Để học thêm không còn là áp lực

Người Hà Nội luôn coi trọng việc học, nhưng học tốt nhất là khi không áp lực. Khi trường học nâng cao chất lượng, khi mỗi giáo viên dạy thật tốt ngay trên lớp, việc học thêm sẽ không còn là gánh nặng.

Học sinh có thực sự muốn học thêm?

Để đạt được mục tiêu đỗ nguyện vọng 1 vào lớp 10 công lập năm học tới, Trần Đăng Khoa (học sinh lớp 9C, Trường THCS Nguyễn Du, quận Nam Từ Liêm) và các bạn phải dành thời gian đi học thêm nhiều ở bên ngoài nhà trường vào các buổi chiều tối trong tuần, cho dù đã khá mệt với các tiết học chính khóa trong ngày.

Học sinh Trần Đăng Khoa chia sẻ: "Khi học thêm ngoài nhà trường, các thầy cô sẽ có thêm những hướng dẫn cho chúng em trong quá trình làm bài".

Theo lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc ra đề kiểm tra, đánh giá hiện nay đảm bảo đúng, đủ với những yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông mới. Vì vậy, dạy thêm, học thêm như trước đây là không cần thiết.

Với những học sinh lực học còn yếu kém hoặc đang lúng túng chuẩn bị cho các kỳ thi chuyển cấp, kỳ thi tốt nghiệp THPT thì trách nhiệm của nhà trường, giáo viên là bổ trợ kiến thức cho các em.

Ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: "Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các nhà trường tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy, tăng cường kiến thức cho học sinh và duy trì ôn tập, quan tâm với học sinh cuối cấp".

Học thêm có thực sự cần thiết hay chỉ là áp lực vô hình từ kỳ vọng và nỗi lo thi cử? Câu trả lời có lẽ phụ thuộc vào mỗi học sinh và cách nhà trường hỗ trợ các em trên con đường học tập.

Khi phụ huynh cũng "mắc kẹt" với học thêm

Sợ con tự học không hiệu quả, ngại hoặc không có điều kiện quản lý thời gian sau giờ học chính khóa của con, đó là lý do chính khiến các bậc phụ huynh muốn cho con đi học thêm. Tuy nhiên, cũng có nhiều phụ huynh bày tỏ sự ủng hộ với quy định về dạy thêm, học thêm mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và có hiệu lực từ ngày 14/2/2025.

Gia đình chị Lê Thu Hà (quận Hai Bà Trưng) tuy hai con đang học phổ thông nhưng chị không ủng hộ việc học thêm vì chi phí khá tốn kém, lại mất nhiều thời gian đưa đón. Vì vậy, nếu con muốn học thêm môn gì, chị đều xem xét cẩn thận rồi mới quyết định cho học.

Chị Hà chia sẻ: "Tôi cũng không ủng hộ việc học ngoài nhà trường nên khi các con muốn học thì các con cần trình bày lí do tại sao lại muốn học môn đó và gia đình sẽ đánh giá xem có cần thiết không rồi mới đưa ra quyết định".

Với nhiều gia đình ở Hà Nội, khi con học cuối cấp phổ thông thì việc học thêm gần như là cần thiết và tất yếu. Không ít cha mẹ lo lắng con không học thêm sẽ thua kém bạn bè hoặc chính họ chịu áp lực thành tích và thi cử. Họ cũng chưa thực sự tin vào khả năng tự học của con. Vì vậy, dù không mong muốn, nhiều phụ huynh vẫn bị cuốn vào guồng quay học thêm.

Học thêm không học phí

Ở trường THCS Trưng Vương, từ lâu, việc dạy thêm, học thêm đã được Ban Giám hiệu kiểm soát. Những năm qua, nhà trường thường tổ chức một vài lớp học thêm đối với các học sinh học lực còn yếu hoặc còn hạn chế về kết quả học tập, nhưng dưới hình thức học sinh và phụ huynh tự nguyện đăng ký và nhà trường không thu tiền học. Lớp học thêm đó bố trí vào cuối giờ chiều hoặc vào 6 rưỡi sáng - trước giờ học chính khóa.

Giống như quan điểm của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, trường THCS Trưng Vương cũng kiên quyết thực hiện đúng theo Thông tư 29, không du di hay thông cảm, bởi đây là một quy định có lợi cho học sinh, góp phần ngăn chặn tình trạng o ép học sinh đi học thêm. Nhà trường tranh thủ thời gian buổi chiều để cho học sinh tham gia phụ đạo.

Thực tế hiện nay, một số học sinh có nhu cầu được học thêm vào năm cuối cấp để sẵn sàng cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Cũng có những học sinh lại mong muốn được bồi dưỡng để đạt tiêu chuẩn vào đội tuyển học sinh giỏi hoặc dự thi các kỳ thi năng khiếu đặc biệt. Với những mục tiêu như vậy, học thêm là nhu cầu chính đáng của những học sinh này.

Việc dạy thêm chỉ có ý nghĩa khi dành cho đúng đối tượng và không thu phí. Thông tư 29 có hiệu lực từ 14/2 chính là để ngăn chặn tình trạng tiêu cực có thể xảy ra với việc học thêm, dạy thêm. Bởi nếu trường học làm tốt, thầy dạy tốt, trò học tốt, đâu cần dạy thêm, học thêm.

Quản lý dạy thêm như thế nào?

Vấn đề dạy thêm, học thêm luôn là câu chuyện gây nhiều tranh cãi trong ngành giáo dục. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành thông tư mới nhằm siết chặt hơn công tác quản lý hoạt động này, hướng đến một môi trường giáo dục lành mạnh, giảm áp lực cho học sinh.

Trước đây, chúng ta đã có nhiều tranh cãi về dạy thêm và có nhiều đề xuất cho rằng đây cần được coi là một ngành nghề. Tuy nhiên nếu như dạy thêm là một ngành nghề, chúng ta cần có các biện pháp quản lý.

Ông Đinh Công Sỹ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết: "Hiện nay, theo quy định mới, chúng ta giải quyết được những tiêu cực có thể có xảy ra trong quá trình dạy thêm, học thêm, nhưng đồng thời cũng phải chăm lo tới quyền lợi của nhà giáo. Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các bộ, ngành có liên quan cần tính toán tới chính sách bồi dưỡng cho giáo viên đứng lớp để dạy thêm cho các em thuộc đối tượng không thu tiền học phí".

Trường học không giáo viên

Lớp học “không giáo viên” nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng đó lại là sự thật tại một số ngôi trường trên thế giới. Khi các công cụ trí tuệ nhân tạo như chatbot trò chuyện trực tuyến trở nên phổ biến hơn, một số trường học tại Anh và Mỹ đã tìm cách đưa những công cụ đó vào lớp học để thay thế hoàn toàn cho giáo viên là con người.

Vào tháng 9/2024, trường tư thục David Game, ở London, Anh, ngôi trường đầu tiên của đất nước mở lớp học không có giáo viên. Các lớp gồm 7 học sinh trung học, học các môn cơ bản trong chương trình phổ thông bằng nền tảng AI.

Ông John Dalton, Hiệu trưởng trường David Game chia sẻ: “Chúng tôi sử dụng AI trong các môn học chính như Toán, Sinh, Địa lý, Khoa học máy tính, tiếng Anh. Kế hoạch bài học của học sinh được thiết kế riêng phù hợp cho từng em”.

Trí tuệ nhân tạo sẽ giám sát cách học sinh tiếp thu các nội dung môn học, thói quen học bài, tìm hiểu xem các em cần sự trợ giúp gì, sau đó điều chỉnh chương trình học của các em trong học kỳ để phù hợp với khả năng của từng học sinh.

Mỗi lớp học có một "huấn luyện viên học tập" là con người. Họ có trình độ sư phạm nhưng không nhất thiết phải biết nội dung các môn học mà thay vào đó hướng dẫn học sinh sử dụng hệ thống AI. Họ cũng hướng dẫn các em về các kỹ năng mềm như tranh luận và hiểu biết về tài chính.

Chính phủ Anh cho biết, công nghệ này có thể giúp các nhà giáo dục lập kế hoạch và chỉnh sửa bài học, đồng thời đã phát triển trợ lý bài học AI của riêng mình có tên là "Aila" phù hợp với chương trình giảng dạy quốc gia của Vương quốc Anh.

Trường tư thục Alpha ở thành phố Austin bang Texas, Mỹ cũng tin rằng việc học bằng AI, kết hợp với các khóa học kỹ năng sống sẽ là tiêu chuẩn cho các trường học hiện đại trong tương lai. Trường được thành lập vào năm 2014, dành cho học sinh từ mẫu giáo đến lớp 12, sử dụng AI để giảng dạy các môn học cốt lõi.

Theo bà MacKenzie Price, đồng sáng lập trường tư thục Alpha: "Chúng tôi không có giáo viên, nhưng có rất nhiều huấn luyện viên trong phòng học tương tác với những đứa trẻ. Họ giúp trẻ em hiểu rõ về một số mục tiêu mà chúng đang thực hiện, phương pháp học, khơi dậy tình yêu với học tập cho các em".

Trong hai giờ đầu tiên, các em học các môn chính trên ứng dụng AI. Sáu giờ còn lại trong ngày được sử dụng để học các kỹ năng sống như hùng biện và robot, thông qua các huấn luyện viên của họ. Bà Price cũng cho biết, hệ thống AI này cô đọng sáu giờ học nội dung chính chỉ trong hai giờ đồng hồ. Tuy nhiên, nếu học sinh gặp khó khăn với một bài học, hệ thống sẽ xem lại nội dung đó.

Cho đến nay, một số học sinh Alpha dường như đang thích phương pháp học mới.

Alpha không phải là trường duy nhất ở Texas gần đây đã áp dụng AI. Một ngôi trường khác ở Bắc Texas cũng đã thí điểm chương trình này trong vòng một tuần.

Tuy nhiên, ý tưởng giao phó việc giáo dục trẻ em cho AI lại gây tranh cãi. Nhiều chuyên gia giáo dục ghi nhận vai trò của AI trong giảng dạy, nhưng cho rằng việc sử dụng AI như vậy sẽ tước đi các kỹ năng giao tiếp và sự tương tác giữa học sinh và giáo viên trong giờ học.

Phan Hằng

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/de-hoc-them-khong-con-la-ap-luc-303067.htm
Zalo