Bỏ tuyển sinh sớm: Công bằng và áp lực hơn cho thí sinh
Theo các chuyên gia, việc bỏ tuyển sinh sớm sẽ giúp tuyển sinh quy củ hơn, xét tuyển công bằng hơn nhưng kèm theo đó là áp lực thi cử lại gia tăng lên các thí sinh.
Nhiều thay đổi trong quy chế tuyển sinh
Mới đây, bà Nguyễn Thu Thủy (Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến bỏ phương thức xét tuyển sớm, chỉ giữ lại hình thức xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ. Đồng thời, nếu sử dụng kết quả học tập trung học phổ thông (học bạ) để xét tuyển, các trường buộc phải dùng kết quả của cả năm lớp 12. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo sẽ cần quy đổi tương đương điểm trúng tuyển giữa các phương thức xét tuyển và tổ hợp xét tuyển.
Thực tế, trong những năm qua các trường đại học đã áp dụng nhiều phương thức tuyển sinh sớm như tuyển thẳng, xét học bạ THPT, xét điểm thi đánh giá năng lực - tư duy, xét tuyển kết hợp kết quả học tập THPT với chứng chỉ quốc tế IELTS, xét kết quả kỳ thi SAT quốc tế... Việc thay đổi không cho xét tuyển sớm chắc chắn gây xáo trộn công tác tuyển sinh của các nhà trường.

Áp lực kỳ thi tốt nghiệp THPT dự đoán sẽ tăng khi bỏ xét tuyển sớm.
Tuy nhiên, với tình trạng “trăm hoa đua nở”, xuất hiện nhiều hình thức tuyển sinh sớm đã nảy sinh nhiều vấn đề. Anh Nguyễn Trọng Long ở quận Hà Đông cho rằng, xét tuyển sớm thường dựa trên học bạ hoặc các phương thức ưu tiên, điều này có thể tạo ra sự bất bình đẳng giữa các thí sinh đến từ những môi trường học tập khác nhau. Việc loại bỏ xét tuyển sớm giúp tất cả thí sinh có cơ hội cạnh tranh công bằng hơn. Khi có xét tuyển sớm, nhiều thí sinh đăng ký vào nhiều trường để “giữ chỗ”, nhưng sau đó lại không nhập học, gây khó khăn cho công tác tuyển sinh. Loại bỏ xét tuyển sớm sẽ giảm tình trạng thí sinh đăng ký ảo.
Cũng liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT cho rằng, chắc chắn việc bỏ xét tuyển sớm sẽ ảnh hưởng đến vấn đề tự chủ tuyển sinh của các nhà trường. Nhưng đây là quy định chung nên bình đẳng giữa các trường. Tuy nhiên, đến thời điểm này những quy định như thế nào là tuyển sinh sớm vẫn cần thiết phải làm rõ để các trường thực hiện. Thực tế, các năm qua, việc học sinh trúng tuyển đại học cũng phải sau khi có kết quả tốt nghiệp THPT. Các phương thức tuyển sinh sớm là cách thức các nhà trường sơ tuyển thí sinh.
“Hiện nay, các em đi du học cũng phải làm hồ sơ từ sớm, không phải đợi sau khi có kết quả thi tốt nghiệp. Do đó, cấm xét tuyển sớm cũng cần có những quy định rõ ràng, tránh mỗi trường hiểu mỗi cách. Việc tiếp cận, hay thu hút thí sinh dự tuyển hiện đang được các trường đại học thực hiện. Nhiều trường tổ chức các kỳ thi riêng, nhiều trường nhận hồ sơ của học sinh. Vậy, đó có được xem là tuyển sinh sớm không” - ông Lê Trường Tùng băn khoăn.
Đảm bảo công bằng tuyển sinh
Bên cạnh bỏ xét tuyển sớm, việc quy đổi điểm chuẩn giữa các phương thức tuyển sinh cũng là chủ đề quan tâm hiện nay. Hiện nay, mỗi phương thức tuyển sinh (xét tuyển học bạ, xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển dựa trên kỳ thi riêng, xét tuyển kết hợp,...) có tiêu chí và mức độ khó khác nhau. Việc quy đổi điểm giúp các phương thức này có cùng một thang đo để đảm bảo không có sự chênh lệch quá lớn giữa các thí sinh khi xét tuyển vào cùng một ngành.
Theo các chuyên gia, việc quy đổi giúp đảm bảo thí sinh trúng tuyển qua các phương thức khác nhau có chất lượng đầu vào tương đương, giúp các trường điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh phù hợp với từng phương thức. Điều này giúp tránh tình trạng thí sinh từ một phương thức xét tuyển nào đó chiếm quá nhiều chỉ tiêu, làm mất cân đối trong đào tạo. Ngoài ra, việc quy đổi điểm chuẩn sẽ đảm bảo sự minh bạch, tránh tình trạng điểm xét tuyển bị thổi phồng ở một số phương thức.

Bên cạnh những điểm tích cực, có thể thấy, việc bỏ xét tuyển sớm, quy đổi điểm thi giữa các phương thức tuyển sinh sẽ tăng áp lực thi cử lên Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025. Giờ đây, không có thí sinh nào chắc chắn mình đậu đại học trước khi thi tốt nghiệp THPT vì thế áp lực thi cử đối với các em cũng tăng mạnh. Nếu phương thức tuyển sinh dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT chiếm ưu thế thì dự kiến điểm chuẩn sẽ tăng cao.