Vùng ven biển bãi ngang khởi sắc nhờ nguồn vốn giảm nghèo
Các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển của tỉnh Quảng Bình đã chuyển mình đi lên nhờ triển khai đồng bộ và sử dụng hiệu quả nguồn đầu tư từ Trung ương và địa phương.
Tiếp sức cho người dân vùng đặc biệt khó khăn
Ông Nguyễn Tiến Thực, Phó Chủ tịch UBND xã Phù Cảnh (xã Phù Hóa sát nhập xã Cảnh Hóa) cho hay: Là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Quảng Trạch, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Hơn nữa do địa bàn vùng thấp trũng, nên hàng năm luôn phải gánh chịu nhiều thiên tai lũ lụt.
Tuy nhiên, nhờ chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, địa phương được đầu tư xây dựng 9 công trình, trong đó 6 công trình xây dựng mới (4 công trình giao thông, 1 công trình chợ, 1 công trình thủy lợi), 3 công trình duy tu, bảo dưỡng, tổng mức đầu tư là 26,6 tỷ đồng. Nhờ thế, bộ mặt nông thôn mới của xã khởi sắc từng ngày.
Bên cạnh đó, từ nguồn vốn hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, địa phương đã và đang triển khai mô hình chăn nuôi bò lai sinh sản, mô hình chăn nuôi gà lai ri... Các hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia phát triển sản xuất đã được hỗ trợ vật tư, con giống, kỹ thuật. Từ nguồn sinh kế này nhiều hộ đã vươn lên có thu nhập ổn định, tiến tới thoát nghèo.
Không dừng lại ở đó, địa phương còn rất chú trọng đến công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho các hộ dân còn gặp nhiều khó khăn. Chị Trần Thị Thanh Ngân, xã Phù Hóa chia sẻ: Gia đình tôi thuộc hộ cận nghèo của xã. Tôi tham gia lớp học nghề chăn nuôi với mong muốn có thêm việc làm để ổn định hơn cuộc sống.
Nhờ sử dụng nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả các nguồn lực, đời sống của người dân xã Phù Hóa ngày càng được nâng lên. Nếu như năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo là 6,22% (81 hộ), hộ cận nghèo 7,45% (85 hộ) thì đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,74%, hộ cận nghèo giảm còn 4,42%.
Tại xã Liên Trạch, là địa bàn vùng bãi ngang, thường xuyên phải đối mặt với thiên tai, bão lũ, là xã đặc biệt khó khăn của huyện Bố Trạch, ông Đinh Xuân Chinh, Chủ tịch UBND xã cho biết: Để phát triển kinh tế-xã hội, xã tập trung vào trồng rừng, chăm sóc bảo vệ rừng, sản xuất và chăn nuôi. Toàn xã có hơn 1.200ha rừng trồng, mỗi năm khai thác từ 200-250ha, doanh thu đạt từ 8-10 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng trăm lao động tại chỗ, cũng như nhân dân các xã lân cận.
Ngoài ra, xã Liên Trạch cũng chú trọng việc đưa người đi lao động ở nước ngoài có thời hạn. Hàng năm phối hợp với các Trung tâm Dịch vụ việc làm, các doanh nghiệp tư vấn việc làm, xuất khẩu lao động. Mỗi năm, xã có 30-40 lao động tham gia lao động tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và các nước Trung Đông. Hiện toàn xã có khoảng 400 lao động đang làm việc ở nước ngoài, đem lại nguồn thu nhập cao cho các gia đình. Nhờ thế nhiều hộ gia đình đã xây dựng nhà ở khang trang, bề thế.
Bên cạnh đó, địa phương cũng sử dụng có hiệu quả nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, nhiều hộ trong xã được hỗ trợ giống lợn nái, hỗ trợ giống bò cái để chăn nuôi. Từ những mô hình sinh kế này, thu nhập của hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tăng gấp 2 lần so với năm 2020.
Ông Đinh Xuân Sỹ (thôn Phú Hữu, xã Liên Trạch, huyện Bố Trạch) chia sẻ: "Nhờ nguồn vốn chính sách, tôi được vay 100 triệu để nuôi heo thịt. Mỗi năm tôi xuất chuồng 2 đến 3 lứa bán ra thị trường. Sau mỗi vụ thu hoạch và trừ các khoản chi phí, tổng thu nhập cho kinh tế gia đình trên 60 triệu đồng mỗi năm. Hiện tôi đang chuyển qua nuôi cá lồng, kinh tế gia đình ngày một khá hơn, vươn lên có của ăn, của để.
Chị Cao Thị Hiền (thôn Liên Thủy, xã Liên Trạch) cho hay, tận dụng vùng đất bãi bồi trù phú ven Sông Son, gia đình tôi mạnh dạn vay 70 triệu đồng vốn chính sách để chăn nuôi và nuôi cá lồng trên sông, cá nuôi lồng chỉ ăn rong tự nhiên và các phế phẩm nông nghiệp, không sử dụng thức ăn công nghiệp để nuôi cá, nên bán ra thị trường giá thành cao hơn, thu nhập khá ổn định, hiện gia đình chị đã thoát nghèo.
Sức sống mới ở các xã vùng ven biển
Cùng với việc đầu tư hạ tầng, tạo tiền để để phát triển kinh tế- xã hội, Chương trình hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển còn tiếp sức cho người dân bằng những chính sách hỗ trợ về giáo dục, y tế để thu hẹp khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế-xã hội đối với các vùng, miền.
Tại xã ven biển Ngư Thủy (huyện Lệ Thủy), là địa phương có nhiều gia đình làm nghề biển nên không người quan niệm cho rằng “có học đến đâu rồi cũng ra khơi đánh bắt”. Từ suy nghĩ đó nên nhiều gia đình chưa chú trọng để xác định việc học của con cái. Tuy nhiên, từ khi có sự hỗ trợ của chương trình bãi ngang, ven biển và hải đảo đã giúp nâng cao nhận thức của người dân địa phương về tầm quan trọng của giáo dục.
Nhờ những trợ lực của chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, kết hợp với công tác tuyên truyền vận động nên phong trào khuyến học, khuyến tài tại địa phương đã đạt nhiều kết quả tích cực, từ một xã giáo dục luôn đứng tốp cuối, Ngư Thủy đã vươn lên trở thành địa phương đạt phổ cập giáo dục đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục THCS đạt mức độ 2, trong đó cả 3 trường học trên địa bàn đều đạt chuẩn quốc gia mức độ 1.
Cùng với hỗ trợ giáo dục, người dân còn được ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ đóng BHYT. Ông Nguyễn Hữu Huấn (thôn Liên Bắc, xã Ngư Thủy) cho biết: Gia đình tôi không khá giả gì, nên việc tham gia BHYT cả hộ là rất khó, nhưng nhờ cấp trên quan tâm nên được cấp thẻ BHYT miễn phí, tôi và mọi người rất mừng, vì gia đình có điều kiện chăm sóc sức khỏe thường xuyên hơn.
Ông Nguyễn Hữu Hiến, Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy cho biết: Nhờ nguồn vốn từ chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 nên nhiều tuyến đường bê tông liên thôn, trường học được đầu tư xây mới và Trạm Y tế vừa được khởi công. Nhờ thế, đời sống bà con nhân dân trên địa bàn được cải thiện và nâng lên đáng kể. Đáng chú ý, năm 2021 tỷ lệ hộ nghèo toàn xã lên đến 10,3%, thì đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo còn 3,66%.
Ngược ra vùng cát cháy bãi ngang ven biển Ngư Thủy Bắc (huyện Lệ Thủy), là một sự thay đổi thay trong diện mạo nông thôn và đời sống người dân. Đó là kết quả sau khi thực hiện công tác giảm nghèo bền vững của địa phương.
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ngư Thủy Bắc phấn khởi nói: Mặc dù xuất phát điểm thấp, nhưng nhờ sự quan tâm của cấp trên, bà con nhân dân trong xã đã thay đổi cách nghỉ, cách làm, chuyển mình đi lên nhờ tập trung phát triển các mô hình kinh tế, trong đó nổi bật là các mô hình HTX kinh doanh dịch vụ thủy sản, góp phần tạo thêm công ăn việc làm, giúp xã nhà thêm khởi sắc, kinh tế-xã hội từng bước phát triển, đời sống của nhân dân được nâng lên rõ rệt, bộ mặt cảnh quan môi trường nông thôn thay đổi rõ nét, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm đáng kể, đến nay Ngư Thủy Bắc đã hoàn thành 19/19 tiêu chí XDNTM.
Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Quảng Bình Hồ Tân Cảnh nhận định: Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững được triển khai tại Quảng Bình là cơ hội để người dân thoát nghèo và là cú hích quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của các xã bãi ngang ven biển trên địa bàn.
Qua đó, giúp người dân nói chung và người nghèo nói riêng trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển ở Quảng Bình có điều kiện hơn trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội, các dịch vụ hỗ trợ phát triển sản xuất để phát triển kinh tế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vươn lên làm thoát nghèo, ông Cảnh kỳ vọng.