Xây dựng mô hình Bảo tàng sinh thái làng cổ Bát Tràng

Cùng với làng dệt lụa Vạn Phúc, làng nghề gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm) vừa trở thành thành viên chính thức của Mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo thế giới.

Đây cũng là cơ hội để thu hút khách du lịch tới làng nghề, nơi các chuyên gia cho rằng có thể hình thành mô hình bảo tàng sinh thái.

Hằng năm, Bát Tràng đón khoảng 300.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm hàng gốm sứ, trong đó có nhiều đoàn khách quốc tế. Ông Phạm Huy Khôi, Chủ tịch UBND xã Bát Tràng chia sẻ: “Trở thành thành viên Mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo thế giới, Bát Tràng sẽ có nhiều cơ hội để trao đổi, học hỏi những kỹ nghệ ngành gốm sứ nói riêng và thủ công của các làng nghề, các thành phố trên thế giới; tăng cường hợp tác trong việc đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng thủ công Bát Tràng; giao lưu, triển lãm giới thiệu nghề gốm Bát Tràng với bạn bè quốc tế; tiếp tục gìn giữ, bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống gốm sứ Bát Tràng nói riêng, gốm Việt Nam nói chung nhằm tăng thêm sức mạnh cội nguồn, để mỗi người Việt Nam thêm yêu quý, trân trọng, giữ gìn di sản, bản sắc văn hóa dân tộc”.

Bát Tràng có hơn 200 nghệ nhân, trong đó 2 nghệ nhân nhân dân, 8 nghệ nhân ưu tú, 27 nghệ nhân Hà Nội, 5 nghệ nhân dân gian, hơn 100 nghệ nhân làng nghề Việt Nam. Bát Tràng cũng có những công trình chung, riêng mang kiến trúc cổ như đường làng, đền, chùa, giếng làng 400 năm tuổi, lò bầu nung 100 năm tuổi, ẩm thực và đặc biệt là nghề gốm thủ công lâu đời. Không chỉ nổi tiếng với nghề gốm, Bát Tràng còn là làng học, làng khoa bảng. Sử làng còn ghi chép tên tuổi và hành trang của 364 vị tiên nho, tiên hiền, trong đó có một trạng nguyên và 8 tiến sĩ. Trên địa bàn có gần 40 di tích, tiêu biểu về di tích cách mạng có Nhà tưởng niệm Bác Hồ, nơi Bác về thăm Bát Tràng ngày 20-2-1959; Nhà in Báo Độc lập, nơi xuất bản đầu tiên bài hát “Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao...

Du khách tham quan Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt tại Bát Tràng.

Du khách tham quan Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt tại Bát Tràng.

Ông Saad Al-Qaddumi, Chủ tịch Hội đồng Thủ công thế giới cho rằng: “Cùng với Vạn Phúc, Bát Tràng là biểu tượng của sự hồi sinh và phát triển mạnh mẽ. Câu chuyện của làng nghề này là minh chứng rõ ràng cho tinh thần bền bỉ của cộng đồng, cho thấy dù phải đối mặt với bao khó khăn, họ vẫn có thể vươn lên và một lần nữa trở thành trung tâm của nền thủ công mỹ nghệ và niềm tự hào văn hóa”.

Từ những giá trị có sẵn, các chuyên gia cho rằng Bát Tràng có đủ cơ sở để xây dựng làng theo mô hình bảo tàng sinh thái để thu hút du khách. Trong đó, khác với bảo tàng truyền thống, bảo tàng sinh thái là dạng bảo tàng cho du khách tiếp xúc trực tiếp với một không gian mở, với những người tạo ra hiện vật, làm nên giá trị của làng nghề; tìm hiểu trực tiếp về cuộc sống hằng ngày, văn hóa của cộng đồng địa phương. TS Nguyễn Thị Thu Trang, chuyên gia về bảo tàng sinh thái cho rằng: "Đối với bảo tàng sinh thái, điều quan trọng là ký ức, lãnh thổ và cộng đồng. Soi chiếu vào trường hợp của Bát Tràng, tôi cho rằng Bát Tràng có thể hội tụ cả 3 yếu tố này. Trong mô hình này, cộng đồng cư dân làng Bát Tràng với tư cách là chủ thể văn hóa-chủ sở hữu di sản văn hóa và cũng là chủ sở hữu, tổ chức và vận hành Bảo tàng sinh thái Làng cổ Bát Tràng”.

Theo qdnd.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/xay-dung-mo-hinh-bao-tang-sinh-thai-lang-co-bat-trang-5038897.html
Zalo