TPS: Ba động lực cho tăng trưởng GDP năm 2025
Chứng khoán Tiên Phong nhận định, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2025 sẽ trong khoảng 6,7% - 7,2% nhờ lực đẩy từ đầu tư công, dòng vốn FDI và tiêu dùng nội địa. Đồng USD được dự báo diễn biến khá phức tạp trong năm 2025 và là một 'ẩn số quan trọng'.
Trong báo cáo chiến lược năm 2025 phát hành mới đây, Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cho biết, Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế dự báo tiếp tục là ngôi sao tăng trưởng trong khu vực trong năm 2025, vượt qua mức tăng trưởng của nhiều quốc gia trong khu vực châu Á.
IMF dự báo tăng trưởng 2025 của Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia và Thái Lan lần lượt là 6,1%, 4,5%, 5,1% và 3%. ADB cũng đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2025 lên 6,5% so với mức 6,2% trong báo cáo trước đó. Nguyên nhân điều chỉnh được lý giải là do hoạt động thương mại mạnh hơn dự kiến, sản xuất chế biến chế tạo phục hồi mạnh mẽ và chính sách tài khóa mở rộng cũng giúp thúc đẩy tăng trưởng trong 2025 tăng lên.
TPS nâng dự báo về tăng trưởng GDP của Việt Nam trong 2024, trong khoảng 6,8% - 7,3%, so với mức 5,8% - 6,3% trong báo cáo trước đó. Dự báo tăng trưởng GDP quý 4/2024 trong khoảng 7% -7,5%.
Đơn vị phân tích dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2025 trong khoảng 6,7% - 7,2%; dựa trên ba cơ sở.
Thứ nhất, đầu tư công được thúc đẩy mạnh mẽ. Năm 2025, kế hoạch vốn đầu tư công được Chính phủ dự kiến ở mức 791.000 tỷ đồng, tăng 12,4% so với nguồn vốn kế hoạch đầu tư công năm 2024. Theo TPS, năm 2025 là năm cuối của kế hoạch đầu tư giai đoạn 2021- 2025. Trong khi đó, tăng trưởng GDP 3 năm 2021 – 2023 khá thấp do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Vì vậy, để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% -7% trong giai đoạn 2021 -2025, Chính phủ sẽ đưa ra nhiều chính sách thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2025. Trong đó, đầu tư công được kỳ vọng sẽ tăng tốc nhờ lạm phát hạ nhiệt và tỷ giá ổn định hơn. Giải ngân vốn đầu tư công được đơn vị phân tích kỳ vọng đạt khoảng 90% - 95% kế hoạch trong năm 2025.
Thứ hai, dòng vốn FDI tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam. Căn cứ vào các biên bản ghi nhớ (MOU) đã ký kết và những thông tin về kế hoạch rót vốn của Tập đoàn Hyosung trong thời gian vừa qua, TPS cho rằng dòng vốn FDI tiếp tục đổ mạnh vào Việt Nam trong năm tới.
Công ty chứng khoán này dự báo, FDI đăng ký và giải ngân năm 2025 lần lượt là 41,5 tỷ USD (tăng 17,6% so với dự báo của TPS về FDI đăng ký trong năm 2024) và 30 tỷ USD (tăng 10,7% so với dự báo của TPS về FDI giải ngân trong năm 2024). Vốn FDI năm tới dự kiến đổ nhiều vào các lĩnh vực như công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, logistics, dược phẩm…
Thứ ba, tiêu dùng nội địa tăng nhờ yếu tố thuận lợi từ đô thị hóa và nhân khẩu học. Theo TPS, năm 2024, mặc dù tiêu dùng nội địa đã phục hồi nhưng tốc độ tăng trưởng khá chậm do người tiêu dùng vẫn còn khá thận trọng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi chưa ổn định, lạm phát toàn cầu còn cao, lãi suất vẫn giữ ở mức cao và tiềm ẩn nhiều rủi ro về địa chính trị cũng như thiên tai. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng năm 2024 dự kiến đạt khoảng 6.798 nghìn tỷ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ.
Năm 2025, TPS kỳ vọng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đạt khoảng 7.588 nghìn tỷ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ. Dự báo dựa trên các luận điểm: Tăng trưởng toàn cầu tiếp tục phục hồi nhờ tiến trình cắt giảm lãi suất, các xung đột địa chính trị được giải quyết ổn thỏa và thiên tai giảm bớt; tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tiếp tục ghi nhận những thành tích cao; Chính phủ tăng đầu tư công, kích cầu đầu tư; nền kinh tế Hoa Kỳ phục hồi được thúc đẩy bởi sự thay đổi về các chính sách tài khóa và thương mại, xuất khẩu của Việt Nam cũng tích cực hơn…
Về lạm phát, TPS cho biết, lạm phát diễn biến khá phức tạp trong 7 tháng đầu năm 2024, tuy nhiên đã hạ nhiệt dần ở những tháng cuối năm nhờ ổn định tỷ giá và giá dầu ổn định. TPS dự báo, lạm phát ở mức 2,6% vào tháng 12/2024, lạm phát cả năm 2024 ở mức 3,6%.
Theo nhận định của đơn vị phân tích, lạm phát sẽ hạ nhiệt dần trong năm 2025. Lạm phát chung được dự báo ở mức 2,9% trong tháng 12/2025 và 2,6% bình quân cả năm 2025, nhờ giá đầu vào giảm khi tỷ giá ổn định hơn, giá dầu giữ ở mức ổn định khi Hoa Kỳ tăng nguồn cung và Fed tiếp tục tiến trình cắt giảm lãi suất khi chính sách thuế quan của tổng thống Trump ổn định và rõ nét hơn.
TPS cho rằng, sức mạnh đồng USD đang được xem là “ẩn số quan trọng” trong năm 2025, do chịu nhiều tác động và cũng có tác động rất lớn tới chính sách tiền tệ của Fed cũng như hầu hết các quốc gia trên toàn cầu, bao gồm Việt Nam.
Đồng USD được dự báo diễn biến khá phức tạp trong năm 2025 do bị ảnh hưởng của nhiều yếu tố như: Chính sách thuế quan và di dân của Hoa Kỳ; sức khỏe của nền kinh tế Hoa Kỳ (khi nền kinh tế Hoa Kỳ tăng trưởng tích cực, tạo ra nhiều việc làm thì sức mạnh của đồng USD cũng tăng lên); xung đột địa chính trị - làm ảnh hưởng tới giá cả hàng hóa; sự hồi phục của các quốc gia khác như Trung Quốc, EU, Nhật Bản, nhóm quốc gia BRIC…
Vì vậy, TPS dự báo tỷ giá khá áp lực trong nửa đầu năm 2025 do những thay đổi của chính sách Hoa Kỳ làm nguy cơ lạm phát tiếp tục dai dẳng, thậm chí tăng trở lại. Tuy nhiên, việc giải quyết xung đột địa chính trị, thiên tai giảm bớt cũng góp phần quan trọng vào ổn định giá cả hàng hóa, đặc biệt là dầu và vàng, giúp giảm bớt nguy cơ lạm phát tăng. Về nửa cuối năm 2025, tỷ giá được kỳ vọng ổn định hơn khi chính sách của Hoa Kỳ rõ nét hơn và Fed tiếp tục cắt giảm lãi suất.