Trau dồi nhân cách nhà giáo quân đội - vấn đề rất cần thiết hiện nay

Dân tộc ta có truyền thống 'tôn sư trọng đạo', bởi đất nước ta là đất nước ngàn năm văn hiến và Nhân dân ta có truyền thống hiếu học, coi trọng sự học. Người thầy được tôn vinh bởi họ không chỉ là người dạy chữ thánh hiền mà còn là biểu trưng cho những gì chuẩn mực nhất, cao đẹp nhất.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nhiệm vụ giáo dục rất quan trọng và vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục... Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế- văn hóa” (Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 345). Ở bất cứ giai đoạn nào trong lịch sử, người thầy cũng luôn giữ một vị trí đặc biệt quan trọng, được cả xã hội kính trọng và tôn vinh. Thấm nhuần sâu sắc lời chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng, Nhà nước ta luôn nhận thức rõ vai trò quyết định của giáo dục, của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đối với vận mệnh phát triển của quốc gia - dân tộc. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ: “Cùng với đề cao vị trí, vai trò và trách nhiệm xã hội, cần đổi mới mạnh mẽ chính sách đãi ngộ, chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là khâu then chốt”.

Trong Quân đội, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo là vấn đề hết sức quan trọng, bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng với Quân đội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Gắn liền với sự trưởng thành và phát triển của Quân đội, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã có những đóng góp quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Nghị quyết số 1657-NQ/ QUTW, ngày 20/12/2022 về đổi mới công tác giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới của Quân ủy Trung ương xác định: “Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; có phẩm chất đạo đức cách mạng; có kiến thức năng lực toàn diện, chuyên nghiệp theo yêu cầu nhiệm vụ; có khả năng tự học tập, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và thích ứng; có sức khỏe và độ tuổi phù hợp; có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế đáp ứng mục tiêu xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại và yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”. Để thực hiện mục tiêu ấy, cần chú trọng xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo Quân đội, đòi hỏi đội ngũ này phải có nhân cách, phẩm chất đáp ứng yêu cầu, tính chất của “nghề cao quý”.

Nhân cách nhà giáo Quân đội là một trong những nhân tố tác động trực tiếp đến nhận thức, thái độ, hành vi của người học, có ảnh hưởng quan trọng đến phẩm chất, năng lực của người cán bộ, sĩ quan Quân đội. Nhân cách nhà giáo không chỉ ảnh hưởng tích cực trong thời gian đào tạo ở các nhà trường Quân đội, mà còn để lại những bài học có giá trị sâu sắc sau khi học viên ra trường, thậm chí sau nhiều năm công tác, những hình ảnh sống động về đạo đức, lối sống, trình độ chuyên môn, phong cách làm việc của các nhà giáo vẫn tiếp tục là những giá trị cao đẹp để người cán bộ Quân đội hướng tới noi theo. Vì vậy, trong mọi điều kiện hoàn cảnh, việc quan tâm bồi dưỡng, trau dồi nhân cách nhà giáo Quân đội luôn được coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, được diễn ra thường xuyên trong hoạt động sư phạm, xuất phát từ những vấn đề cơ bản sau đây:

Một là, xuất phát từ vị trí, vai trò của nhân cách người thầy giáo trong giáo dục.

Nhà sư phạm nổi tiếng người Nga K.D.Usinxki (1824 - 1870) đã từng khẳng định “Nhân cách của người thầy giáo là sức mạnh có ảnh hưởng to lớn đối với học sinh, sức mạnh đó không thể thay thế bằng bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào, bất kỳ câu chuyện châm ngôn đạo đức, bất kỳ một hệ thống khen thưởng hay trách phạt nào khác”. Câu nói trên đã làm nổi bật vai trò to lớn không gì có thể thay thế được của nhân cách người thầy giáo đối với học trò. Những yếu tố trong cấu trúc nhân cách của người thầy có ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình hình thành phẩm chất, năng lực của người học. Người thầy có lý tưởng cao đẹp, phẩm chất đạo đức trong sáng, kiến thức sâu rộng, năng lực chuyên môn vững vàng và phong cách sư phạm mẫu mực chắc chắn sẽ tạo ra sức ám thị mạnh mẽ đối với người học, giúp nâng cao hiệu quả truyền đạt kiến thức, hình thành kỹ năng của người học trong quá trình đào tạo. Trên thực tế, tự cổ chí kim, các hệ thống giáo dục trên thế giới đều dựa vào nhân cách người thầy, lấy đó làm hình mẫu để giáo dục nhân cách cho người học. Ngày nay, sự tiến bộ của khoa học và công nghệ đã làm thay đổi rất nhiều bộ mặt nền giáo dục thế giới. Trong một số mô hình dạy học hiện đại, đã xuất hiện những “nhà giáo số”, có khả năng dạy được nhiều môn học, trong nhiều ngày, nhiều giờ mà không biết mệt mỏi. Nhưng có một điều mà những “nhà giáo số” không bao giờ có được, đó là nhân cách. Chỉ có nhân cách nhà giáo mới có thể truyền được cảm hứng học tập, khát vọng cống hiến, khơi dậy đam mê và tình yêu đối với quê hương đất nước cho người học.

Hai là, xuất phát từ mục tiêu, yêu cầu đào tạo của các nhà trường Quân đội.

Mục tiêu chung của các nhà trường Quân đội hiện nay đều hướng đến đào tạo, bồi dưỡng học viên trở thành những cán bộ, sĩ quan đủ đức, đủ tài cho Quân đội, những người sẽ trực tiếp quản lý, chỉ huy bộ đội thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, bảo đảm chiến đấu để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Theo đó, sau khi tốt nghiệp, học viên cần đạt đủ các tiêu chí trong hệ thống mục tiêu về chức danh và trình độ chuyên môn phù hợp với chuyên ngành đào tạo. Yêu cầu đối với người học khi ra trường không chỉ đơn thuần là biết làm việc, mà cần có lý tưởng cao đẹp, khát vọng cống hiến cho sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc, có nhân cách phù hợp với giá trị phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, luôn sẵn sàng chiến đấu hi sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Như vậy, mục tiêu, yêu cầu đào tạo trong các nhà trường Quân đội mang tính đặc thù quân sự với đòi hỏi cao hơn, toàn diện hơn, không những về năng lực, trình độ chuyên môn mà cả về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống.

Để học viên trong các nhà trường Quân đội hoàn thành được mục tiêu, yêu cầu trên, việc trau dồi nhân cách cho người thầy trong các nhà trường Quân đội là vô cùng quan trọng, là nhiệm vụ thường xuyên và cần thiết. Khi mỗi nhà giáo là một nhân cách sống động về lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân, về đạo đức, lối sống, sự tận tụy với nghề và tình yêu với quê hương đất nước, sẽ tạo ra sức cảm hóa mạnh mẽ đối với học viên, khơi dậy trong họ cảm hứng học tập, rèn luyện, tu dưỡng bản thân, tạo dựng được niềm tin vững chắc vào những tri thức mà họ tiếp nhận được ở nhà trường. Đây là yếu tố quan trọng giúp học viên tự nguyện, tự giác học tập, rèn luyện, biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo. Sau khi ra trường, trên mọi cương vị công tác, những ảnh hưởng từ nhân cách người thầy giáo vẫn sẽ để lại dấu ấn khá rõ trong mỗi cán bộ, sĩ quan Quân đội, là nguồn khích lệ, động viên họ vượt qua khó khăn, thử thách để hoàn thành nhiệm vụ.

Ba là, xuất phát từ mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng đội ngũ nhà giáo Quân đội trong tình hình mới.

Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW, ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương “về đổi mới công tác giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới” đã xác định mục tiêu cụ thể về xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội đến năm 2025 và 2030. Để đạt được những mục tiêu đó, Nghị quyết xác định cần: Xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác giáo dục và đào tạo; có đủ số lượng, đảm bảo về chất lượng, có cơ cấu hợp lý, đạt chuẩn theo quy định. “Chú trọng bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, phát huy phẩm chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và học viên” (Quân ủy Trung ương, Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW, ngày 20/12/2022 về đổi mới công tác giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới, Hà Nội, tr. 06). Các mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp của Nghị quyết thể hiện sự quyết tâm của Quân ủy Trung ương về xây dựng đội ngũ nhà giáo “đạt chuẩn” theo quy định. Đó là những người thầy hội tụ đủ các yếu tố về lý tưởng, đạo đức, tư duy và phong cách; có phẩm chất chính trị vững vàng, đạo đức, lối sống lành mạnh, tư duy đổi mới, hiện đại; có kiến thức sâu rộng và phương pháp làm việc khoa học, trình độ chuyên môn giỏi, năng lực nghiên cứu, giảng dạy vững; nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy ở Nhà trường và dày dặn thực tiễn công tác, huấn luyện ngoài đơn vị. Quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đạt được mục tiêu của Nghị quyết không thể tách rời quá trình bồi dưỡng nhân cách cho đội ngũ nhà giáo ở các nhà trường Quân đội. Bởi lẽ những tiêu chí cần đạt được của mục tiêu xây dựng đội ngũ nhà giáo Quân đội đồng nhất với những yếu tố cấu thành nhân cách của họ.

Bốn là, xuất phát từ thực trạng đội ngũ nhà giáo ở các nhà trường Quân đội hiện nay.

Theo đánh giá trong Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 86/NQ-DUQSTW, ngày 29/3/2007 của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) “về công tác giáo dục và đào tạo trong tình hình mới”, công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo trong Quân đội đạt được nhiều kết quả quan trọng. “Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục thường xuyên được kiện toàn, cơ bản đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng và từng bước được chuẩn hóa”. Tuy nhiên, “năng lực ngoại ngữ, tin học và kiến thức thực tiễn còn hạn chế”. Về nguyên nhân, Nghị quyết số 1657- NQ/QUTW chỉ rõ: “Công tác quy hoạch, tạo nguồn, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục ở một số nhà trường chưa được quan tâm đúng mức; cơ chế, chính sách ưu tiên, ưu đãi chưa thực sự khuyến khích và tạo điều kiện để đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục phấn đấu, phát triển”.

Từ thực trạng trên cho thấy sự cần thiết phải quan tâm xây dựng, bồi dưỡng, trau dồi nhân cách cho đội ngũ nhà giáo Quân đội phát triển toàn diện, “vừa hồng, vừa chuyên”, thực sự là “cỗ máy cái” để đào tạo cho Quân đội những cán bộ, sĩ quan có đủ đức, đủ tài, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong tình hình mới. Để xây dựng nhân cách nhà giáo Quân đội đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới cần thường xuyên giáo dục, bồi dưỡng năng lực công tác, phẩm chất đạo đức, lối sống cho đội ngũ nhà giáo Quân đội; phát huy tính tích cực, chủ động của đội ngũ nhà giáo Quân đội trong quá trình phát triển nhân cách; đồng thời, chú trọng phát triển văn hóa nhà giáo Quân đội.

Như vậy, trau dồi nhân cách nhà giáo Quân đội là một nhiệm vụ quan trọng, trực tiếp góp phần hình thành nhân cách người học theo mục tiêu, yêu cầu giáo dục đào tạo. Trong tình hình hiện nay, đây là nhiệm vụ hết sức cần thiết, có ý nghĩa lâu dài, trực tiếp góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, sĩ quan đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong giai đoạn cách mạng mới. Sứ mệnh cao quý đó đòi hỏi đội ngũ nhà giáo Quân đội phải không ngừng trau dồi về chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức, lối sống, tô đậm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân.

NGUYỄN QUỐC DUY

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/xa-hoi/202502/trau-doi-nhan-cach-nha-giao-quan-doi-van-de-rat-can-thiet-hien-nay-f8b2388/
Zalo