Giáo viên mong muốn dự thảo Luật Nhà giáo tôn vinh Nhà giáo một cách trọn vẹn
Dự án Luật Nhà giáo dự kiến khi ban hành sẽ khẳng định và giữ vững vị thế, nâng cao vị trí của Nhà giáo. Dự thảo đang nhận được nhiều kiến nghị, đề xuất, trong đó có đề xuất bổ sung những quy định bảo vệ Nhà giáo trong bối cảnh 'bạo lực học đường ngược' như hiện nay.

Các nhà giáo cần bảo vệ bằng luật. Ảnh minh họa: Trần Văn Tâm
Là giáo viên đang giảng dạy trong nhà trường công lập, tôi xin nêu vài ý kiến như sau:
Có người cho rằng nghề giáo đang dần trở thành "nghề nguy hiểm"
Thứ nhất, Nhà giáo đang bị bạo lực tinh thần từ phía phụ huynh. Theo "Nghiên cứu đời sống giáo viên tại tỉnh Bình Thuận, Tây Ninh và Hậu Giang" do Viện Phát triển Chính sách Đại học Quốc gia TP.HCM (IDP-VNU) thực hiện từ tháng 9 đến tháng 10 năm 2024, kết quả đáng lo: "Hiện nay giáo viên đang bị áp lực lớn nhất từ phụ huynh học sinh. Có đến 70,21% giáo viên cho rằng họ đang bị áp lực hoặc rất áp lực từ phụ huynh học sinh. Đồng thời 40,63% giáo viên cho biết họ từng có ý định chuyển nghề do bạo lực tinh thần từ phụ huynh".
Thứ hai, một thực trạng khác đang báo động, đó là vấn nạn giáo viên bị bạo lực thân thể ngay cả trong nhà trường trước sự chứng kiến của đồng nghiệp, học sinh; thậm chí ngay cả ở nhà riêng của họ. Điều đó cho thấy người thầy đang bị hạ thấp, giá trị đạo đức và giáo dục đang bị lung lay.
Chỉ cần tìm kiếm trên Google với chủ đề giáo viên bị người thân của đồng nghiệp đánh trong nhà trường thì có tới 105 tỷ kết quả hiển thị, trong thời gian tìm kiếm chỉ 0,34 giây.
Chẳng hạn, trong tháng 12/2024, cô giáo tại Trường tiểu học Vĩnh Phước 1 (Khánh Hòa) đang dạy học thì bị người nhà của một đồng nghiệp cùng trường xông vào lớp túm cổ áo, lôi kéo ra bên ngoài bạo hành trước sự chứng kiến của nhiều đồng nghiệp và học sinh.
Cũng trong tháng 12/2024, cô giáo Trường tiểu học Hiếu Phụng A (Vĩnh Long) đã đưa người nhà vào trường đánh bốn giáo viên khác ngay tại cuộc họp, có giáo viên bị đánh đến chảy máu mũi.
Hay trong tháng 4/2024, tại điểm Cây Sao thuộc Trường TH-THCS Tân Bình (Long An), cô giáo bị phụ huynh kéo đến trường hành hung trước sự chứng kiến của nhiều giáo viên và Ban giám hiệu nhà trường.
Chưa dừng lại ở đó, nạn bạo lực học đường ngược còn lan đến tận nhà của giáo viên gây ra tâm lý hoảng loạn, nguy hiểm đến tính mạng nhà giáo.
Chẳng hạn, trong tháng 10/2024, cô giáo dạy tại Trường THCS Trần Quốc Tuấn (Gia Lai) bị phụ huynh và nhóm thanh niên kéo đến tận nhà riêng nhục mạ, dùng tay bóp vào mặt và đánh cô giáo và kết quả cô nằm liệt giường.
Hoặc trong năm 2023, thầy Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hàm Tân (Bình Thuận) bị người thân của học sinh lớp 11 kéo đến nhà riêng đánh đến gãy sống mũi, vì yêu cầu học sinh viết bản tường trình về việc em này chia sẻ một số thông tin trên mạng gây ảnh hưởng không tốt đến người khác. Kết quả giám định thương tật 13-16%.
Cũng trong năm 2023, một giáo viên dạy tại Trường THPT Lê Duẩn (Đắk Nông) bị phụ huynh xông vào nhà đánh đến chảy máu mũi. Nguyên nhân dẫn đến vụ việc là do học sinh đã xúc phạm, lăng mạ cô giáo nên Hội đồng kỷ luật họp, thống nhất xếp hạnh kiểm em này loại trung bình.
Điểm qua một số trong nhiều vụ việc bạo lực học đường ngược trên khắp đất nước khiến cho nhiều người bất bình, phẫn nộ. Đặc biệt, những vụ việc đó lại xảy ra trên một đất nước ngàn năm văn hiến, coi trọng tinh thần "tôn sư trọng đạo" và coi con đường học vấn như một đạo lý sống.
Dự án Luật Nhà giáo cần bổ sung quy định bảo vệ Nhà giáo
Thực trạng bạo lực học đường ngược đang ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường giáo dục và sự an toàn của các thầy cô giáo. Nguyên nhân có thể xuất phát từ nhiều phía, từ những mâu thuẫn trong quá trình giảng dạy, từ sự thiếu hiểu biết và ý thức của một số phụ huynh, học sinh, hoặc cũng có thể do những áp lực từ công việc và cuộc sống.
Tuy nhiên, dù xuất phát từ nguyên nhân nào, thì những hành vi bạo lực này đều cần phải lên án mạnh mẽ. Nó không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần của giáo viên, mà còn tạo ra một môi trường học đường tiêu cực, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục và sự phát triển của học sinh. Việc bổ sung quy định bảo vệ Nhà giáo trong Luật Nhà giáo sẽ tạo ra một hành lang pháp lý vững chắc để bảo vệ giáo viên khỏi những hành vi bạo lực là vô cùng cần thiết và cấp bách.
Tuy trong dự thảo Luật Nhà giáo, tại Điều 45 có quy định: "Xử lý vi phạm đối với các hành vi xâm phạm uy tín, danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của nhà giáo.
1. Người nào có hành vi xâm phạm uy tín, danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của nhà giáo thì tùy theo đối tượng, tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
2. Nếu các hành vi xâm phạm uy tín, danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của nhà giáo diễn ra trong phạm vi cơ sở giáo dục và trong khi nhà giáo thực hiện hoạt động nghề nghiệp thì được xem là tình tiết tăng nặng trong xử lý vi phạm."
Trước thực trạng bạo lực học đường ngược ngày càng phức tạp, dự án Luật Nhà giáo cần bổ sung thêm những quy định như:
Thứ nhất, cần quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trường học trong việc đảm bảo an toàn cho Nhà giáo và xử lý các hành vi bạo lực. Nhà trường cần có các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi xâm phạm đến thân thể, danh dự, nhân phẩm nhà giáo. Một trường học không thể để người lạ kéo vào trường bạo hành giáo viên trước mặt ban giám hiệu, đồng nghiệp và học sinh. Điều đó cho thấy an ninh còn lỏng lẻo trong nhà trường. Liệu học sinh có còn được an toàn trong trường học để học tập?
Thứ hai, cần bổ sung quy định về hỗ trợ nhà giáo khi bị bạo hành, kể cả bạo hành tinh thần và thân thể. Nhà giáo khi bị xâm phạm cần được hỗ trợ về mặt pháp lý, tâm lý và tài chính. Hoặc cần có các tổ chức, đơn vị chuyên trách để hỗ trợ nhà giáo khi gặp phải các vấn đề liên quan đến sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; bên cạnh các cơ quan chức năng như công an, viện kiểm sát, tòa án có trách nhiệm điều tra, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật đối với nhà giáo.
Thứ ba, cần có quy định về khen thưởng các trường học và cá nhân có thành tích trong công tác phòng chống bạo lực đối với nhà giáo. Bên cạnh đó, cũng cần có quy định về kỷ luật đối với các trường học và cá nhân không thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong công tác phòng chống bạo lực đối với nhà giáo. Cần đưa nội dung bảo đảm an toàn cho nhà giáo vào tiêu chí đánh giá thi đua nhà trường.
Luật Nhà giáo là một văn bản pháp luật tôn vinh nhà giáo nên cần có những quy định bảo vệ danh dự, nhân phẩm và tính mạng cho họ một cách trọn vẹn nhất; bởi Nhà giáo đóng vai trò rất quan trọng trong việc truyền đạt kiến thức, giáo dục đạo đức và định hướng tương lai cho thế hệ trẻ. Như Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Bình Định) thẳng thắn bày tỏ trên nghị trường: "Luật này quy định Nhà giáo được xã hội bảo vệ, kính trọng, tôn vinh, tuy nhiên, tôi nghĩ cái mà thầy cô đang mong muốn hơn là luôn được người học, phụ huynh kính trọng".
Dự kiến đến tháng 4/2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Nhà giáo trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9. Trong thời gian hoàn thiện, mong Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục bổ sung những nội dung đóng góp của các chuyên gia, nhà giáo và cộng đồng xã hội để khi ban hành, Luật Nhà giáo thật sự có ý nghĩa tôn vinh nhà giáo.