Trái tim xanh trong thành phố

Như mọi con sông đều chảy, đời người, dẫu bạn không làm gì, mỗi ngày hay mỗi đời đều tuần tự trôi qua.

 Đập Đá qua dòng Hương. Ảnh: Bảo Châu

Đập Đá qua dòng Hương. Ảnh: Bảo Châu

Như tôi bây giờ, không còn hoài công ngồi đếm bao tháng ngày mình đã sống ở đây, đã thở hơi xanh Cố đô, đã uống ngụm nước ban mai chân thác Đỗ Quyên vào sáng hè mát lạnh, đã cúi mình nhặt chiếc vỏ ốc trầm mình dưới lớp bùn phá Tam Giang, đã đi qua ngày nắng, ngày mưa và ngày buồn, ngày vui thế cuộc… thì ngày và giờ hai bốn tiếng vẫn thầm lặng trốn đuổi sau lưng. Và tôi nhận ra, bao giờ Huế cũng tươi xanh, bao giờ Huế cũng ngây thơ và non xinh như cô gái mười sáu luôn dậy thì khe khẽ lớn.

Nhà tôi ở bên kia Đập Đá, ngày hai buổi đi về mưa nắng trong veo dáng trúc xưa còn trong những câu thơ huyền hoặc bao người tới thương xứ này mà đề lại. Và mặc nhiên, những gì thuộc về dáng Huế, người ta thường mặc định đó là dáng nữ.

Tôi đã nhìn thấy dáng nữ đó trong bóng dáng người con gái ở tuổi tám mươi tư, trong khu vườn vắng thinh không xứ Kim Long kiêu kỳ mỹ nữ. Một buổi sáng nắng tinh khôi gội trên cành sứ trầm mặc, ngồi bên hiên nhà, ngó nắng chạy leng keng theo bước chân thiếu nữ tám-mươi-tư-mùa-hoa mai nở, nghe tiếng cười khanh khách thơ trẻ cùng tiếng chim gù trên mái lẫn vào, tôi chợt nhiên thảng thốt, phải chăng người nữ ở đất Cố đô này, họ quên mất dấu ấn thời gian trong cuộc đời? Hay họ mải chơi quên đếm tuổi, để hồn nhiên thơ trẻ vẫn vui đùa trên đôi mắt thật trong xanh. Và những đôi mắt trong xanh đã giữ hồn thơ của Huế, thật dịu hiền!

Rồi một buổi tối trên sông, trong ánh trăng dịu dàng tỏ bóng, chiếc thuyền trăng chở thơ bềnh bồng giữa vành nước lấp lánh sao rơi, tôi nghe tiếng hò mái chèo mênh mang trải tâm tư xuống từng cung đàn vàng son lộng lẫy. Đó là một đêm nồng nàn trên sông Huế, bắt đầu trải dài từ giọt hoàng hôn trên mũi thuyền loang nhẹ, thấm dần qua từng giọt nước thơm mùi thạch xương bồ tan trên từng xúc giác khiến người thưởng ngoạn như chìm vào mùi hương thơm thảo của người con gái thanh tân, tôi nghe tiếng thơ cất lên, từ chính giọng ấm trầm êm ái của người đọc: “Tấm thân phiêu dạt quê người/ Linh hồn vẫn ở lại nơi quê nhà/ Ngai vàng vừa cũ, vừa xa/ Ánh vàng vương miện cũng là hư không” (*). Những câu thơ mắc nghẹn trong nỗi xốn xang, hoài tưởng khiến người đọc đôi khi như ngừng lại. Không gian con đò bé nhỏ lúc ấy bỗng thênh thang.

Đêm nồng hậu thơ trên sông Huế, tôi đã nhìn thấy giọt nước mắt kín đáo ứa ra từ đôi mắt của một người trải qua bao dâu bể phải nén lại nỗi sâu thẳm tâm tình. Nhưng có phải từ bởi những chuyến đi xa của người bề trên, mà Huế luôn giữ lòng chờ đợi, ủ hương thầm lặng cho một ngày tái ngộ. Như cách các liệt nữ giữ tấm lòng trinh của mình. Để bây giờ, khi vận hội mới, Huế trỗi dậy một vẻ đẹp thơ ngây như thể chưa bao giờ qua những cuộc dâu bể.

Sống ở Huế lâu năm, người xứ xa tới Huế, cũng coi như Huế là đất quê của mình, dẫu chỉ là quê theo, không phải quê dòng. Nhưng ăn chén cơm từ gạo cánh đồng lúa Thanh Lam, uống nước sông Hương bắt nguồn từ thác Đỗ Quyên xuôi xuống, và ai đã từng một đôi lần đi qua Đập Đá, tôi tin rằng, chắc chắn phải xiêu lòng bởi sự quyến rũ dịu hiền của dòng nước Hương giang. Nên mỗi ngày tôi sống qua, tôi gặp gỡ những tấm lòng dành cho Huế thiết tha rất đỗi. Cả một đời họ bôn ba ngược xuôi khắp chốn, thì những năm tháng thảnh thơi đời người, lại dành cho đất này sự tận hiến cuối cùng như một tiếng chim hót trong bụi mận gai.

Nên rất nhiều người rời Huế đi xa tự thuở nao hôm nay đã quay về lại, gầy dựng trên những vết đổ tường rêu sống dậy một lộng lẫy huy hoàng, làm chỗ cho người Huế hôm nay lui tới đòng đưa. Đó là một buổi nắng tưng bừng reo trên từng phiến gốm cổ xưa trong miền tí tách, một con đò cũ nằm mơ trong căn nhà vắng, lòng ngổn ngang những chiếc bình bé nhỏ. Mỗi chiếc bình là một hình hài mang chuyện kể được vớt lên từ đáy sông Hương. Chủ nhân chiếc thuyền thỏ thẻ thưa: Đây là chứng tích của dòng sông, chủ nhân tìm mọi cách rước về đây lưu lại, để ai đi qua cũng có thể bắt gặp một thời Huế đã sống như thế nào, Huế đã giữ trong lòng bao nỗi hàn ôn, để hôm nay được gặp nhau tay bắt mặt mừng nói chuyện rộn ràng vui, thì đừng quên Huế đã một thời xanh sử.

Ngõ chè tàu ẩn hiện nụ tầm xuân xanh biếc dẫn lối tôi vào khoảng trống của ký ức Huế được bày biện bởi những nụ hồng cổ điển nhả hương quý phái, như đi vào miền cổ tích có thật giữa chốn nhân gian. Tôi không hình dung Huế mai sau vắng đi những con ngõ dài dắt vào vườn thơ như này, sẽ là Huế như thế nào và có níu lòng người như bây giờ không nữa? Nên tôi biết ơn vô cùng những người đi xa đã trở về với Huế, làm cho Huế sống lại thời thiếu nữ họ đã trót đánh rơi trong hành trình vạn dặm thuở nao. Nay về lại quê nhà, như đứa trẻ thơ được về với mạ. Vẫn xanh non tơ lụa một tâm hồn.

Đất xứ này trầm sâu mãnh liệt, người nữ xứ này hiền dịu bên ngoài mà quyết liệt bên trong. Phải thế không mà bất cứ người nữ nào dẫu ở vùng miền nào khi neo đậu đời mình dưới chân núi Kim Phụng kiêu kỳ này, cũng sống một đời phóng khoáng như sông Hương thượng nguồn rồi lại êm đềm như lúc về làm vành trăng non qua lòng thành phố. Tôi rất thích cái dập dìu của Huế những ngày nắng vàng mơ râm ran mở hội. Đôi bờ sông Hương có những ngôi biệt thự sang trọng hiền hòa thả mình giữa thảm cỏ xanh, ở đó có tiếng nói cười xôn xao của bao chuyến xe mang theo những tác phẩm nghệ thuật khắp nơi về tụ hội.

Có lẽ, có rất nhiều thành phố trên thế giới này mang vẻ đẹp lãng mạn hoặc phồn hoa. Nhưng tôi vẫn cứ cảm giác rằng, những bức tranh mang sắc màu ẩn chứa thế giới nội tâm mãnh liệt của người họa sĩ, chỉ có trưng bày trên những chiếc giá đứng trên sân đất trời Huế, có mây bay, có gió đưa hương thoảng, có tiếng nước khỏa bờ sông của chiếc thuyền lan nào nhẹ lướt vừa qua. Tất cả trong cái dập dìu tài tử giai nhân một trời nước sắc tỏa hương, thì danh phận gì cũng không còn phân chia ngôi thứ. Chỉ còn cái đẹp trí tuệ, tâm hồn và tình yêu hằng vĩnh đọng lại nơi đây.

Và chỉ cần thế thôi, thành phố dịu dàng mãnh liệt sống cùng trái tim luôn nồng nàn một tình yêu xanh tươi thời mới lớn.

Đông Hà

(*) Bài thơ Tưởng niệm của tác giả Nguyễn Duy,

viết khi được tin về lễ cải táng di hài vua Duy Tân ở Huế

Đông Hà

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/doi-song/trai-tim-xanh-trong-thanh-pho-149931.html
Zalo