kỹ thuật hoặc tổ chức các hoạt động thu thập, chuyển giao, mua, bán dữ liệu cá nhân không có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu là vi phạm pháp luật và bị nghiêm cấm bởi pháp luật Việt Nam. Cá nhân, tổ chức vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính, xử lý hình sự theo tùy theo tính chất, mức độ.

Trường hợp cá nhân phát hiện hành vi vi phạm pháp luật đối với dữ liệu cá nhân thì có thể thông báo cho Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, là cơ quan chuyên trách bảo vệ dữ liệu cá nhân, để hỗ trợ xử lý, giải quyết.

Mặc dù vậy, không gian mạng là môi trường ảo, và do đó, thực tiễn việc xử lý, giải quyết, truy vết các đối tượng phạm tội ngoài nước sẽ gặp nhiều khó khăn. Mỗi cá nhân hãy tự trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết đã được chia sẻ, để nhận diện các ứng dụng, phần mềm kém tin cậy, như một biện pháp phòng vệ trước hết, đối với những hiểm họa của việc rò rỉ, đánh cắp dữ liệu cá nhân.

T.Mai

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/media/trend-len-do-bang-ai-gay-sot-nguy-co-lo-lot-du-lieu-ca-nhan-post14476.html
Zalo