Có nên chốt lời vàng để chuyển dần sang kênh chứng khoán?
Giá vàng đang trong sóng tăng rất mạnh, nhưng sóng tăng thường sẽ đi kèm với một sóng giảm cũng rất mạnh. Nhà đầu tư có thể tập trung chốt lời vàng và chuyển dần sang chứng khoán, đang được định giá rẻ hơn.
Chỉ trong 2 tuần trở lại đây, giá vàng trong nước tăng từ 22 – 23 triệu đồng mỗi lượng. Nếu tính từ đầu năm, vàng miếng SJC đã tăng khoảng 38 triệu đồng/lượng, tương đương tăng hơn 45% giá trị.
Thận trọng khi thị trường có dấu hiệu đầu cơ
Việc giá vàng trong nước không ngừng tăng “sốc” trong thời gian gần đây được cho là ảnh hưởng bởi giá vàng thế giới. Giá vàng thế giới tăng vọt lên mức cao chưa từng thấy, vượt ngưỡng 3.480 USD/ounce lần đầu tiên trong lịch sử khi nhà đầu tư đổ xô vào thị trường vàng nhằm bảo toàn tài sản do lo ngại ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại toàn cầu.
Bà Tobina Kahn, Chủ tịch House of Kahn Estate Jewelers cho biết, khi giá vàng tăng chóng mặt chắc chắn sẽ có rơi vào trạng thái điều chỉnh giảm, nhưng rất khó để thấy kim loại quý màu vàng này rơi xuống dưới 3.000 USD/ounce. Ngay cả khi Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể đạt được các thỏa thuận thương mại và giải quyết các vấn đề thuế quan thì cuộc chiến thương mại toàn cầu vẫn gây ra thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế.

Nhà đầu tư có thể tập trung chốt lời vàng và chuyển dần sang chứng khoán, vốn đang rẻ hơn.
Dù vậy, các chuyên gia vẫn khuyến nghị nhà đầu tư cần hết sức cẩn trọng trong bối cảnh thị trường có dấu hiệu đầu cơ, tâm lý đám đông chi phối mạnh.
Theo ông Lukman Otunuga, chuyên gia phân tích cao cấp của FXTM, giá vàng hiện đang trong vùng “mua quá mức” (overbought) và có thể sớm điều chỉnh kỹ thuật trước khi xác lập các mốc cao hơn.
Các chuyên gia phân tích khuyến cáo, người dân không nên mua vàng khi giá vàng đang liên tục leo thang. Khi giá vàng liên tục tăng và đạt mức cao kỷ lục tạo hiệu ứng FOMO (sợ bỏ lỡ) với kỳ vọng giá sẽ tiếp tục tăng. Tuy nhiên, đây cũng chính là thời điểm rủi ro cao nhất. Sau mỗi đợt tăng mạnh, thị trường thường có xu hướng điều chỉnh trở lại để “hạ nhiệt”. Nếu nhà đầu tư mua vào ngay tại đỉnh, chỉ cần một cú điều chỉnh nhẹ cũng có thể khiến tài sản sụt giảm nhanh chóng.
Chưa kể, khi vàng tăng “nóng” sẽ khiến mặt hàng này trở nên khan hiếm, giá vàng tại thời điểm mua có thể không phản ánh đúng giá trị thực. Nếu thị trường quay đầu, những người mua sau cùng – tức là mua ở giá cao nhất, sẽ là người chịu thiệt lớn nhất.
Đáng chú ý, trước việc giá vàng tăng “sốc” thời gian qua, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan theo dõi sát tình hình và diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ, ngoại hối, thị trường vàng trong nước và quốc tế để khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp theo quy định nhằm ổn định thị trường vàng.
Phó Thủ tướng chỉ đạo tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định, không để xảy ra việc trục lợi, thao túng, làm giá, đầu cơ trên thị trường vàng - theo đúng ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ tại Văn bản 1483 ngày 4/4.
Hồi tháng 4/2024, giá vàng trong nước cũng liên tục tăng sốc. Ngay sau đó, Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, đầu cơ, thao túng giá vàng… Kết quả, giá vàng miếng SJC, vàng nhẫn đồng loạt lao dốc mạnh những ngày sau đó.
“Giá vàng tăng mạnh trong thời gian qua là dấu hiệu của những bất ổn kinh tế toàn cầu, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu nhà đầu tư chạy theo tâm lý đám đông. Với vàng, nhà đầu tư phải luôn có chiến lược đầu tư dài hạn, nên xác định đây là kênh tích lũy tài sản, không nên lướt sóng nếu thiếu kinh nghiệm. Đặc biệt khi tham gia thị trường vàng phải đặt mục tiêu lợi nhuận và giới hạn lỗ trước khi mua để kiểm soát cảm xúc khi thị trường biến động. Không đầu tư toàn bộ vốn vào vàng, nên đa dạng hóa danh mục, kết hợp giữa vàng, tiền gửi ngân hàng, bất động sản, và chứng khoán để giảm thiểu rủi ro”, chuyên gia Trần Phương, Viện kinh tế chiến lược LSE khuyến nghị.
Nên mua chứng khoán?
Theo ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Kinh doanh số, CTCP Chứng khoán VPBank (VPBankS), có thể khẳng định, giá vàng đang trong sóng tăng rất mạnh. Tuy nhiên, sóng tăng thường sẽ đi kèm với một sóng giảm rất mạnh, tương tự với diễn biến cổ phiếu VIC vừa qua. Bitcoin, vàng và chứng khoán cũng đều như vậy. Cho nên, việc “đu” theo giá vàng trong giai đoạn này cũng khá rủi ro.
Thay vào đó, theo ông Đức, nhà đầu tư có thể tập trung chốt lời vàng và chuyển dần sang chứng khoán, vốn đang rẻ hơn. Ngoài ra, nhà đầu tư cần lưu ý rằng không phải cứ suy thoái, khủng hoảng thì giá vàng sẽ tăng. Chỉ có giai đoạn đầu của cuộc suy thoái thì giá vàng tăng, còn khi chứng khoán xuống, tiền tệ xuống thì nhà đầu tư sẽ bán vàng để bù vào thanh khoản cho những kênh khác.
“Thông thường, đáy thị trường là khi chứng khoán giảm và vàng cũng giảm. Khi đó, nên mua chứng khoán chứ không phải vàng”, ông Đức nhấn mạnh.
Lịch sử cho thấy, khi thị trường giảm, những cổ phiếu dẫn dắt thường có dòng tiền bắt đáy. Có thể những cổ phiếu dẫn đầu giảm 10 – 15% nhưng sau đó sẽ xuất hiện dòng tiền sẽ mua vào, tạo đà phục hồi.
Thực tế trong phiên 22/4, dù không có bất kỳ thông tin xấu nào tác động đến thị trường, nhưng nhà đầu tư vẫn đua nhau tung lệnh bán khiến cho VN-Index có thời điểm “bay” gần 70 điểm, xuyên thủng mốc 1.200 điểm. Tuy nhiên, càng về cuối phiên, đà giảm của chỉ số được thu hẹp đáng kể nhờ dòng tiền bắt đáy. Kết phiên, VN-Index giảm chưa đầy 10 điểm, tương đương 0,82%. Đáng chú ý, tại thời điểm chỉ số chính mất 70 điểm, nhà đầu tư ngoại đẩy mạnh tốc độ “gom hàng” các mã HPG, MWG, MBB, STB, VRE.
Mặt khác, giai đoạn nửa cuối tháng 4 là thời điểm thị trường sẽ chuyển dịch sự quan tâm sang bức tranh kết quả kinh doanh quý I.
Theo CTCP Chứng khoán VNDIRECT, trong bối cảnh thị trường đã về vùng “định giá rẻ”, những thông tin tích cực về kết quả kinh doanh có thể là “chất xúc tác” giúp cải thiện tâm lý nhà đầu tư cũng như mặt bằng định giá cổ phiếu.
Những doanh nghiệp dự kiến có kết quả tích cực sẽ thu hút được dòng tiền của thị trường. Với số liệu tăng trưởng tín dụng khởi sắc gần đây cùng với xu hướng hạ nhiệt của mặt bằng lãi suất đầu vào, ngành ngân hàng dự kiến sẽ ghi nhận mức tăng trưởng tích cực trong quý I năm nay.
Cùng với đó, tăng trưởng của ngành tiêu dùng-bán lẻ được kỳ vọng sẽ bắt đầu bứt tốc khi sức mua trong nước có dấu hiệu cải thiện rõ nét nhờ thu nhập người dân cải thiện và hưởng lợi từ chính sách kích cầu của Chính phủ. Các ngành được kỳ vọng có kết quả kinh doanh khả quan khác bao gồm chăn nuôi, thủy sản và điện.
Về chiến lược giao dịch, nhà đầu tư có thể tận dụng nhịp tích lũy của thị trường để cơ cấu lại danh mục đầu tư, xem xét gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trong những nhịp điều chỉnh của thị trường về vùng hỗ trợ quanh 1.200 điểm, ưu tiên cổ phiếu cơ bản trong những ngành có triển vọng kết quả kinh doanh quý I tích cực như ngân hàng, bán lẻ, chăn nuôi, thủy sản và điện.
“Tuy vậy, việc sử dụng đòn bẩy vẫn chưa được khuyến khích trong giai đoạn hiện nay khi rủi ro thuế quan vẫn hiện hữu và thị trường chưa xác lập lại xu hướng tăng bền vững”, chuyên gia VNDIRECT khuyến nghị.