Trả lương cho ông bà chăm cháu

Việc trả lương cho ông bà chăm cháu để trở thành quy định như ở Thụy Điển không dễ thực hiện tại Việt Nam.

Cần tạo điều kiện để việc chăm cháu với ông bà trở thành niềm vui (ảnh minh họa)

Cần tạo điều kiện để việc chăm cháu với ông bà trở thành niềm vui (ảnh minh họa)

Con gái được 6 tháng, bạn tôi nhờ bà nội lên chăm cháu. Bạn cũng quyết định trả lương chính thức cho bà 6 triệu đồng/tháng.

Nghe câu chuyện này, không ít người băn khoăn vì cho rằng ông bà chăm sóc cháu là chuyện bình thường, là trách nhiệm với con cháu, không cần phải trả lương nhưng gia đình bạn tôi xác định đây tiền công mà bà phải được hưởng.

Câu chuyện trả công cho ông bà chăm cháu khiến tôi nhớ tới dự luật trợ cấp nuôi con do Quốc hội Thụy Điển thông qua tháng 7 vừa qua, trong đó có điều khoản ông bà được nghỉ phép và hưởng lương chăm sóc cháu. Đây cũng là quốc gia đầu tiên trên thế giới thực hiện quy định đặc biệt này.

Nhiều người cho rằng chăm sóc cháu là trách nhiệm của ông bà khi còn sức khỏe. Chăm sóc trẻ giúp ông bà gắn kết tình thân với con trẻ và chia sẻ gánh nặng với các con khi cháu còn bé mà mẹ cháu đã hết thời gian nghỉ thai sản. Vì thế, nhiều ông bà ngay khi về hưu đã bước vào giai đoạn chăm cháu, trải nghiệm cuộc sống "con mọn lần hai" vất vả lo toan. Không ít bậc cha mẹ ỷ lại, phó mặc việc chăm con cho ông bà. Vì thế mới có chuyện ở một số gia đình, trẻ con bám ông bà hơn bố mẹ. Ông bà lên chăm cháu, nhiều khi cũng nảy sinh những mâu thuẫn với các con trong cách chăm sóc, nuôi dạy...

Nhưng nhiều người cũng cho rằng, chăm cháu không phải là trách nhiệm của ông bà. Ông bà có thể hỗ trợ từng thời điểm và cần trả lương xứng đáng vì đây cũng là công việc khá vất vả.

Việt Nam chưa có công trình nghiên cứu hay thống kê chuyên biệt nào về tỷ lệ ông bà chăm cháu nhưng thực tế cho thấy con số này không ít. Điều tra mới nhất của Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển (PHAD) công bố năm 2021 cho thấy, khoảng hơn 60% số người cao tuổi trong toàn quốc đang sống với ít nhất một người con ruột. Vì thế sống chung và trông nom cháu giúp con cái là việc gần như không thể tránh khỏi. Nghiên cứu “Già hóa dân số và người cao tuổi Việt Nam” của Tổng cục Thống kê năm 2023 cho biết, Việt Nam hiện có hơn 16 triệu người cao tuổi, 35% số này có việc làm và thu nhập, còn lại là lao động tự do và làm việc nhà không được trả lương, trong đó có chăm sóc cháu.

Theo một thống kê mới đây của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, thì Hải Dương đang có tốc độ già hóa dân số nhanh. Năm 2009, tỷ lệ người cao tuổi trong tỉnh chiếm 11,5%, năm 2019 tăng lên 15,5% và tính đến hết năm 2023 là 16,8%. Dự báo đến năm 2050, Hải Dương sẽ bước vào giai đoạn dân số siêu già. Tại Hải Dương có tới 76% số người cao tuổi sống ở nông thôn, đời sống một bộ phận còn khó khăn. Khoảng 45% số người cao tuổi không có lương hưu hoặc trợ cấp xã hội... Như vậy, có thể thấy tỷ lệ người già ở Hải Dương không có thu nhập khá cao. Nếu chăm cháu mà được trả lương thì họ sẽ có một khoản chi phí để trang trải cho cuộc sống tuổi già.

Việc trả lương cho ông bà chăm cháu để trở thành quy định như ở Thụy Điển không dễ và khó có thể áp dụng ngay vào nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi lập gia đình, các con cũng không nên coi việc chăm cháu là trách nhiệm và giao phó cho ông bà. Nếu chưa thể trả lương thì cũng không nên quá ỷ lại mà cần dành thời gian, điều kiện cho ông bà nghỉ ngơi, giao lưu, chăm sóc sức khỏe khi cần thiết. Thỉnh thoảng có thể gửi ông bà chút tiền tiêu vặt để động viên, khích lệ thay cho cảm ơn. Khi ông bà chăm cháu sẽ không tránh khỏi những bất đồng về cách nuôi dạy, vì vậy cần biết thông cảm, sẵn sàng chia sẻ những khúc mắc để việc chăm cháu của ông bà trở thành niềm vui chứ không phải là gánh nặng.

BẢO ANH

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/tra-luong-cho-ong-ba-cham-chau-389571.html
Zalo