'Trải thảm đỏ' thu hút giáo sư, chuyên gia đầu ngành

Nhiều cơ sở giáo dục đại học đang trải thảm đỏ thu hút các giảng viên có trình độ cao (từ tiến sĩ trở lên), các chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế về tham gia giảng dạy, nghiên cứu. Để chính sách này thật sự hiệu quả và thực hiện thuận lợi, ngoài việc điều chỉnh các chính sách từ Nhà nước, các cơ sở giáo dục đại học cần một chiến lược rõ ràng và tập trung vào ngành, lĩnh vực có thế mạnh.

Nhiều đãi ngộ

Đại học Quốc gia (ĐHQG) TPHCM vừa công bố chương trình giáo sư thỉnh giảng, tập trung ưu tiên 12 lĩnh vực. Giáo sư thỉnh giảng là chức danh do giám đốc ĐHQG TPHCM ra quyết định bổ nhiệm, làm việc theo cơ chế bán thời gian, thực hiện công tác giảng dạy và nghiên cứu theo hình thức trực tiếp hoặc từ xa qua mạng.

Theo TS Lê Thị Anh Trâm, Trưởng ban Tổ chức cán bộ ĐHQG TPHCM, chương trình nhằm thu hút, đẩy mạnh hợp tác với các chuyên gia, nhà khoa học xuất sắc trên thế giới, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu tại ĐHQG TPHCM. Chương trình đặt mục tiêu bổ nhiệm 100 giáo sư thỉnh giảng giai đoạn 2025-2030; riêng năm 2025-2026, chương trình mời và bổ nhiệm 50 giáo sư thỉnh giảng.

Người được mời tham gia chương trình là giáo sư, phó giáo sư, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý có thành tích nổi bật, đang công tác tại các trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức quốc tế, tập đoàn công nghệ trên thế giới. Theo tiêu chí bổ nhiệm, các ứng viên phải có thành tích nổi trội trong giảng dạy, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ với sự đóng góp được thể hiện qua các công bố quốc tế, bằng sáng chế và sản phẩm công nghệ.

 Giảng viên nước ngoài giảng dạy tại Trường Đại học Kinh tế Tài chính TPHCM

Giảng viên nước ngoài giảng dạy tại Trường Đại học Kinh tế Tài chính TPHCM

ĐHQG Hà Nội cũng đưa ra chính sách thu hút nhà khoa học xuất sắc. Đối tượng thu hút gồm các nhà khoa học có thành tích nghiên cứu xuất sắc ở trong và ngoài nước (bao gồm cả người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài), mong muốn tham gia nghiên cứu khoa học, đảm nhận vị trí trưởng nhóm nghiên cứu ở các lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH-CN) mà ĐHQG Hà Nội ưu tiên. Nhà khoa học sẽ được đầu tư kinh phí từ 3 tỷ đồng trong 3 năm để thực hiện nhiệm vụ KH-CN.

Nhiều trường đại học khác như ĐH Tài chính Marketing TPHCM, ĐH Kinh tế TPHCM, ĐH Văn Lang, ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Ngân hàng TPHCM... hiện có rất nhiều giảng viên, chuyên gia nước ngoài tham gia giảng dạy. Những trường này đưa ra nhiều chính sách hấp dẫn để thu hút các giảng viên và chuyên gia như lương, thù lao giảng dạy cao, nếu làm giảng viên cơ hữu sẽ nhận mức thưởng hàng trăm triệu đồng, cơ chế hấp dẫn khi thực hiện dự án, đề tài nghiên cứu khoa học.

Tháo gỡ những điểm nghẽn

Hiện nay, giảng viên và chuyên gia nước ngoài làm việc tại các trường đại học Việt Nam cần tuân thủ Nghị định 152/2020/NĐ-CP quy định về người nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam (Nghị định 152) và Nghị định 70/2023/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung Nghị định 152. Theo quy định, các trường hợp xin giấy phép lao động cho giảng viên nước ngoài tại các trường đại học phải nộp hồ sơ tại Cục Việc làm, Bộ LĐTB-XH thay vì các sở LĐTB-XH như trước đây.

Trao đổi tại hội nghị Hội đồng hiệu trưởng các trường đại học trên địa bàn TPHCM mới đây, PGS-TS Võ Thị Ngọc Thúy, Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen chia sẻ, nhu cầu tuyển dụng, sử dụng giảng viên nước ngoài, chuyên gia nước ngoài để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học là rất lớn. Tuy nhiên, những quy định hiện nay phải báo cáo, giải trình thủ tục nhiều lần mới được chấp thuận đối với các vị trí tuyển dụng lao động nước ngoài, cá biệt có trường hợp kéo dài gần 5 tháng. Điều này, khiến các trường tốn rất nhiều thời gian để lo thủ tục, giấy tờ.

Gặp khó khăn tương tự, GS Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Cần Thơ đưa ra dẫn chứng: Trường ĐH Cần Thơ có chuyên gia Nhật Bản, khi qua Việt Nam ông lo hết mọi thứ, thậm chí mang theo cả tiền nghiên cứu. Tuy nhiên, do xin giấy phép làm việc 1 năm cho vị chuyên gia này không được, nên cứ 3 tháng một lần, nhà trường phải đưa ông qua Campuchia vài giờ, đóng dấu xuất cảnh rồi nhập cảnh lại. GS Phương cho rằng các quy định về visa, giấy phép làm việc... phải thực sự thông thoáng mới có thể thu hút đội ngũ chuyên gia đến làm việc.

Theo PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG TPHCM, nhằm khẩn trương triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, ĐHQG TPHCM sẽ triển khai chương trình giáo sư thỉnh giảng, bắt đầu tuyển dụng từ tháng 3-2025.

Với Nghị quyết 57 và Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ ngày 9-1-2025 về ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 57, hy vọng Chính phủ và các bộ ngành sẽ khẩn trương rà soát, điều chỉnh các quy định để tạo thuận lợi cho cơ sở giáo dục đại học thực hiện những nhiệm vụ then chốt như: phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và nhà khoa học trình độ cao giảng dạy, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, tạo ra các công trình có tầm ảnh hưởng toàn cầu, hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp; đẩy mạnh chuyển đổi số, đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng, công nghệ và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo...

Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 19-12-2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo đến năm 2030 với các mục tiêu gồm: phấn đấu trên 20% chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài có ngành đào tạo của cơ sở giáo dục nước ngoài xếp hạng tốp 500 thế giới trở lên; nâng tỷ lệ sinh viên quốc tế theo học các chương trình giáo dục đại học lấy bằng của Việt Nam đạt 1,5%; nâng tỷ lệ tổng số giảng viên của Việt Nam đi và số giảng viên của nước ngoài đến giảng dạy, nghiên cứu và trao đổi học thuật hàng năm lên 8% trên tổng số giảng viên Việt Nam; trên 20% chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng của các tổ chức kiểm định nước ngoài có uy tín.

THANH HÙNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/trai-tham-do-thu-hut-giao-su-chuyen-gia-dau-nganh-post782156.html
Zalo