Trạch Xá, ngôi làng của những ông thợ giỏi may áo dài
Cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 60km, làng nghề Trạch Xá, huyện Ứng Hòa, từ lâu đã nổi tiếng với nghề may áo dài truyền thống.
Những người thợ tài hoa của làng nghề Trạch Xá đã đưa những tà áo dài tôn vẻ đẹp duyên dáng, quyến rũ của phụ nữ Việt Nam đến với mọi miền Tổ quốc và “phủ sóng” khắp năm châu bốn bể.
Trải qua bao thăng trầm, nghề may áo dài Trạch Xá vẫn giữ được nét riêng với tà áo mềm mại, thướt tha. Cuối tháng 12/2024, nghề may của làng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là niềm vinh dự, tự hào của làng, là nguồn động lực để dân làng Trạch Xá tiếp tục gìn giữ, phát triển nghề truyền thống của quê hương cũng như khẳng định giá trị của áo dài Trạch Xá trên thị trường.
Bất kể người thợ nào ở làng Trạch Xá đều thuộc câu của các cụ dạy để làm nghề khâu, đó là “trong dán hồ, ngoài phô trứng nhện”. Trên một đường viền tà áo, người thợ dùng tới 7 đường chỉ, gồm 1 đường chỉ máy, 3 đường chỉ khâu và 3 đường chỉ lược.
Một điểm độc đáo ở làng nghề Trạch Xá là số đàn ông theo nghề may nhiều hơn phụ nữ do truyền thống từ xưa phụ nữ chỉ được phụ việc cho nam giới.
Nghệ nhân Vũ Thị Hằng, làng nghề Trạch Xá, chia sẻ: "Ngày trước nghề chỉ truyền cho con trai, nhưng sau xã hội phát triển đã truyền lại cho cả con gái và giờ thì con dâu, con rể tại làng Trạch Xá đều biết may áo dài".
Hiện nay, làng Trạch Xá không chỉ may áo dài, áo tế, áo tượng mà còn làm chăn, gối, áo bông, trang phục cho các bộ phim và các sản phẩm xuất khẩu.
Tiếng tăm về làng nghề may áo dài Trạch Xá cứ dần bay xa.