Phó Thủ tướng cùng Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan xem báu vật Hoàng cung Thăng Long

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cùng Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Maris Sangiampongsa thăm khu di tích Hoàng Thành Thăng Long, tìm hiểu các hiện vật quý trưng bày tại đây.

Sáng 24/2, trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Phu nhân Vũ Thị Bích Ngọc cùng Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Maris Sangiampongsa và Phu nhân Korkan Sangiampongsa đã tới thăm khu di tích Hoàng Thành Thăng Long (Hà Nội).

Hoạt động này diễn ra ngay sau cuộc hội đàm chính thức giữa hai Bộ trưởng.

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn cùng Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan đã có khoảng thời gian thú vị tìm hiểu về lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam thông qua những báu vật được bảo tồn và gìn giữ tại khu di tích.

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn cùng Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Maris Sangiampongsa tham quan khu di tích Hoàng Thành Thăng Long.

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn cùng Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Maris Sangiampongsa tham quan khu di tích Hoàng Thành Thăng Long.

Hai lãnh đạo tìm hiểu khu khảo cổ trong Hoàng thành.

Hai lãnh đạo tìm hiểu khu khảo cổ trong Hoàng thành.

Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Maris Sangiampongsa đi bộ chậm rãi qua cổng Đoan Môn, dọc theo con đường rợp bóng cây xanh, qua tòa nhà Pháp đến di tích Điện Kính Thiên.

Đoàn được nghe giới thiệu về khu khảo cổ và các di tích khác còn sót lại trong khu di tích như Đoan Môn, điện Kính Thiên, Bắc Môn, Hậu Lâu, tường thành...

Khu di sản Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là một phần quan trọng còn lại của Cấm thành và Hoàng thành của Kinh đô Thăng Long, kinh đô lớn và quan trọng bậc nhất của quốc gia Đại Việt, được xây dựng từ năm 1010 và tồn tại đến năm 1789. Đây là trung tâm quyền lực của các vị vua từ triều đại Lý (1010-1225), Trần (1225-1400), Lê sơ (1427-1527), Mạc (1527-1597) và Lê Trung hưng (1597-1789).

Từ năm 2002 cho đến nay, các cuộc khai quật khảo cổ học tại khu di tích này đã tìm thấy dưới lòng đất nhiều dấu tích nền móng cung điện, lầu gác và hàng triệu di vật. Đây là những bằng chứng sinh động phản ánh lịch sử huy hoàng của Kinh đô Thăng Long hơn 1.000 năm về trước.

Hai lãnh đạo chiêm ngưỡng các hiện vật, biểu tượng đặc trưng trong các triều đại phong kiến Việt Nam.

Hai lãnh đạo chiêm ngưỡng các hiện vật, biểu tượng đặc trưng trong các triều đại phong kiến Việt Nam.

Tại nhà trưng bày Thăng Long - Hà Nội, hai lãnh đạo cùng tìm hiểu về những hiện vật tiêu biểu cho lịch sử ngàn năm từ triều đại Lý - Trần - Lê sơ - Mạc - Lê Trung hưng, Nguyễn. Nơi đây trưng bày 215 cổ vật bao gồm tượng rồng, phượng, gạch chạm khắc, đồ dùng, vật dụng trong hoàng cung xưa…, mang đến cái nhìn bao quát về 13 thế kỷ trong lịch sử Việt Nam.

Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan đặc biệt ấn tượng về hai chiếc bát sứ ngự dụng.

Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan đặc biệt ấn tượng về hai chiếc bát sứ ngự dụng.

Tại khu trưng bày báu vật hoàng cung, hai lãnh đạo cùng chiêm ngưỡng báu vật Hoàng cung Thăng Long. Đây là đồ kim loại quý, các loại đồ gốm sứ cao cấp do lò quan Thăng Long chế tác phục vụ cho nhà vua, vương hậu, hoàng tộc và sinh hoạt của triều đình. Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan đặc biệt ấn tượng với hai chiếc bát sứ ngự dụng.

Hai chiếc bát sứ ngự dụng đã nổi tiếng từ trước khi trở thành bảo vật quốc gia, thậm chí trước cả khi Hoàng thành trở thành Di sản văn hóa UNESCO công nhận.

Theo hồ sơ bảo vật quốc gia, mặc dù có chút khác nhau về kích thước nhưng cấu trúc, đề tài và kỹ thuật trang trí hoa văn trên 2 bát giống nhau gần như hoàn toàn. Hoa văn được trang trí trong lòng bát. Đồ án hoa văn chính là đôi rồng được thể hiện trong tư thế đang bay lượn trong mây tạo thành hình vòng tròn trên thành bát, hướng vận động theo chiều kim đồng hồ. Giữa lòng bát in nổi một chữ quan.

Ngoài ra, trong khu trưng bày còn có một số loại hình đồ gốm sứ tiêu biểu, đặc sắc, đại diện cho các loại đồ dùng, vật dụng trong Hoàng cung Thăng Long.

Hai lãnh đạo dừng lại rất lâu để tìm hiểu về thềm Rồng điện Kính Thiên. Hiện nay, điện Kính Thiên chỉ còn nền cũ và hai bậc thềm rồng đá.

Hai lãnh đạo dừng lại rất lâu để tìm hiểu về thềm Rồng điện Kính Thiên. Hiện nay, điện Kính Thiên chỉ còn nền cũ và hai bậc thềm rồng đá.

Ông Maris Sangiampongsa được nghe thuyết minh về phần kiến trúc còn sót lại là những nền đá cũ cùng các bậc thềm để lên tới chính điện. Thềm rồng đá với con rồng đá chầu ở thềm điện được điêu khắc từ thế kỷ 15 dưới triều đại vua Lê Thánh Tông.

Tiếp đó, Phó Thủ tướng cùng Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan cùng thưởng thức cà phê và trò chuyện về giao lưu văn hóa hai nước.

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn cùng Bộ trưởng Maris Sangiampongsa thưởng thức cà phê Việt Nam.

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn cùng Bộ trưởng Maris Sangiampongsa thưởng thức cà phê Việt Nam.

Bộ trưởng Ngoại giao Maris Sangiampongsa tặng Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn biểu trưng của Thái Lan.

Bộ trưởng Ngoại giao Maris Sangiampongsa tặng Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn biểu trưng của Thái Lan.

Kết thúc chuyến tham quan, Bộ trưởng Maris Sangiampongsa và đoàn bày tỏ sự ấn tượng với lịch sử phong phú của Hoàng thành Thăng Long.

Trần Thường

Phạm Hải

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/pho-thu-tuong-va-bo-truong-ngoai-giao-thai-lan-xem-bau-vat-hoang-cung-thang-long-2374483.html
Zalo