Tranh cãi miễn trách nhiệm dân sự, hình sự cho nhà khoa học

Đề xuất miễn trách nhiệm dân sự, hình sự cho nhà khoa học trong hoạt động nghiên cứu đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau từ các đại biểu Quốc hội…

Ngày 17-2, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường dự thảo Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Ủng hộ miễn trừ trách nhiệm cho nhà khoa học

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận là chính sách miễn trừ trách nhiệm nếu kết quả nghiên cứu khoa học không khả thi (tại điều 6, dự thảo Nghị quyết) vì hoạt động nghiên cứu là có bản chất rủi ro, một loại đầu tư mạo hiểm.

Về nội dung này, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nói: “Chúng ta biết trong nghiên cứu thì chưa thể biết có kết quả hay không, giống như người khai thác dầu khí có khi 10 mũi khoan mới được 1 mũi có dầu. Do vậy, tôi cho rằng đây là lối thoát, lối mở để các nhà khoa học yên tâm nghiên cứu”.

Theo đó, ông đồng tình với quy định không truy cứu trách nhiệm và được miễn trừ rủi ro nếu kết quả nghiên cứu không đạt khi đã thực hiện đúng quy trình, quy định. Đồng thời, đề nghị thêm, cơ sở nghiên cứu, nhà khoa học khi thực hiện đúng quy trình nghiên cứu đề tài đã đăng ký mà không đạt được hiệu quả thì không phải trả lại kinh phí.

 Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai).

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai).

Cùng mối quan tâm, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho hay hiện điều 6 (dự thảo Nghị định) mới thiết kế một phần đó là miễn trách nhiệm khi xảy ra thiệt hại với nhà nước.

“Chúng tôi đề xuất cần phải miễn trách nhiệm dân sự đối với cả tổ chức, cá nhân khi làm thiệt hại cho cả nhà nước và tổ chức, cá nhân khác. Ví dụ như trong hợp đồng thương mại chúng ta gây thiệt hại thì cũng cần phải miễn trách nhiệm sau đó chúng ta sẽ có cơ chế để ta bù lại”, ông An nói.

Đặc biệt, đại biểu An đề nghị cần phải có cơ chế miễn trách nhiệm hình sự đối với cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học. “Chúng ta đáp ứng những tiêu chí về tính khách quan, về quy trình, thủ tục song nếu xảy ra chúng ta mới cần miễn, còn không người làm khoa học hết sức rủi ro, vì cùng với dân sự sẽ là trách nhiệm hình sự”, ông nhấn mạnh.

Cân nhắc miễn trừ trách nhiệm cho nhà khoa học

Về chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) bày tỏ sự đồng tình với quy định trong dự thảo Nghị định và đề nghị cần phải ghi rõ “ đã thực hiện đầy đủ quy trình, quy định nghiên cứu khoa học nhưng vẫn để xảy ra rủi ro”.

Tuy nhiên ông đề nghị cần làm rõ “quy trình, quy định này là quy trình quy định theo quy định của pháp luật hay quy trình, quy định theo hợp đồng ký kết giữa tổ chức và cá nhân chuyển đổi khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cũng như những nhà nghiên cứu đề tài khoa học mà không đạt được hiệu quả”.

 Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp).

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp).

Đại biểu Hòa cũng đề nghị đối với những trường hợp xảy ra rủi ro nhiều lần thì cơ quan chủ quản phải xem xét lại đề tài đó, đặc biệt xem xét, đánh giá tác giả của đề tài đó có nên đề nghị thực hiện nhiều lần hay không.

“Thí dụ, bây giờ đã sai sót, không hiệu quả nhiều lần mà cứ tác giả A, B, C đó được nghiên cứu đề tài nhiều. Đây là một điểm tôi thấy cần cân nhắc”, ông nói.

Còn đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) thì đề nghị không đưa nội dung miễn trách nhiệm dân sự, hình sự đối với nhà khoa học trong hoạt động nghiên cứu vào dự thảo Nghị định.

 Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình).

Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình).

“Bởi vì, đây là việc đối nhân, ông nào vi phạm thì phải chịu trước trách nhiệm pháp luật chứ bây giờ riêng ông này được ưu tiên, còn người khác thì không được ưu tiên. Bao nhiêu người cống hiến khác không phải là khoa học, công nghệ cũng thế”, đại biểu Thân nhấn mạnh.

Trước ý kiến này, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) tranh luận lại. Ông cho hay cơ chế miễn trách nhiệm dân sự và hình sự đã có trong quy định pháp luật. Bởi vì, làm khoa học, công nghệ rủi ro rất cao, có thể phụ thuộc vào đánh giá của người khác dẫn đến trách nhiệm rất lớn, thành công hay không thành công cũng là vấn đề rủi ro.

“Luật Khoa học công nghệ chúng ta đã ghi miễn trách nhiệm dân sự và hiện nay Bộ luật Hình sự ghi có phần quy định miễn nhiệm hình sự giao cho tòa án hướng dẫn. Tôi đề xuất chúng ta vẫn phải giữ cơ chế này để khuyến khích các nhà khoa học và tạo nên một sự an toàn cho nhà khoa học làm”, ông An lập luận.

Theo ông An, tất nhiên hiệu quả đánh giá rủi ro này như thế nào phải có sự phân tích và phải gắn với kết quả đầu ra của sản phẩm chứ không phải nghiên cứu nào mà không thành công chúng ta cũng miễn, phải gắn với một quá trình.

“Nhưng chúng ta cần phải có cơ chế, phải giữ được miễn trách nhiệm, kể cả dân sự và thậm chí cả hình sự nữa để tạo cơ chế cho chúng ta thúc đẩy khoa học, công nghệ”, đại biểu này nhấn mạnh.

Giải trình, làm rõ hơn ý kiến các đại biểu nêu, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông cho hay các ý kiến về quản lý tài chính, quyền tự chủ, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học… là những nội dung có nhiều vướng mắc kéo dài.

Ông cho hay nguyên nhân của những vấn đề này là Nhà nước muốn tránh rủi ro nên đề ra nhiều thủ tục phức tạp, dồn rất nhiều trách nhiệm lên các tổ chức nghiên cứu và kết quả là các cơ sở nghiên cứu không dám nhận những nghiên cứu lớn, có rủi ro cao như các nghiên cứu cơ bản.

“Nhưng nghiên cứu là có bản chất rủi ro, là một loại đầu tư có rủi ro cao. Nghị quyết lần này thí điểm cơ chế khoán chi đối với hầu hết các nghiên cứu mà không phải cam kết quả cuối cùng. Nhà nước sẽ quản lý thông qua đánh giá các giai đoạn nghiên cứu để tiếp tục cấp kinh phí, đánh giá các cơ sở nghiên cứu có kết quả để giao thực hiện tiếp các đề tài”, ông Hùng nhấn mạnh.

Ông Hùng cho hay Nghị quyết cho phép Nhà nước cấp tiền cho nghiên cứu thông qua cơ chế quỹ. Nghị quyết cũng quy định về việc miễn trách nhiệm dân sự và không phải hoàn trả lại kinh phí nếu nghiên cứu không đi đến kết quả như dự kiến.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/tranh-cai-mien-trach-nhiem-dan-su-hinh-su-cho-nha-khoa-hoc-post834681.html
Zalo