Trái khoáy: Ngô cho lợn ăn thì công bố hợp quy, ngô cho người ăn thì không
Quy định công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa trước khi đi vào lưu thông gây ra nhiều tình huống dở khóc dở cười và cả những lực cản cho sự phát triển.
“Có xung đột rất lớn giữa các luật, quy định và thực tiễn về công bố hợp quy. Chúng tôi đã gửi kiến nghị đến cả Tổng Bí thư về hai dự luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và luật tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật” - ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch hội chăn nuôi Việt Nam phát biểu tại Hội thảo công bố báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2024 và báo cáo Đánh giá về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật do Liên đoàn công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 22-4.
Cái gốc của mọi bất cập, gian dối
Ông Nguyễn Xuân Dương là Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT trước đây nói: "Quy chuẩn, tiêu chuẩn là rất cần thiết và phải tuân thủ nhưng các cơ quan quản lý nhà nước lại đưa ra quy định “công bố hợp quy”, đây là cái gốc của mọi bất cập."
Theo ông Dương, tiêu chuẩn kỹ thuật ở Việt Nam đưa toàn bộ chỉ tiêu chất lượng vào với hai căn cứ là "không an toàn" và "bảo vệ người tiêu dùng".
“Không biết người tiêu dùng có được bảo vệ không nhưng rất khổ cho người sản xuất. Nỗi khổ này thể hiện là không nghiêm túc với pháp luật.
Một quy chuẩn mà đến 14-15 chỉ tiêu thì chỉ là nói dối. Chứng nhận hợp quy là phải có quy trình lấy mẫu theo chứng nhận, một tuần chỉ có thể làm được 1 sản phẩm. Một nhà máy 500 sản phẩm, chỉ trong vài ngày đã làm xong và công bố hợp quy, đó là chứng nhận không đúng” - ông Dương nói và khẳng định đưa quá nhiều chỉ tiêu chất lượng vào quy chuẩn là sai.

Ông Nguyễn Xuân Dương: "Một quy chuẩn mà 14-15 chỉ tiêu thì chỉ là nói dối". Ảnh: C.LUẬN
Ông Dương khẳng định công bố hợp quy là một việc thừa, không có nước nào thực hiện như vậy. Các tiêu chuẩn, quy chuẩn được đưa ra để áp dụng. Khi một sản phẩm được đăng ký, người ta công bố luôn sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn nào. Trong khi đó, ở Việt Nam thì hàng hóa trước khi đưa vào lưu thông trên thị trường phải công bố hợp quy, nghĩa là phải lấy mẫu, đánh giá lại quy trình sản xuất.
“Mỗi lần làm như vậy mất 5 triệu đồng, 500 sản phẩm là 2 tỉ rưỡi. Ngành nông nghiệp nay một lô thức ăn, mai một lô thức ăn khi cộng lại con số sẽ khủng khiếp thế nào?” - ông Dương nói.
Hơn nữa, cùng một vấn đề, Bộ Y tế làm một kiểu, Bộ Nông nghiệp làm một kiểu, trong Bộ Nông nghiệp thì Cục Chăn nuôi, Cục Thú y, Cục Thủy sản mỗi nơi làm một kiểu… Theo ông Dương, điều này dẫn đến tình trạng vì Bộ Nông nghiệp quy định phải công bố hợp quy nên ngô cho lợn ăn thì phải công bố hợp quy còn Bộ Y tế không quy định như vậy thì ngô cho người ăn lại không phải công bố hợp quy.
Nguy hiểm hơn, trong công bố hợp quy, doanh nghiệp phải nói dối là chính. “Tôi chứng kiến sự nói dối của các doanh nghiệp rồi. Muốn phát triển, muốn vươn mình thì phải tránh những quy định buộc nhau phải nói dối” - ông Dương nhấn mạnh.
Có ai đăng ký và được cấp giấy “không vượt đèn đỏ đâu”
Ông Nguyễn Hồng Uy từ EuroCham cũng cho rằng việc bắt doanh nghiệp công bố hợp quy thực chất giống như bắt người dân đăng ký sẽ... không vượt đèn đỏ. Việc công bố hợp quy không có tác dụng trong quản lý chất lượng.
Cả ông Dương và ông Uy đều dẫn ra vụ “sữa giả” vừa qua và đánh giá các sản phẩm sữa giả này đều được cơ quan quản lý xác nhận sự phù hợp, cấp giấy chứng nhận phù hợp quy chuẩn. Tuy nhiên, giấy chứng nhận đó là cho lô sữa đầu tiên sản xuất, còn những lô sữa sau doanh nghiệp không làm như vậy nữa và cơ quan quản lý nhà nước cũng không kiểm tra, giám sát nữa.
“Quy định này chỉ mang tính hình thức, không có giá trị” - ông Uy khẳng định.

Ông Nguyễn Hồng Uy: "Chẳng ai đăng ký không vượt đèn đỏ. Quy định công bố hợp quy chỉ hình thức, không có giá trị". Ảnh: C.LUẬN
Dẫn quy định ở EU, ông Uy nói các cơ quan chức năng sẽ phân định nguy cơ và khuyến cáo các tổ chức, cá nhân chú trọng, quản lý nhà nước dựa theo thang bảng nguy cơ đó để kiểm tra và giám sát, chú trọng nâng cao trách nhiệm của cơ sở sản xuất, kinh doanh.
“Vì vậy, ở Pháp chẳng hạn, quản lý thực phẩm hiện tại vẫn có 3 cơ quan là Bộ Y tế, Bộ Kinh tế và Bộ Nông nghiệp, tương tự như ở Việt Nam là Bộ Y tế, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Tuy nhiên, công tác quản lý của họ không chồng chéo vì họ xác định được nguy cơ và trách nhiệm ở đâu” - ông Uy dẫn chứng.
Quy trình chuẩn phải là doanh nghiệp công bố quy chuẩn, tiêu chuẩn mà họ áp dụng, còn cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, giám sát. Cơ quan quản lý nhà nước phải xây dựng cơ chế, quy trình hậu kiểm chứ không được để tình trạng “4 năm mà không kiểm tra gì” như trong vụ sữa giả.
Ông Nguyễn Hồng Uy - EuroCham
Lẽ ra, với các loại sữa dùng cho các đối tượng đặc biệt như người già, trẻ em phải được hậu kiểm kỹ lưỡng, khi có dấu hiệu vi phạm như quảng cáo “uống vào là khỏe ra như thần dược” thì cơ quan quản lý nhà nước phải kiểm tra ngay. Hay như quảng cáo "kẹo kara một viên bằng một đĩa rau" thì quản lý nhà nước phải vào kiểm tra ngay.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Anh Phương - Giám đốc một doanh nghiệp chuyên chứng nhận hợp quy về viễn thông, điện tử chia sẻ: "Nhiều hãng lớn hỏi tôi từ 1-6 quy chuẩn về camera có hiệu lực thì phải làm thế nào bởi Việt Nam chưa có phòng thử nghiệm nào đáp ứng được yêu cầu. Giờ không còn Cục An toàn thông tin nữa thì không biết đến tháng 6 tình hình thực hiện quy chuẩn sẽ ra sao.
Lại có nhiều cá nhân gọi cho tôi nhờ tham vấn vì thiết bị điện tử gửi cho người thân ở Việt Nam bị tắc ở hải quan vì phải đánh giá hợp quy. Tôi đành khuyên là thôi, bỏ đi vì chi phí đánh giá một chiếc điện thoại 5G có hợp quy không đã mất 3 tỉ rồi.
Tôi thấy, muốn đạt được mục tiêu Việt Nam là quốc gia khởi nghiệp thì phải nghiên cứu lại chính sách, vì như thế này là quá khó khăn."
Nên theo thông lệ quốc tế
Ông Nguyễn Xuân Dương cho biết trên thế giới các hiệp hội chịu trách nhiệm về sản phẩm chứ không phải nhà nước. Hiện nay, công chức nhà nước đang giảm, không đủ nhân sự để làm thêm việc này. Kiểm tra hàng hóa mà do cơ quan quản lý nhà nước là không hợp lý vì phải xã hội hóa dịch vụ công.
Trước phát biểu này, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký VCCI cũng “chạnh lòng” vì VCCI vừa bị Bộ Công Thương rút thẩm quyền cấp chứng nhận C/O. VCCI đã thực hiện việc này nhiều năm nay và thông lệ quốc tế cũng làm như vậy.