Trải nghiệm 'Điểm hẹn vùng cao' tại Làng Văn hóa dịp nghỉ lễ 30/4
Điểm nhấn hoạt động tháng 4 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam là không gian phiên chợ vùng cao với chủ đề 'Điểm hẹn vùng cao'.
Từ ngày 30/4 đến 4/5/2025, Cục Văn hóa các dân tộc Việt Nam - Bộ VHTT&DL sẽ giới thiệu không gian văn hóa đậm sắc màu các dân tộc, với điểm nhấn là không gian văn hóa chợ vùng cao với chủ đề “Điểm hẹn vùng cao” và các lễ hội truyền thống vùng Tây Bắc, Đông Bắc tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).
Chương trình “Điểm hẹn vùng cao” có nhiều hoạt động đa dạng, hấp dẫn như: Tái hiện chợ phiên vùng cao các dân tộc Tây Bắc, Đông Bắc với không khí xuống chợ, vui chơi và các hoạt động dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, thưởng thức ẩm thực, sản vật của các dân tộc…

Nhiều hoạt động sẽ được giới thiệu trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: LVH
Không gian chợ với hơn 40 gian hàng (33 gian hàng chợ vùng cao, 10 gian nhà lá và 9 gian hàng nước) gồm: Rau củ quả, thịt trâu treo gác bếp, rượu men lá, các loại gia vị, thổ cẩm, đồ mỹ nghệ, thuốc nam, măng khô, mật ong, gà ri, lợn bản, xôi màu, thịt nướng, cá nướng… gắn với các hoạt động dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, thưởng thức ẩm thực, sản vật với sắc màu của các dân tộc Xinh Mun, Hà Nhì, Mông…
Đồng bào dân tộc sẽ giới thiệu lịch sử, quy trình, nguyên liệu, chế biến một số món ăn dân tộc đặc trưng như nấu rượu, làm xôi ngũ sắc, quy trình dệt vải, nghề in sáp ong...
Du khách cũng được tham gia các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, trải nghiệm chế biến món ăn truyền thống, uống rượu ngô, ăn thắng cố, hát giao duyên khi chơi chợ.
Bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng giới thiệu Không gian ảnh "Sắc màu văn hóa vùng cao" với khoảng hơn 100 bức ảnh đẹp về văn hóa du lịch, các dân tộc thiểu số tỉnh Lai Châu...
Một trong những hoạt động đặc sắc trong dịp nghỉ lễ này là tái hiện các nghi lễ truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số như Lễ hội Gầu tào dân tộc Mông, tỉnh Lai Châu (ngày 1/5); Lễ Mạng ma của dân tộc Xinh Mun tỉnh Sơn La (ngày 2/5); Tết mùa mưa của đồng bào dân tộc Hà Nhì, tỉnh Lai Châu (ngày 3/5).
Lễ hội Gầu tào dân tộc Mông, tỉnh Lai Châu gồm phần lễ diễn ra quanh cây nêu, thầy cúng làm lễ vừa đi vừa hát khấn cho mưa thuận gió hòa, mọi người, mọi gia đình đều khỏe mạnh cùng với đó các đôi trai gái và người tham dự lễ hội cầm ô, cầm khèn đi quanh cây nêu bày tỏ lòng thành kính và mong muốn những điều tốt đẹp sẽ đến với bản làng mình.
Trong phần hội, mọi người sẽ cùng nhau tham dự những tiết mục văn nghệ như múa sinh tiền, múa khèn, hát giao duyên và những trò chơi truyền thống như kéo co, bắn nỏ, đánh quay, thi giã bánh dày...
Đối với người Xinh Mun, Lễ Mạng ma nhằm cầu cúng cho những người dân trong bản khỏe mạnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu; súc vật không mắc bệnh dịch, sinh sôi nảy nở.
Trong tín ngưỡng của đồng bào Xinh Mun, mỗi thầy mo thường có một thầy mo cao tay đỡ đầu nên khi bắt đầu hành nghề, mỗi thầy mo đều phải có nghi lễ nhận thầy đỡ đầu cho mình gọi là nghi lễ cầu sức khỏe (Mạng ma), sau đó cứ khoảng từ 5-10 năm, thầy mo này phải tổ chức nghi lễ Mạng ma một lần để cầu sức khỏe, cầu giải hạn cho mình.
Còn trong đời sống của cộng đồng dân tộc Hà Nhì, Tết mùa mưa (Dế Khừ Chà) là một lễ Tết quan trọng, được tổ chức vào tháng 5 âm lịch hàng năm khi mà công việc mùa vụ mới vừa hoàn tất.
Đây là dịp để người Hà Nhì cầu mong tổ tiên phù hộ cho con cháu được khỏe mạnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, chăn nuôi phát triển và bản làng đoàn kết.
Trong Tết mùa mưa, các nghi thức, lễ thức chủ yếu diễn ra trong ngày đầu tiên, các ngày tiếp theo diễn ra phần hội. Các trò chơi trong dịp Tết mùa mưa rất đa dạng và phong phú như đi cà kheo, đánh cù, hát đối giao duyên đến chơi đu lăng, bập bênh xoay vòng...