Đại biểu Vương Thị Hương, Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang góp ý vào 2 dự án luật
BHG - Chiều 10.5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại tổ về một số dự án luật. Tại tổ 6, đại biểu Vương Thị Hương, Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang góp nhiều ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp.

Đại biểu Vương Thị Hương đóng góp các ý kiến vào 2 dự án luật. Ảnh: CTV
Góp ý vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo quy định cụ thể như thế nào là “mức sử dụng năng lượng tự dùng” trong các cơ sở sản xuất, vận chuyển và phân phối năng lượng?
Đề nghị bổ sung vào dự thảo luật quy định cụ thể để phân biệt giữa hệ thống đo đếm phục vụ trực tiếp cho mục đích giao dịch thương mại, mua bán, thanh toán giữa các bên và hệ thống đo đếm nội bộ (hệ thống đo đếm được lắp đặt, vận hành và duy trì nhằm mục đích giám sát kỹ thuật, quản lý vận hành nội bộ).
Trong quy định Biện pháp quản lý sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với phương tiện, thiết bị, theo đại biểu, từ thực tiễn cho thấy, một số loại vật liệu xây dựng do đặc tính vật lý, quy cách đóng gói hoặc bản chất sản phẩm không phù hợp hoặc không thể thực hiện việc dán nhãn trực tiếp. Việc áp dụng quy định một cách bao quát như dự thảo có thể gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện cho doanh nghiệp, đồng thời phát sinh chi phí không cần thiết. Đại biểu đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định theo hướng xác định cụ thể phạm vi các loại vật liệu xây dựng thuộc đối tượng bắt buộc phải dán nhãn năng lượng.
Đại biểu cũng đề nghị trong quy định Dán nhãn năng lượng, bổ sung quy định cụ thể vào dự thảo luật theo hướng cơ quan nhà nước có thẩm quyền chịu trách nhiệm thực hiện việc kiểm tra, xác thực thông tin và tổ chức công bố kết quả dán nhãn năng lượng đối với sản phẩm, hàng hóa; đảm bảo tính chính xác, khách quan và minh bạch thông tin cung cấp đến người tiêu dùng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Đồng thời bổ sung quy định về trách nhiệm của Bộ chuyên ngành trong việc công bố công khai và cập nhật thường xuyên danh mục các sản phẩm, hàng hóa đã được xác nhận, cấp chứng nhận dán nhãn năng lượng trên Cổng thông tin điện tử chính thức của Bộ; để góp phần tạo cơ sở dữ liệu tập trung, chính thống, giúp người tiêu dùng và các bên liên quan dễ dàng tra cứu, đối chiếu, xác minh tính chính xác của thông tin về nhãn sản phẩm do nhà sản xuất, nhà nhập khẩu tự công bố.
Đại biểu Vương Thị Hương nhất trí thành lập Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đồng thời đề nghị bổ sung quy định về chức năng, nhiệm vụ của quỹ vào dự thảo luật.
Đại biểu cũng đề nghị bổ sung vào dự thảo luật quy định cụ thể về các chính sách ưu đãi, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư nâng cấp, cải tạo dây chuyền sản xuất, mở rộng quy mô sản xuất bằng công nghệ tiết kiệm năng lượng. Và đề nghị quy định về các chính sách ưu đãi cần được công khai cụ thể trên Cổng thông tin Quốc gia và các nền tảng chính thức. Bên cạnh đó, nghiên cứu bổ sung quy định vào dự thảo luật theo hướng Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan để thiết lập cơ chế công khai, minh bạch, dễ tiếp cận, giúp doanh nghiệp dễ dàng biết thông tin, đăng ký và hưởng ưu đãi từ các chính sách hỗ trợ liên quan đến vấn đề này.
Đại biểu đề nghị bổ sung quy định về thời gian chuyển tiếp, tạo điều kiện cho các cơ quan, doanh nghiệp và người dân có đủ thời gian thích ứng, điều chỉnh theo quy định khi luật có hiệu lực thi hành.
Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, đại biểu đánh giá cao Chính phủ có nhiều nỗ lực cải cách trong thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp khá rõ nét với mức độ chuyển đổi số cao. Thủ tục hành chính được đơn giản hóa, khá thuận tiện và ít rào cản. Bên cạnh đó, phương thức đăng ký thành lập doanh nghiệp cũng rất dễ dàng, thuận tiện, đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho các tập thể, cá nhân thành lập doanh nghiệp. Qua đó, số doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2024 là 157.240 doanh nghiệp (số liệu được công bố trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp).
Tuy nhiên, đây cũng là nguy cơ tạo ra kẽ hở để một số cá nhân, tổ chức lợi dụng để thành lập các doanh nghiệp “ma” nhằm thực hiện các hành vi bất chính, giả mạo trong kê khai (giả mạo người khác để đăng ký thành lập doanh nghiệp). Đại biểu đồng tính với quy định "Cấm hành vi kê khai giả mạo" tại dự thảo luật để ngăn chặn việc giả mạo hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Để có quy định chặt chẽ hơn trong công tác quản lý nhà nước về thành lập doanh nghiệp, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm quy định về trách nhiệm của cá nhân khi thực hiện các thủ tục về đăng ký doanh nghiệp (tại chương II Luật Doanh nghiệp quy định về thành lập doanh nghiệp) với những quy định cụ thể hoặc thêm các loại giấy tờ để xác định đúng thông tin đăng ký là người thực hiện đăng ký doanh nghiệp, nhằm hạn chế tình trạng cá nhân thành lập doanh nghiệp giả mạo, bởi việc đăng ký doanh nghiệp thực hiện theo hình thức trực tuyến, thủ tục dễ dàng, thuận tiện.
Bên cạnh đó, theo đại biểu, Luật Doanh nghiệp hiện hành chưa quy định chặt chẽ về thời gian góp vốn sau khi thành lập doanh nghiệp, dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp đăng ký vốn ảo, thiếu khả năng chi trả; do đó, kiến nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định bắt buộc doanh nghiệp phải hoàn tất việc góp vốn trong thời gian nhất định kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp không góp đủ vốn đúng thời hạn, dự thảo luật cần quy định rõ các biện pháp xử lý cụ thể để đảm bảo tính nghiêm minh trong hoạt động kinh doanh, ví dự như đình chỉ, tạm ngừng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp…