Trẻ hóa bệnh nhân mắc thuyên tắc phổi
Thuyên tắc phổi và huyết khối tĩnh mạch sâu là nguyên nhân tim mạch phổ biến thứ ba gây tử vong, sau nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
Nữ sinh 18 tuổi có biểu hiện chóng mặt, khó thở nhẹ lúc 3h sáng. 10 tiếng sau, bệnh nhân không thể đi lại hoặc ngồi vì tình trạng khó thở tăng nặng, nôn ói, được cấp cứu tại bệnh viện.
Kết quả ban đầu ghi nhận nhịp tim 150 lần/phút, huyết áp tụt 80/40 mmHg, SpO2 92%, giãn thất phải, tăng áp phổi. Chụp CT (chụp cắt lớp vi tính) phát hiện tắc động mạch phổi nhánh lớn hai bên, huyết khối (cục máu đông) tĩnh mạch sâu chân trái, chẩn đoán thuyên tắc phổi nguy cơ cao có rối loạn huyết động.
Tình trạng của bệnh nhân lúc đó rất nguy hiểm bởi vì huyết khối bít tắc động mạch phổi, cản trở thất phải đưa máu vào phổi, nguy cơ cao đe dọa tính mạng.
Bệnh nhân được chuyển vào khoa Hồi sức cấp cứu (ICU), thở oxy qua mặt nạ, điều trị bằng thuốc vận mạch nâng huyết áp, thuốc tiêu sợi huyết, kháng đông đường tĩnh mạch.
Theo bác sỹ tim mạch Đỗ Vũ Ngọc Anh, thuyên tắc phổi là biến cố bất thường ít gặp ở người trẻ khỏe mạnh, nhất là trường hợp rất trẻ như bệnh nhân nêu trên. Bệnh thường gặp ở người trên 50 tuổi.
Các yếu tố nguy cơ gây bệnh bao gồm ung thư, tiểu đường, tiền sử bản thân hoặc gia đình có bệnh lý liên quan đông máu, bệnh tim, đột quỵ, sử dụng thuốc tránh thai chứa estrogen, phụ nữ mang thai hoặc sau sinh, người mắc hội chứng kháng phospholipid… Hạnh Nhi được kiểm tra chuyên sâu để tìm nguyên nhân gây bệnh.
Kết quả cho thấy nữ sinh mắc hội chứng May - Thurner, một bất thường cấu trúc giải phẫu, trong đó động mạch chậu phải chèn ép tĩnh mạch chậu trái, có thể làm gián đoạn lưu lượng máu qua chân.
Ngoài ra, người bệnh từng sử dụng thuốc nội tiết tố trong ba tháng để trị mụn, làm đẹp da, thuốc giảm đau chữa giãn tĩnh mạch chân. “Các yếu tố này cộng dồn gây huyết khối ở phổi”, bác sỹ Ngọc Anh cho biết.
Thuyên tắc phổi xảy ra khi cục máu đông hình thành từ một tĩnh mạch (cẳng chân, vùng chậu hoặc cánh tay), di chuyển theo dòng máu, gây tắc mạch máu trong phổi. Triệu chứng thường gặp là khó thở, đau ngực. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây tổn thương tim, phổi, dẫn đến suy tim, thậm chí tử vong.
“Thuyên tắc phổi và huyết khối tĩnh mạch sâu là nguyên nhân tim mạch phổ biến thứ ba gây tử vong, sau nhồi máu cơ tim và đột quỵ”, bác sỹ Ngọc Anh cho biết.
Để phòng bệnh, mỗi người cần duy trì hoạt động thể chất thường xuyên hoặc vận động tay, chân, bàn chân vài phút mỗi giờ. Kiểm soát cân nặng phù hợp, uống đủ nước, hạn chế rượu bia, thuốc lá, không mặc quần áo bó sát, ngồi bắt chéo chân để giảm các yếu tố nguy cơ gây bệnh.
Người lớn tuổi, thừa cân, béo phì, người mắc bệnh tim mạch nên đi khám và tầm soát nguy cơ. Người bị suy giãn tĩnh mạch chân nên mang tất y khoa để tăng cường lưu thông máu. Bệnh nhân dùng thuốc kháng đông cần duy trì thuốc theo chỉ định của bác sỹ. Phụ nữ không nên tự ý sử dụng thuốc tránh thai, nội tiết tố nếu chưa được tư vấn bởi bác sỹ chuyên khoa.