'Lỗ hổng' trong quản lý thực phẩm và chống hàng giả
Trao đổi với phóng viên, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, vụ việc gần 600 nhãn hiệu sữa giả bị phát hiện đã phơi bày những 'lỗ hổng' nghiêm trọng trong cơ chế quản lý an toàn thực phẩm tại Việt Nam. Đây là minh chứng rõ ràng cho sự chồng chéo, thiếu phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, dẫn đến việc 'đá bóng trách nhiệm' và bỏ ngỏ vai trò giám sát, kiểm tra.

Nguồn: Bộ Công thương. Đồ họa: Văn Chung
PV: Gần đây, dư luận xã hội bức xúc về vụ việc đường dây sản xuất sữa giả vừa được Bộ Công an triệt phá với quy mô lớn, doanh thu gần 500 tỷ đồng. Ông bình luận gì về sự việc đáng tiếc này?

Ông Ngô Trí Long: Đây không chỉ là một vụ án kinh tế nghiêm trọng mà còn cho thấy lỗ hổng trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm và chống hàng giả. Chính sách kiểm tra chất lượng hàng hóa còn yếu, chủ yếu kiểm tra sau, không phòng ngừa sớm. Chế tài xử phạt nhẹ, thiếu răn đe, đặc biệt trên nền tảng thương mại điện tử vốn đang thiếu khung pháp lý và lực lượng chuyên trách.
Từ góc độ kinh tế học, hành vi này gây ra nhiều hệ lụy. Trước tiên, hàng giả làm méo mó cạnh tranh, tăng chi phí cho doanh nghiệp chân chính và thiệt hại cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, tạo ra tổn thất xã hội ròng, làm giảm hiệu quả nền kinh tế. Ngoài ra, xói mòn niềm tin thị trường – yếu tố quan trọng khi Việt Nam đang thúc đẩy phục hồi tiêu dùng nội địa.
Về mặt xã hội, sữa giả đe dọa sức khỏe người tiêu dùng, làm tăng gánh nặng lên hệ thống y tế. Ngân sách nhà nước sẽ phải chi trả hậu quả y tế – một chi phí gián tiếp nhưng không nhỏ. Điều này làm giảm hiệu quả chi tiêu công và ảnh hưởng tới các chương trình phúc lợi khác.
PV: Ông có nhắc đến lỗ hổng trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm và chống hàng giả. Vậy, theo ông, ai chịu trách nhiệm khi để xảy ra vụ việc sữa giả?
Ông Ngô Trí Long: Vụ việc đường dây sản xuất sữa giả vừa bị triệt phá cho thấy sự buông lỏng quản lý trong suốt thời gian dài. Bộ Y tế là cơ quan chủ quản về an toàn thực phẩm, nhưng đã phân cấp việc tiếp nhận và quản lý hồ sơ công bố sản phẩm về các địa phương. Việc hậu kiểm, kiểm tra định kỳ và đột xuất dường như chưa được thực hiện đầy đủ, dẫn đến việc hàng giả tồn tại suốt 4 năm mà không bị phát hiện. Bộ Công thương khẳng định các sản phẩm sữa bột giả không thuộc danh mục hàng hóa do bộ quản lý, do đó không thực hiện thanh tra định kỳ hay hậu kiểm đối với hoạt động sản xuất, cung ứng của hai doanh nghiệp này...
NÂNG CAO NHẬN THỨC NGƯỜI TIÊU DÙNG
Theo ông Ngô Trí Long, cơ quan nhà nước cần tăng cường phối hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, khi người tiêu dùng có kiến thức về cách nhận biết sản phẩm chính hãng, cảnh giác với giá rẻ bất thường và chỉ mua từ các địa chỉ tin cậy, họ sẽ trở thành “lá chắn đầu tiên” bảo vệ mình và cộng đồng.
Trách nhiệm khi để xảy ra vụ việc sữa giả thuộc về nhiều cơ quan, tùy theo từng giai đoạn: Cơ quan cấp phép nếu việc cấp phép không đúng quy định, cơ quan cấp phép phải chịu trách nhiệm. Cơ quan hậu kiểm nếu không thực hiện kiểm tra, giám sát định kỳ hoặc không phát hiện sai phạm, cơ quan hậu kiểm phải chịu trách nhiệm. Cơ quan quản lý thị trường nếu không phát hiện và xử lý kịp thời sản phẩm giả lưu thông trên thị trường, cơ quan này phải chịu trách nhiệm.
Như vậy, trách nhiệm không chỉ thuộc về một cơ quan mà là sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương. Căn cứ theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP về quản lý an toàn thực phẩm, việc cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm sữa do cơ quan quản lý an toàn thực phẩm ở địa phương thực hiện, nhưng việc hậu kiểm – kiểm tra chất lượng, kiểm soát hậu sản xuất - lại là nhiệm vụ mà cả Bộ Y tế và Bộ Công thương đều phải có trách nhiệm phối hợp, đặc biệt trong trường hợp sản phẩm lưu thông trên phạm vi toàn quốc. Các sản phẩm sữa, dù là thực phẩm chức năng hay sữa bột pha sẵn, đều liên quan đến sức khỏe cộng đồng - thuộc lĩnh vực mà Bộ Y tế phải có trách nhiệm tối cao về chuyên môn và an toàn.
Ngoài ra, không thể chỉ đẩy trách nhiệm về một cấp hay một ngành. Hệ thống quản lý hiện nay có sự phân cấp rõ ràng, nhưng không đồng nghĩa với việc các bộ, ngành trung ương được phép đứng ngoài. Nếu chỉ đổ lỗi cho địa phương mà không nhìn nhận vai trò điều phối, giám sát từ trung ương thì rất dễ dẫn đến tình trạng buông lỏng chung.
Qua vụ việc, có thể thấy công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thực phẩm nói chung và sản phẩm sữa nói riêng còn nhiều bất cập - từ thể chế, giám sát đến thực thi. Cụ thể, thể chế pháp lý còn thiếu liên thông giữa các bộ ngành, nhiều quy định chồng chéo, gây khó khăn trong phân định trách nhiệm và phối hợp xử lý vi phạm. Hậu kiểm yếu, thiếu nguồn lực, nhiều cơ sở nhỏ lẻ hoạt động ngoài tầm kiểm soát. Quản lý thị trường còn hình thức, phản ứng chậm trước các dấu hiệu gian lận, nhãn mác bất thường, đặc biệt trên môi trường thương mại điện tử. Phối hợp liên ngành chưa hiệu quả, giám sát chuỗi lạnh còn nhiều lỗ hổng, trong khi đây là yếu tố then chốt đảm bảo chất lượng sữa.
PV: Để không còn xuất hiện những sự việc như vụ sữa giả, thuốc giả vừa bị phát hiện cũng như ngăn chặn tận gốc tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường, trong thời gian tới công tác quản lý cần làm gì, thưa ông?
Ông Ngô Trí Long: Thời gian tới, để ngăn chặn tận gốc tình trạng này, công tác quản lý cần tập trung vào các nhiệm vụ trọng yếu. Thứ nhất, tăng cường hậu kiểm, truy xuất nguồn gốc hàng hóa không chỉ kiểm tra tại điểm bán, các lực lượng chức năng cần mở rộng kiểm tra theo chuỗi cung ứng – từ kho bãi, nơi đóng gói, gia công đến các kênh phân phối. Ứng dụng mã QR và blockchain để truy xuất nguồn gốc hàng hóa, đặc biệt với nhóm hàng nhạy cảm như thực phẩm, thuốc.
Thứ hai, siết chặt cấp phép và tiêu chuẩn hóa quản lý sản phẩm, quy định rõ ràng hơn về tiêu chuẩn dán nhãn, công bố chất lượng và hồ sơ sản phẩm. Đặc biệt, cần rà soát lại toàn bộ quy trình cấp phép lưu hành thực phẩm chức năng, mỹ phẩm và sữa dinh dưỡng - những mặt hàng dễ bị làm giả.
Thứ ba, ứng dụng công nghệ số trong giám sát thị trường: Xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung về doanh nghiệp, mã sản phẩm, lô hàng - liên thông giữa các cơ quan như quản lý thị trường, hải quan, y tế và công an kinh tế, từ đó phát hiện sớm bất thường về nhập khẩu, lưu thông và phân phối.
Bên cạnh đó, tăng cường xử phạt nghiêm minh, công khai minh bạch những vụ việc như vụ sữa giả không thể chỉ dừng ở xử phạt hành chính mà cần khởi tố hình sự với hành vi gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng. Đồng thời, công khai danh tính tổ chức, cá nhân vi phạm để răn đe.
PV: Xin cảm ơn ông!