Đảm bảo ôn thi tốt nghiệp THPT cho học sinh
Một trong những điểm mới của Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT (có hiệu lực từ ngày 14/2) là quy định việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh. Thực hiện quy định này, các trường trung học phổ thông (THPT) ở TP. Huế vẫn tổ chức ôn tập thi tốt nghiệp cho học sinh, nhưng chỉ tập trung vào nhóm học sinh có học lực chưa tốt.

Trong công tác ôn thi tốt nghiệp THPT, các trường tập trung dạy tăng cường cho học sinh có học lực chưa tốt (Ảnh minh họa)
Lâu nay, các trường có trách nhiệm dạy phụ đạo cho học sinh có kết quả chưa đạt và bồi dưỡng học sinh giỏi. Với 2 nhóm học sinh này, hằng năm, các trường được cấp kinh phí để thực hiện. Tuy nhiên, với việc tổ chức ôn tập cho học sinh thi tốt nghiệp THPT, nguồn kinh phí hằng năm chưa bố trí.
Những năm trước, các trường THPT tổ chức ôn tập thi tốt nghiệp cho tất cả các học sinh, phân loại theo học lực của các em và thu phí từ cha mẹ học sinh. Mức thu không quá 6.000 đồng/tiết theo Nghị quyết 05. Sau khi Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 29, nhiều trường học phải điều chỉnh kế hoạch ôn tập thi tốt nghiệp THPT so với kế hoạch xây dựng từ đầu năm học. Theo đó, các trường vẫn tổ chức ôn tập nhưng chỉ tập trung vào nhóm học sinh có điểm học tập chưa tốt.
Điều này khiến nhiều học sinh lớp 12 lo lắng trong việc ôn tập kiến thức chuẩn bị cho các kỳ thi. Nguyễn Minh Đạt, học sinh lớp 12, Trường THPT Hương Vinh chia sẻ: “Thực hiện quy định mới của Bộ GD&ĐT, em được biết là nhà trường chỉ dạy ôn tập tăng cường những môn tự chọn cho những bạn có sức học yếu, trung bình. Những học sinh có học lực tốt, giỏi sẽ tự học theo phương pháp của mình. Điều này khiến em khá lo vì thầy cô dạy thêm sẽ đưa em đi đúng hướng và nhanh hơn. Tự học sẽ tốn nhiều thời gian, nhất là khi em vừa đi học vừa đi làm”.
Thầy giáo Nguyễn Ngọc Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT Hương Vinh cho hay, trước đây, việc ôn thi tốt nghiệp THPT có 2 đối tượng. Với học sinh còn yếu, điểm thấp qua các lần sàng lọc, nhà trường chủ động thành lập các lớp phụ đạo, tổ chức cho học sinh học và không thu phí vì đây là trách nhiệm của nhà trường. Với những học sinh khác ôn thi tốt nghiệp THPT trên cơ sở thỏa thuận của phụ huynh học sinh, nhà trường thu phí theo Nghị quyết 05 để chi trả cho giáo viên. Bây giờ, theo Thông tư 29, nhà trường không thu bất cứ chi phí nào, kinh phí chi trả cho giáo viên được sử dụng từ nguồn chi thường xuyên của nhà trường.
“Năm nay, căn cứ vào kết quả kiểm tra giữa học kỳ và cuối học kỳ I, nhà trường tổ chức ôn tập cho những học sinh có điểm tương đối thấp với thời lượng mỗi môn dạy thêm 2 tiết/tuần. Nhà trường cố gắng cân đối giờ dạy của giáo viên hài hòa, vận dụng linh hoạt trong quy chế chi tiêu nội bộ, trên cơ sở nguồn kinh phí thường xuyên được cấp để bồi dưỡng cho giáo viên. Với những học sinh khá, giỏi, trường chưa có kế hoạch dạy ôn tập vì nếu dạy cho toàn bộ học sinh như những năm trước thì nhà trường gặp khó khăn trong việc trả tiền vượt giờ cho giáo viên”, thầy giáo Nguyễn Ngọc Hiền nói.
Ông Nguyễn Vinh Hưng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, Sở chỉ đạo các trường trên cơ sở nguồn ngân sách chi thường xuyên, vẫn phải tổ chức ôn tập, xây dựng kế hoạch ôn tập phù hợp, tập trung cho học sinh còn yếu. Hiện nay, Sở GD&ĐT đang xây dựng dự thảo, trình UBND thành phố ban hành quy định quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn; trong đó, có tính toán đến việc tham mưu kinh phí hỗ trợ cho các trường tổ chức ôn thi cuối cấp. Các trường chú trọng những giải pháp nâng cao chất lượng giờ dạy chính khóa, tổ chức thi thử, xây dựng mô hình hỗ trợ học sinh ôn thi đảm bảo chất lượng.