Trekking - xu hướng tìm về thiên nhiên của giới trẻ hiện đại

Giữa nhịp sống hối hả và áp lực thường nhật, ngày càng nhiều bạn trẻ tìm đến những chuyến đi bộ đường dài (trekking) trong rừng sâu để trải nghiệm và tìm kiếm những điều mới mẻ.

Tìm cảm giác mới lạ

Chinh phục thành công 3 đỉnh núi chỉ trong vòng 2 tháng, Lê Thị Thu Lan (28 tuổi, ở Hà Nội) cho biết, bản thân rất yêu thích đi du lịch và đi phượt nhiều lần. Gần đây, chị Lan mới có dịp trải nghiệm bộ môn trekking.

Do vướng công việc nên mỗi tháng Lan ước chừng tham gia trekking khoảng 1-2 lần. Mỗi chuyến trekking đều mang tới cho cô những cảm giác mới lạ. Mặc dù giữa đường đi có lúc cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức, chán nản nhưng cô đều vui và xúc động khi có đồng đội đi cùng cổ vũ.

“Trekking giúp mình rèn luyện thể lực, ý chí tự vượt lên chính mình. Cũng nhờ những chuyến trekking mà mình quen biết được nhiều bạn mới hơn, đồng thời được tìm hiểu về văn hóa của nhiều vùng miền trên đất nước mình. Được ngắm nhìn những cảnh quan hùng vĩ mà có lẽ chỉ ở nhà sẽ không bao giờ tưởng tượng ra được hết”, Thu Lan chia sẻ.

Theo Lan, trekking ngày càng phổ biến không chỉ đối với giới trẻ mà còn thu hút cả trẻ em, người trung niên bởi những lợi ích mà nó mang lại cho sức khỏe và tinh thần.

“Tuổi trẻ đâu có bao nhiêu, ta chỉ sống một lần trên đời. Hãy đi, đi để khám phá! Việt Nam ta tươi đẹp lắm! Đi để có những kỷ niệm, để sau này có thể tự hào về tuổi trẻ rực rỡ ấy. Trekking vui lắm, đi về là sẽ nghiện đó”, Lan hóm hỉnh.

 Thu Lan trong một lần trekking chinh phục đỉnh Sa Mu (Sơn La).

Thu Lan trong một lần trekking chinh phục đỉnh Sa Mu (Sơn La).

Trong khi đó, Trần Hà Phương (21 tuổi, quê ở Nghệ An) lại lựa chọn trekking vì muốn được ngắm nhìn cảnh thiên nhiên núi rừng, rời xa thành phố để hít thở không khí trong lành, hòa mình vào không gian hoang dã.

Cũng theo Phương, dù được trải nghiệm nhiều thứ mới mẻ, nhưng trekking cũng ẩn chứa nhiều nguy hiểm, nhất là địa hình dốc cao, vách đá trơn trượt. Nếu không chú ý sẽ rất dễ lạc do các vùng núi đều vắng người. Những người mới trải nghiệm bộ môn trekking cũng cần chuẩn bị tinh thần rằng cơ sở vật chất bởi trên núi khá thiếu thốn. Điều này có thể sẽ hơi vất vả và ảnh hưởng tới tâm lý trải nghiệm.

Vì là sinh viên, nên Hà Phương thường ưu tiên với các chuyến đi tự túc, do đó, chi phí cho một lần trekking không quá tốn kém. Một năm cô sẽ cùng nhóm bạn leo núi 1-2 lần để lưu giữ kỉ niệm và tìm sự thư giãn sau những ngày học tập, làm việc mệt mỏi.

“Mình đã chinh phục được 3 ngọn núi: Lảo Thẩn, Tà Chì Nhù, Nhìu Cồ San. Mỗi chuyến đi đều rất đáng nhớ nhưng lần trekking núi Nhìu Cồ San là đáng nhớ nhất. Cả đoàn đã tự lái xe máy tới địa điểm trekking, cung đường 7 - 8km rất khó đi, lầy lội do thời tiết khiến chúng mình phải xuống xe dắt bộ, đẩy xe. Dù vất vả nhưng vui”, Phương nói.

Trần Hà Phương (ngoài cùng bên trái) trekking tự túc núi Nhìu Cồ San cùng bạn bè.

Trần Hà Phương (ngoài cùng bên trái) trekking tự túc núi Nhìu Cồ San cùng bạn bè.

Vượt lên giới hạn

Với kinh nghiệm tập luyện thể hình 5 năm nên Đặng Anh Khang (23 tuổi, quê ở Bắc Ninh) không gặp nhiều khó khăn về thể lực khi trekking đường dài. Để thử thách giới hạn bản thân, thử thách mạo hiểm tự túc, Khang đã có 2 chuyến trekking gần đây.

“Chỉ cần có hứng là mình sẽ xách xe lên và đi. Mình từng tham gia trekking Tà Chì Nhù, cung đường leo lên đỉnh mất khoảng 10 giờ không hề dễ dàng, ban ngày trời nắng khô, ban đêm gió rét. Dù vất vả nhưng chỉ cần chạm mốc tới đỉnh là vui, không còn mệt nữa”, Khang chia sẻ.

Trong hành trình trekking 2 ngày không có sóng 4G, không sóng, không ánh điện với Khang là một thử thách. Anh phải nhờ định vị mới xem được đường lên đỉnh núi và trong túi luôn có sạc dự phòng. Nếu điện thoại hết pin, rất dễ bị lạc trong rừng.

 Đặng Anh Khang trekking thành công trên đỉnh Tà Chì Nhù.

Đặng Anh Khang trekking thành công trên đỉnh Tà Chì Nhù.

Theo Khang chia sẻ, chuyến leo đỉnh Tà Chì Nhì là trải nghiệm “nhớ đời” nhất của chàng trai. Vì để quên đồ ăn ở lán, Khang chỉ mang được chút nước theo. Khi leo được 2850m đường núi thì hết nước, Khang đành phải nhặt chai nước thừa của người khác bỏ lại để uống tạm, nhặt kẹo ăn để lấy sức cố gắng chạm mốc 2979m.

"Vì vậy, những người mới gia nhập trekking cần tính toán để mang đồ ăn, thức uống sao cho đủ. Nếu chưa quen nên thuê người bản địa vác đồ và dẫn đường để đảm bảo an toàn", Khang nói.

Mới đây nhất, Khang cho biết đã thất bại khi leo đỉnh Tà Xùa bởi nhiệt độ khi ấy là 3 độ C, gió lạnh buốt kèm mưa khiến đường trơn trượt khó di chuyển. Khang cho biết: “Mình leo được 400m, bị ngã khá nhiều lần, bị chấn thương tay và chân nên đành phải bỏ cuộc quay về. Lần sau mình vẫn sẽ tiếp tục chinh phục đỉnh Tà Xùa một lần nữa”.

Là một người vốn ít tham gia vào các hoạt động du lịch hoang dã, Ngô Thị Thùy Trang (25 tuổi, ở Đà Nẵng) biết tới trekking thông qua bạn bè và việc được truyền cảm hứng từ các video trên nền tảng mạng xã hội đã thôi thúc cô trải nghiệm.

“Lần đầu trải nghiệm trekking, mình vô cùng hào hứng, phấn khởi để chinh phục đích đến. Thông qua trekking mình khám phá được thêm giới hạn của bản thân, học được cách cố gắng đạt mục tiêu và không bỏ cuộc”, Trang nói.

Thùy Trang cho hay, người mới tham gia trekking không biết bắt đầu từ đâu có thể tham gia các nhóm tìm đồng đội trên mạng xã hội. Tuy nhiên, trước khi bắt đầu chuyến đi cần tìm hiểu kỹ thông tin người đồng hành và tham khảo ý kiến người quen. Tuyệt đối không nên nhận lời mời từ người lạ, không quen biết để đảm bảo an toàn cho bản thân.

Hà Châu - Diệu Nhi

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/trekking-xu-huong-tim-ve-thien-nhien-cua-gioi-tre-hien-dai-post1719650.tpo
Zalo