TS. Nguyễn Tường Bách: 'Phải biết nhìn vào bên trong!'
Bản thân là con người xứ Huế nên tâm thức đã thấm nhuần đạo Phật từ nhỏ. Lớn lên sống và làm việc trong tinh thần khoa học, TS. Nguyễn Tường Bách xem đạo Phật như một khoa học về tâm lý, chữa lành cho con người, đưa con người đến giải thoát, bớt khổ, bớt tham sân si.

TS. Nguyễn Tường Bách
Vừa trở về Đức sau chuỗi ngày hồi hương với dày đặc các sự kiện thuyết trình về đạo Phật, trò chuyện và ra mắt sách với độc giả Việt Nam - như một cơ duyên, TS. Nguyễn Tường Bách đã dành cho Huế ngày nay Cuối tuần cuộc trò chuyện xoay quanh niềm đam mê nghiên cứu đạo Phật mà ông đã theo đuổi hàng chục năm qua.
TS. Bách tâm tình: “Lúc ở tuổi 40, tôi có may mắn đi chiêm bái các thánh địa Phật giáo, nơi Phật đã từng sống và giảng pháp, tôi càng có thêm cơ hội để nghiên cứu kinh sách và chiêm nghiệm tâm thức mình cũng như cảnh ngộ trong cuộc đời. Các duyên lành đó tạo nên con người của tôi ngày hôm nay”.
Một vị tu sĩ dự buổi thuyết giảng của ông tại Huế vào dịp cuối năm vừa rồi trầm trồ: “Sao TS. Bách lại dành nhiều thời gian nghiên cứu và am hiểu đạo Phật đến như thế?”. Có lẽ đây cũng là điều mà nhiều người tò mò muốn hỏi ông?
Những điều Phật dạy trong kinh sách thực ra là miêu tả tâm thức của chính con người chúng ta và các bước đi cần thiết để tiến tới nhận thức đúng đắn. Tôi nhận biết rằng, nội dung kinh sách chính là cuộc đời và tâm thức của chính chúng ta. Do đó, tôi có hứng thú chiêm nghiệm về chính mình, về chính sự vận hành trong tâm mình. Tôi hay tự nhủ tâm mình là “kinh vô tự”. Cũng nhờ ý thích đó mà tôi hay quay cái nhìn vào bên trong và tự khám phá. Nghiên cứu và am hiểu đạo Phật đối với tôi là một cuộc hành trình xoay tâm vào trong và vì thế nó xảy ra thường xuyên đối với tôi.

TS. Nguyễn Tường Bách trong một dịp về Việt Nam và có buổi thuyết trình về đạo Phật tại Huế
Trong hành trình nghiên cứu đạo Phật, ông đã chu du qua nhiều vùng miền trên thế giới và ít nhiều trong những chuyến đi đó đã được ông kể lại trong các tác phẩm đã xuất bản. Đằng sau hành trình và những trang sách, chắc hẳn sẽ có rất nhiều khó khăn?
Các chuyến đi xa, nhất là vào các vùng thánh tích tôn giáo, thường không dễ chịu tiện nghi như các chuyến du lịch nghỉ dưỡng. Thức dậy sớm, ngủ ít, đi bộ nhiều, có khi nắng gắt, có khi lạnh buốt. Có khi ta phải chịu sự phân vân khó xử, lầm đường lạc lối. Ngoài ra, con người hành hương còn phải kỹ lưỡng tìm hiểu kinh sách, tài liệu, thông tin, phải cần thời giờ tiếp xúc, chuyện trò, đôi khi rất nhọc nhằn, cần sự nỗ lực. Thế nhưng niềm tin tôn giáo và sự hào hứng được đi lại bước chân của Phật, của các vị Bồ-tát là động lực vô cùng mạnh mẽ làm ta vượt lên mọi khó nhọc. Từ một tài liệu tôi được biết rằng, con đường hành hương càng khó nhọc thì công đức càng to lớn.
Và vùng đất nào khiến ông ấn tượng nhất trong hành trình đó?
Dĩ nhiên Ấn Độ, nơi đức Phật lịch sử đã sinh ra và thành đạo cách đây gần 2600 năm, là nơi để lại ấn tượng sâu đậm nhất. Vùng Đông Bắc Ấn Độ, ngày nay thuộc tiểu bang Bihar, là nơi được mệnh danh là “đất thiêng” của quốc gia này, là chỗ xuất phát của nhiều nguồn suối tâm linh, trong đó có Phật giáo. Đức Phật đã sống và giảng pháp tại đây, lưu lại các thánh tích quan trọng nhất. Đến đây ta cảm nhận tính chất vĩ đại của đức Phật và cảm nhận sâu xa giáo pháp của Ngài.
Thưa ông, vậy còn kỷ niệm mà ông nhớ nhất trong hành trình tìm đến những vùng đất có liên quan, ảnh hưởng của đạo Phật?
Ngoài Ấn Độ, những chuyến đi tại Trung Quốc, nơi được mệnh danh là xứ sở của Bồ-tát, hay tại Tây Tạng - “mái nhà của thế giới”, mang lại cho tôi rất nhiều cảm khái và nhận thức về Phật giáo. Những nơi đó là nguồn gốc của những nền Phật giáo được phát triển sau Ấn Độ, vô cùng đặc sắc, và có nhiều ảnh hưởng đến Phật giáo Việt Nam.
Nhiều người tò mò ông đã điều phối quỹ thời gian của mình ra sao cho những chuyến đi như thế?
Trong thời gian còn làm công nhân viên cho một công ty nước ngoài, tôi hay phối hợp các chuyến đi công tác xa với chuyện riêng của mình. Nếu khéo léo thì cũng thực hiện được. Còn về sau tôi làm chủ thời gian hơn thì vấn đề chỉ còn là xem điều gì ưu tiên hơn điều gì. Thực ra thu xếp thời gian để thực hiện một điều gì đó là một quyết định nội tâm, ta có quyết chí hay không. Ngoài ra, sự chuẩn bị chu đáo về hành trình thì cách tổ chức cũng giúp ta tiết kiệm được thì giờ. Nhưng nhìn chung, vấn đề quản lý thời gian thực ra là một sự sắp xếp nội tâm, cần có sự tập trung và biết rõ mục đích của mình.
Chừng ấy thời gian chu du qua những miền đất Phật ông cảm thấy đã đủ chưa? Và còn điều gì khiến ông trăn trở trong hành trình nghiên cứu đạo Phật của mình?
Ngoại cảnh ở bên ngoài như các miền đất Ấn Độ, Trung Quốc, Tây Tạng tôi đi cũng đã nhiều, nhưng nói đủ thì cũng không bao giờ đủ vì thực tế ở đâu cũng có nhiều vị đắc đạo đã từng sống. Tại Nhật Bản, Hàn Quốc hay Việt Nam, thậm chí tại Đức, Pháp hay Mỹ cũng in dấu chân của những con người phi thường mà ta có thể nói là đắc đạo. Thế nhưng cũng cảnh vật đó, cũng con người đó, liệu khách có nhận ra được hay không thì lại tùy nơi trình độ nhận thức của khách. Thế nên vấn đề là ta cần có một nội tâm chín chắn, già dặn mới “thấy” được điều phi thường nơi cảnh.
Đến bây giờ sau hàng chục năm xa quê hương và theo đuổi rất nhiều công việc, trong đó có nghiên cứu đạo Phật, ông thấy mình “hợp vai” nào nhất?
Tôi tự thấy mình là một học trò đồng thời là một thầy giáo. Tôi cảm thấy thích thú với vai trò thầy giáo.
Một câu hỏi mang tính riêng tư, là người nghiên cứu đạo Phật, vậy có khi nào ông thấy mình bế tắc cả trong nghiên cứu lẫn cuộc sống?
Là một Phật tử tôi thấm nhuần thuyết Duyên khởi để nhìn sự vật, để giải thích một điều đó khi nó xuất hiện. Vì vậy, tôi có thể hiểu nhanh tại sao một tình huống, một sự vật hình thành. Nhưng hiểu là một chuyện, giải quyết được khi gặp mâu thuẫn là một việc khác. Do đó tôi cũng hay bị bế tắc, bị bất lực trước nhiều tình huống. Thực tế là có rất nhiều điều tôi cảm thấy mình vô dụng, không làm được gì cả.
Nếu gặp trường hợp vậy, ông đã tìm cách cân bằng, hóa giải ra làm sao?
Gặp trường hợp đó thì mình phần lớn chỉ im lặng, bó tay. Có khi nó cũng cho ta thêm cơ hội để ngẫm nghĩ về tâm thức, về cuộc đời.
Và đạo Phật trong suy nghĩ của ông, nếu được diễn giải ngắn gọn nhất có thể, sẽ như thế nào?
TS. Nguyễn Tường Bách sinh năm 1948 tại Huế, đến Đức du học năm 1967 và hiện sống tại đây. Không chỉ là nhà khoa học vật lý, ông còn là tác giả, dịch giả nhiều đầu sách được bạn đọc yêu thích như: Mùi hương trầm, Lưới trời ai dệt, Đêm qua sân trước một cành mai, Mộng đời bất tuyệt…
Nói ngắn gọn thì đạo Phật là một hệ thống nhận thức về con người, về tâm thức con người, về thiên nhiên và vũ trụ. Thêm vào đó đạo Phật cho ta một số phương pháp để giải thoát con người ra khỏi cảnh Khổ mà ai cũng có. Đó là một hệ thống nhận thức và hành động vô cùng cao quý, nhưng tinh thần đích thực của đạo Phật cũng không phải dễ hiểu cho đại đa số quần chúng. Phải may mắn lắm mới hiểu tinh túy của đạo Phật, may mắn lắm mới gặp đạo Phật trong cuộc đời.
Sau một cuộc đời phong phú, điều gì là quan trọng nhất mà ông đã học được?
Bài học quan trọng nhất của tôi là phải biết nhìn vào bên trong. Người đời hay nhìn ra bên ngoài, nhận thức, đánh giá người ngoài và hành động theo nhận thức đó. Thấy hợp thì khen, thấy khác thì chê. Mọi xung đột, hiềm khích bắt đầu từ đó mà ra. Nếu ta biết quay cái nhìn vào trong, con người sẽ khám phá ra hoạt động của tâm thức mình, biết rõ mọi sự tâm tạo thành. Đó là bước đầu của con đường giác ngộ. Đức Phật cũng chỉ dạy điều đó mà thôi.