Tránh tạo kẽ hở gian lận trong dán nhãn năng lượng

Góp ý về quy định bắt buộc dán nhãn năng lượng, ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) đánh giá, đây là bước tiến quan trọng nhằm nâng cao ý thức tiết kiệm năng lượng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, thực tế không ít sản phẩm trên thị trường có nhãn năng lượng giả, nhãn sai thông tin. Vì thế, cần quy định chặt chẽ hơn, tránh tạo kẽ hở cho gian lận thương mại.

Chiều 10/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Điện Biên, Trà Vinh, Cao Bằng (Tổ 8) thảo luận ở tổ về: dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 8, chiều 10/5

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 8, chiều 10/5

Giao UBND tỉnh xây dựng kế hoạch thanh tra hàng năm là không hợp lý

Góp ý với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, ĐBQH Lò Thị Luyến (Điện Biên) bày tỏ băn khoăn về trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc xây dựng kế hoạch thanh tra hàng năm đối với hoạt động sử dụng năng lượng.

Theo dự thảo, UBND cấp tỉnh sẽ phải xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra định kỳ mỗi năm, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực này. Tuy nhiên, đại biểu Lò Thị Luyến cho rằng, việc yêu cầu xây dựng kế hoạch thanh tra hàng năm là chưa thật sự cần thiết, dễ phát sinh thêm thủ tục hành chính không đáng có, làm tăng gánh nặng cho các địa phương.

ĐBQH Lò Thị Luyến (Điện Biên) phát biểu tại phiên thảo luận

ĐBQH Lò Thị Luyến (Điện Biên) phát biểu tại phiên thảo luận

Đặc biệt, đại biểu lưu ý quy định này chưa tương đồng với tinh thần đổi mới tổ chức và hoạt động thanh tra theo hướng đã được đề xuất trong dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp này.

Theo đó, thanh tra cấp tỉnh là cơ quan chuyên môn giúp UBND tỉnh xây dựng kế hoạch thanh tra, trình xin ý kiến UBND tỉnh và sau đó mới ban hành và tổ chức thực hiện.

“Việc giao trách nhiệm trực tiếp cho UBND tỉnh hàng năm phải xây dựng kế hoạch thanh tra trong hoạt động sử dụng năng lượng và hiệu quả là bất hợp lý, vì không cần thiết năm nào cũng phải thanh tra. Nếu có quy định, thì nên theo hướng định kỳ 2 năm một lần sẽ hợp lý hơn”, đại biểu đề xuất.

Riêng về trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong công tác kiểm tra hàng năm về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đại biểu Lò Thị Luyến cho rằng, quy định như dự thảo Luật là phù hợp và có thể tiếp tục duy trì.

Bổ sung chế tài xử lý nghiêm hành vi bán thiết bị không dán nhãn hoặc sử dụng nhãn giả

Liên quan đến quy định giao UBND cấp tỉnh chủ trì kiểm tra và xử lý vi phạm trong việc sử dụng năng lượng, ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng, điều này là cần thiết. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai tại nhiều địa phương cho thấy còn không ít hạn chế.

Dẫn chứng từ kết quả giám sát của Quốc hội, đại biểu Thạch Phước Bình cho biết nhiều UBND tỉnh hiện vẫn chưa có lực lượng chuyên trách đủ năng lực để thực hiện kiểm tra hiệu quả tại cơ sở. Trong khi đó, hoạt động thanh tra phần lớn chỉ diễn ra khi có chỉ đạo từ cấp trên hoặc khi phát hiện sai phạm rõ ràng. Điều này dẫn đến nguy cơ bỏ sót vi phạm và thiếu đồng bộ trong quản lý.

ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) phát biểu tại phiên thảo luận

ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) phát biểu tại phiên thảo luận

Từ thực tế này, đại biểu đề nghị cần bổ sung vào dự thảo luật quy định rõ trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm về Bộ Công Thương. Đây là cơ sở để xây dựng hệ thống dữ liệu thống nhất trên toàn quốc, bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước và phản ánh đầy đủ thực trạng sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả tại các địa phương.

Góp ý về quy định bắt buộc dán nhãn năng lượng, đại biểu Thạch Phước Bình đánh giá, đây là bước tiến quan trọng nhằm nâng cao ý thức tiết kiệm năng lượng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, thực tế vẫn tồn tại nhiều bất cập.

Cụ thể, theo phản ánh từ Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, không ít sản phẩm trên thị trường hiện nay có nhãn năng lượng giả, nhãn sai thông tin. Trong khi đó, hệ thống các cơ sở thử nghiệm còn thiếu đồng bộ, chưa được kiểm định nhất quán, nhiều địa phương chưa có cơ quan giám sát chuyên trách.

Đại biểu đề nghị cần có quy định chặt chẽ hơn, bảo đảm các đơn vị thử nghiệm và đánh giá hiệu suất năng lượng phải được công nhận hợp pháp, tránh tạo kẽ hở cho gian lận thương mại. Đặc biệt, với thương mại điện tử đang phát triển mạnh, cần bổ sung chế tài xử lý nghiêm các hành vi bán thiết bị không dán nhãn hoặc sử dụng nhãn giả để đánh lừa người tiêu dùng.

Huy động toàn xã hội tham gia tiết kiệm năng lượng

Về nguồn lực để thực hiện hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, ĐBQH Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) đề nghị bổ sung các nguồn viện trợ nước ngoài và các nguồn hợp pháp khác nhằm bảo đảm huy động mọi nguồn lực cho hoạt động này.

ĐBQH Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) phát biểu tại phiên thảo luận

ĐBQH Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) phát biểu tại phiên thảo luận

Đại biểu Đào Chí Nghĩa cũng đề nghị không nên quy định thành lập Quỹ tài chính quốc gia thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Theo ông, thời gian qua có nhiều quỹ tương tự được thành lập trong các ngành, lĩnh vực, nhưng hiệu quả hoạt động chưa rõ rệt, thậm chí còn phát sinh vướng mắc trong quản lý và sử dụng.

Đại biểu Đào Chí Nghĩa cũng đề nghị không nên quy định thành lập Quỹ tài chính quốc gia thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Theo ông, thời gian qua có nhiều quỹ tương tự được thành lập trong các ngành, lĩnh vực, nhưng hiệu quả hoạt động chưa rõ rệt, thậm chí còn phát sinh vướng mắc trong quản lý và sử dụng.

“Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả là vấn đề toàn dân, toàn diện. Do đó, cần phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội trong thực hiện, thay vì trông chờ vào các quỹ hay phụ thuộc vào nguồn lực nhà nước”, đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định về cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực cho chuyển đổi công nghệ, phát triển công nghiệp xanh, bền vững và sử dụng năng lượng hiệu quả.

Bởi, trong bối cảnh Việt Nam còn thiếu hụt nguồn năng lượng, việc thúc đẩy thay đổi mô hình sản xuất, kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo… là xu hướng tất yếu. Luật cần làm rõ hơn các định hướng này để góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu tiết kiệm năng lượng được nêu trong Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Hà Lan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tranh-tao-ke-ho-gian-lan-trong-dan-nhan-nang-luong-10371986.html
Zalo