Trang trại nuôi lợn vi phạm: Cần xử lý nghiêm

Thời gian qua, nhiều người dân ở xóm Nhe, xã Thành Công (TP. Phổ Yên), phản ánh 2 trang trại của gia đình ông Nguyễn Hữu Hòa và Nguyễn Hứa Dương có nhiều vi phạm khi xây dựng trên đất rừng sản xuất, đất nông nghiệp; hệ thống xử lý chất thải gây ô nhiễm nguồn nước. Mặc dù chính quyền địa phương đã kiểm tra, nhưng đến nay sự việc vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Trang trại nuôi lợn của ông Nguyễn Hữu Hòa và ông Nguyễn Hứa Dương có nhiều diện tích xây dựng trên đất rừng sản xuất, đất nông nghiệp.

Trang trại nuôi lợn của ông Nguyễn Hữu Hòa và ông Nguyễn Hứa Dương có nhiều diện tích xây dựng trên đất rừng sản xuất, đất nông nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Bình, nhà ở xóm Nhe, cho biết: Hoạt động chăn nuôi của gia đình ông Nguyễn Hứa Dương và ông Nguyễn Hữu Hòa đã diễn ra từ những năm 2000 nhưng khoảng vài chục con/lứa nên không ảnh hưởng nhiều đến môi trường. Từ năm 2020 trở lại đây, cả 2 trang trại mở rộng quy mô lên hàng trăm con lợn, gây ô nhiễm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Khi 2 trang trại nuôi nhiều, dòng nước chảy từ khu vực trang trại qua con mương trước cửa nhà tôi đen kịt, bốc mùi. Cả cánh đồng xóm Nhe, rộng hơn 2ha, sử dụng nguồn nước này lúa đều bị lốp, đổ, giảm năng suất. Thời gian gần đây, do dịch bệnh, 2 trang trại chăn ít hơn nên tình trạng ô nhiễm giảm đi.

Ông Vũ Văn Thái, nguyên trưởng xóm Nhe, xã Thành Công (TP.Phổ Yên), cho biết: 2 trang trại không chỉ gây ô nhiễm mà còn xây dựng trên phần đất rừng sản xuất, đất nông nghiệp. Thời điểm 2 trang trại tiến hành nâng cấp, mở rộng quy mô, xóm đã nắm được và có báo cáo với chính quyền địa phương. Tuy nhiên, đến nay vấn đề này vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết UBND xã Thành Công đã có báo cáo về việc rà soát hoạt động xây dựng 2 trang trại của gia đình ông Nguyễn Hứa Dương và Nguyễn Hữu Hòa tại khu vực xóm Nhe. Theo đó, tại khu vực này, gia đình ông Nguyễn Hứa Dương có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại thửa số 7, tờ bản đồ số 3, diện tích 1630m2 đất ở nông thôn và 1 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gồm 6 thửa đất rừng, với tổng diện tích 82.500m2.

Gia đình ông Dương đang có khu chuồng trại số 1 rộng 2000m2 xây dựng trên thửa số 7, số 8 và thửa số 13 (trong đó có, 215m2 đất ở, 550m2 đất cây lâu năm và 1.235m3 rừng sản xuất). Khu chuồng trại số 2 có diện tích 950m2 xây dựng trên thửa số 7, đất ở nông thôn; khu chuồng trại số 3 diện tích 1.650m2 xây trên thửa số 13 là đất rừng sản xuất.

Cùng với đó, nhiều công trình khác, như: Nhà ở công nhân 300m2, nhà sàn 100m2, nhà kho 120m2 đều xây dựng trên đất rừng sản xuất.

Còn đối với trang trại của gia đình ông Nguyễn Hữu Hòa, qua kiểm tra, có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thửa số 13, tờ bản đồ số 2, diện tích 1.400m2 đất ở nông thôn và 2.200m2 đất trồng cây lâu năm. Nhà ông Hòa có 3 dãy chuồng trại, với tổng diện tích là 4.300m2 (quy mô chăn nuôi khoảng 3.000 lợn thịt) xây dựng trên các thửa đất số 57 (đất trồng cây lâu năm) có diện tích 820m2, thửa đất số 51 (đất rừng sản xuất) có diện tích 3.480m2.

Làm việc với chính quyền địa phương, cả ông Dương và ông Hòa đều cho rằng việc mở rộng trang trại từ năm 2014. Tuy nhiên, theo người dân địa phương, cả 2 trang trại được mở rộng quy mô cách đây khoảng 4-5 năm. Vì vậy, cơ quan chức năng cần giải quyết dứt điểm việc sử dụng đất sai mục đích và mở rộng quy mô của 2 trang trại; làm rõ trách nhiệm trong công tác quản lý sử dụng đất tại địa phương.

Theo Luật Chăn nuôi năm 2018, các tổ chức, cá nhân có nhu cầu chăn nuôi phải vào khu chăn nuôi tập trung được quy hoạch. Các trang trại tồn tại trước thời điểm Luật có hiệu lực thì có thời gian đến hết ngày 31/12/2024 để thực hiện việc di chuyển tới khu chăn nuôi tập trung; chấm dứt hoạt động chăn nuôi tại các khu vực không phù hợp theo quy định.

Dương Hưng

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/tai-nguyen-moi-truong/202502/trang-trai-nuoi-lon-vi-pham-can-xu-ly-nghiem-89a0ea4/
Zalo