Lãi suất cho vay sẽ thế nào khi lãi suất huy động tăng trở lại?
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đánh giá lãi suất huy động tăng nhưng lãi suất cho vay giảm, điều đó cũng đồng nghĩa các ngân hàng thương mại đã chia sẻ với doanh nghiệp rất nhiều.
Bước vào tháng 9, các ngân hàng vẫn có xu hướng tăng lãi suất tiết kiệm với mức dao động từ 0,1%-0,8%. Theo giới phân tích, lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại lớn có thể tăng nhẹ trong những tháng cuối năm, tuy nhiên lãi suất cho vay sẽ không có nhiều biến động nhằm phục vụ mục tiêu tăng trưởng.
Làn sóng tăng lãi suất huy động
Theo biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại quầy của nhiều ngân hàng trong ngày đầu tháng Chín, lãi suất huy động (tại các kỳ hạn được khảo sát là: 6, 9, 12, 24 tháng) được nhiều ngân hàng điều chỉnh với mức dao động từ 0,1%-0,8% tùy kỳ hạn và ngân hàng.
Thị trường ghi nhận 2 ngân hàng tăng mạnh lãi suất là OceanBank và Dong A Bank. Trong đó, Dong A Bank tăng mạnh lãi suất kỳ hạn 24 tháng từ 5,2% lên mốc 6%.
Bên cạnh đó, Sacombank cũng tăng lãi suất 0,4% ở kỳ hạn 6 và 9 tháng, đưa lãi suất kỳ hạn 6 tháng là 4,2%/năm; kỳ hạn 9 tháng là 4,3%/năm; kỳ hạn 12 tháng là 4,9%/năm.
MB cũng tăng 0,1% ở kỳ hạn 6 và 9 tháng, niêm yết ở mức 4%/năm. Kỳ hạn 12 tháng là 4,8%/năm, tăng 0,2%; lãi suất kỳ hạn 24 tháng tăng 0,3%, niêm yết ở mức 5,7%/năm.
Trước đó, trong tháng Tám, thị trường ghi nhận có 17 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm, bao gồm: Eximbank, ACB, Agribank, Sacombank, Saigonbank, VietBank, TPBank, CBBank, VIB, Dong A Bank, VPBank, Techcombank, SHB, VietBank, PVCombank, Nam A Bank, HDBank.
Hiện PvcomBank đang niêm yết lãi suất ở mức cao nhất, lên tới 9,5% cho kỳ hạn 12 tháng, điều kiện áp dụng với số tiền gửi tối thiểu 2.000 tỷ đồng.
Tiếp theo là HDBank với mức lãi suất khá cao, 8,1%/năm cho kỳ hạn 13 tháng và 7,7% cho kỳ hạn 12 tháng, điều kiện duy trì số dư tối thiểu 500 tỷ đồng. Ngân hàng này cũng áp dụng mức lãi suất 6% đối với kỳ hạn 18 tháng.
Ở chiều ngược lại, đầu tháng Chín đã có 2 ngân hàng giảm lãi suất huy động một số kỳ hạn, bao gồm OCB và ABBank. Cụ thể, lãi suất tiền gửi hai kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng được OCB điều chỉnh giảm 0,2% so với tháng 8/2024.
ABBank có mức giảm lãi suất mạnh hơn. Theo đó, lãi suất huy động kỳ hạn 7-8 tháng giảm 0,1%/năm, lãi suất huy động kỳ hạn 9-11 tháng giảm 0,3%/năm, lãi suất kỳ hạn 12 tháng giảm 0,4%.
Áp lực tỷ giá hạ nhiệt khiến Ngân hàng Nhà nước ba lần hạ lãi suất tín phiếu và một lần hạ lãi suất trên thị trường mở trong tháng 8/2024. Nhờ vậy, lãi suất liên ngân hàng cũng bớt nóng. Lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng chỉ còn hơn 4% thay vì mức xấp xỉ 5% cách đây một tháng.
Các chuyên gia VNDirect kỳ vọng tốc độ tăng lãi suất huy động sẽ giảm dần về cuối năm, và sẽ chủ yếu được thúc đẩy bởi triển vọng tăng trưởng tín dụng. Do đó, điều chỉnh dự báo lãi suất huy động bình quân 12 tháng sẽ tăng lên mức 5,2%-5,3% vào cuối năm nay, thấp hơn dự báo 5,3%-5,5% trong báo cáo chiến lược giữa năm trước đó. Sự thay đổi dựa trên khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất nhiều hơn dự kiến trước đó. Điều này đồng nghĩa với việc Ngân hàng Nhà nước sẽ có thêm dư địa để điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt hơn.
Lãi suất cho vay sẽ ra sao?
Phó Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Hữu Huân (Trường đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh) nhận định mặt bằng lãi suất cho vay sẽ khó sớm tăng trở lại trong thời gian từ nay đến cuối năm, nhất là đối với lãi suất cho vay doanh nghiệp. Hiện lãi suất tiết kiệm vẫn trong xu hướng tăng, do mặt bằng lãi suất huy động vốn đã giảm mạnh trong các năm trước, nên các ngân hàng phải tăng để giữ nguồn tiền nhàn rỗi, cân đối khi các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán và bất động sản có dấu hiệu hồi phục trở lại sẽ hút tiền tiết kiệm.
Tuy nhiên, theo ông Huân ngân hàng chưa thể tăng lãi suất cho vay vì thực tế, lãi vay thấp vẫn khó kích được cầu tín dụng, nếu tăng sẽ càng khó hơn.
Điều này cũng đã được Ngân hàng Nhà nước liên tục yêu cầu các tổ chức tín dụng cố gắng giảm lãi suất cho vay để giúp người dân và doanh nghiệp khắc phục khó khăn trong nuôi trồng và sản xuất kinh doanh.
Ngân hàng Nhà nước cho biết tính đến 7/9, dư nợ tín dụng tăng trưởng 7,75%, trong khi mục tiêu đặt ra là 15% trong năm nay.
Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng tăng trưởng tín dụng sẽ mở rộng đầu tư, từ đó góp phần tăng trưởng nền kinh tế. Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó tập trung hạ lãi suất cho vay. Lãi suất cho vay những khoản mới trung bình hiện nay là 6,23%, giảm 0,86% so với cuối năm ngoái.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đánh giá lãi suất huy động tăng nhưng lãi suất cho vay giảm, điều đó cũng đồng nghĩa các ngân hàng thương mại đã chia sẻ với doanh nghiệp rất nhiều. Mặc dù tiền gửi phải tăng lên để trả lãi suất cao hơn cho người gửi nhưng tiền cho vay lại giảm thì chênh lệch đầu vào đầu ra sẽ thu hẹp. Chênh lệch đầu vào-đầu ra sẽ thu hẹp và lợi nhuận năm nay chắc sẽ có phần giảm bớt so với năm trước
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định rằng sau khi thực hiện Luật Các tổ chức tín dụng mới, Ngân hàng Nhà nước đã tinh gọn rất nhiều thủ tục, điều kiện cho các ngân hàng thương mại có căn cứ pháp lý để đẩy mạnh việc cho vay.
Ngân hàng Nhà nước cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong hoạt động tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho cả người vay cũng như người cho vay; tập trung dòng tiền vào những lĩnh vực trọng tâm, lĩnh vực ưu tiên, ưu đãi theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tăng quy mô các gói vay ưu đãi, như gói tín dụng cho ngành lâm sản, thủy sản dự kiến tăng lên 50.000-60.000 tỷ đồng, thay vì 30.000 tỷ đồng như ban đầu.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh rằng với con số dư nợ tín dụng đến thời điểm hiện nay, Ngân hàng Nhà nước tin tưởng mức tăng trưởng tín dụng sẽ đạt mục tiêu 15% vào cuối năm và tiếp tục góp phần cho mục tiêu tăng trưởng nền kinh tế từ 6,5%-7%./.