Khai thác sâu hơn tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ
Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ năm 2024 sẽ vượt mốc 15 tỷ USD. Hai nước còn rất nhiều tiềm năng, cơ hội để cùng nhau làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại...
Phát biểu tại hội nghị tương tác "Cơ hội kinh doanh Ấn Độ - Việt Nam" ngày 24/12, do Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam tổ chức, ông Sandeep Arya, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam, nhấn mạnh trong những năm gần đây, quan hệ kinh tế và giao lưu thương mại giữa hai nước đã chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng. Ấn Độ là một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.
XUẤT KHẨU TỪ VIỆT NAM SANG ẤN ĐỘ TĂNG 17,5%
Thương mại hai nước tăng trưởng 11% mỗi năm trong 10 năm qua, đạt mức 14,3 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu Ấn Độ sang Việt Nam tăng trưởng trong 10 năm là 7,2% lên 5,9 tỷ USD, tương tự xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ tăng trưởng 14,8% lên 8,4 tỷ USD. Chỉ tính riêng trong 3 năm qua, xuất khẩu từ Việt Nam sang Ấn Độ tăng 17,5%.
Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 11 tháng năm 2024, thương mại song phương giữa hai nước đạt 13,67 tỷ USD, tăng 3,5%. Xuất khẩu của Ấn Độ đạt 5,29 tỷ USD, trong khi xuất khẩu của Việt Nam đạt 8,38 tỷ USD.
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Ấn Độ sang Việt Nam bao gồm thịt trâu đông lạnh, hải sản, nông sản, máy móc và thiết bị, linh kiện ô tô, dược phẩm, hóa chất và sản phẩm hóa chất, sản phẩm thép và kim loại...
Ngược lại, các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Ấn Độ có thể kể đến là máy tính và phần cứng điện tử, điện thoại di động và phụ kiện, máy móc và thiết bị, kim loại thông thường, hóa chất và sản phẩm hóa chất, giày dép…
Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam nhấn mạnh: "Hai nước vẫn còn nhiều tiềm năng hợp tác. Cả Ấn Độ và Việt Nam đều chưa hài lòng về những con số này, chúng ta cần đặt ra mục tiêu tham vọng hơn trong những năm tới".
Cho rằng kinh tế, thương mại luôn được đánh giá là trụ cột quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Ấn Độ, bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết trong các năm qua, lĩnh vực này liên tục đạt được tăng trưởng cao và năm 2024 dự kiến sẽ tiếp tục ghi thêm dấu ấn đáng khích lệ.
“Tôi rất vui mừng được chia sẻ với quý vị rằng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam- Ấn Độ năm 2024 sẽ vượt mốc 15 tỷ USD. Thành tích này là điểm sáng trong quan hệ hai nước và tiếp tục đóng vai trò trụ cột của hợp tác kinh tế thương mại trong quan hệ Việt Nam- Ấn Độ”, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh; đồng thời khẳng định: "Những kết quả trên là minh chứng cho sự nỗ lực mạnh mẽ của lãnh đạo hai nước trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới nói chung trong thời gian qua đã đối mặt với nhiều khó khăn, biến động".
Theo Thứ trưởng Phan Thị Thắng, hai nước còn nhiều tiềm năng và cơ hội để cùng nhau làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại. Đó là hai nước có nền tảng, quan hệ chính trị, ngoại giao tốt đẹp, lãnh đạo hai bên dành nhiều thời gian quan tâm đến việc thúc đẩy quan hệ song phương. Kể từ khi nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện năm 2016, quan hệ song phương Việt Nam và Ấn Độ ngày ngày được củng cố và phát triển sâu rộng hơn.
Hơn nữa, Việt Nam và Ấn Độ đều là những nền kinh tế tăng trưởng, ổn định và tích cực. Dựa trên số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF, Việt Nam và Ấn Độ đều nằm trong nhóm 15 nền kinh tế lớn nhất châu Á.
Theo đánh giá năm 2025, quy mô kinh tế của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 506 tỷ USD. Chính phủ Việt Nam cũng đặt mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 8% trong năm 2025.
Sự tăng trưởng của nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô là những yếu tố hết sức quan trọng, thu hút đầu tư của doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của cả doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ. Ngoài ra, cơ cấu ngành hàng của hai nước có sự hỗ trợ, bổ sung cho nhau. Cả Việt Nam và Ấn Độ đều có nhu cầu cao đối với hàng hàng của mỗi bên.
NHIỀU LĨNH VỰC MỚI CÓ TIỀM NĂNG HỢP TÁC LỚN
Đồng tình, Đại sứ Ấn Độ cho rằng triển vọng hợp tác thương mại, đầu tư hai bên rất lớn. Trong chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Việt Nam vài tháng trước, các nhà lãnh đạo đã nhất trí cần phải tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư ở cấp độ Chính phủ và doanh nghiệp của hai nước, nâng kim ngạch thương mại song phương cao hơn mức hiện tại là khoảng 15 tỷ USD.
Các nhà lãnh đạo cũng khuyến khích tăng cường hợp tác đầu tư giữa hai nước, đưa ra các lĩnh vực cụ thể, phù hợp với sự hợp tác giữa Ấn Độ - Việt Nam. Tầm quan trọng của chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, công nghệ sinh học, thanh toán số, năng lượng nguyên tử, du lịch, mở rộng kết nối chuyến bay trực tiếp cũng được hai chính phủ nhấn mạnh.
Ngoài ra, các ngành triển vọng trong hợp tác thương mại hai nước là nông nghiệp, hóa chất, điện, điện tử, đá quý và trang sức. Hai bên có thể liên kết chuỗi cung ứng trong ngành may mặc, điện tử, ô tô. Hợp tác trong các dự án cơ sở hạ tầng, môi trường, năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin, phần mềm và dịch vụ kỹ thuật số; các công nghệ mới nổi…
Mặt khác, có thể thành lập chuỗi cung ứng giữa các công ty bán lẻ của Ấn Độ và Việt Nam để thúc tiến hợp tác xuất nhập khẩu giữa hai nước. Dự án cơ sở hạ tầng là lĩnh vực tiềm năng và có nhiều dư địa hợp tác.
Để hiện thực hóa các tiềm năng này, theo ông Sandeep Arya, doanh nghiệp hai nước cần tiếp xúc nhiều hơn để tìm hiểu thế mạnh để hợp tác.
Hợp tác kinh tế toàn diện giữa hai nước không chỉ mở ra những cơ hội mới cho các lĩnh vực sản xuất, đầu tư và thương mại mà còn tạo nền tảng vững chắc để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Hiệp hội ngân hàng, cho rằng cần thúc đẩy liên kết giữa các tổ chức tài chính, ngân hàng hai nước bằng cách xây dựng các cơ chế hợp tác cụ thể, như ký kết các thỏa thuận song phương trong thanh toán xuyên biên giới, cung cấp tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, và hỗ trợ các dự án đầu tư chung.
Đặc biệt, hai quốc gia cần chia sẻ những kinh nghiệm trong hoạt động dịch vụ ngân hàng, dịch vụ thanh toán điện tử, dịch vụ xúc tiến xuất khẩu/đầu tư, các chính sách để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của ngân hàng, ứng dụng công nghệ tài chính, thúc đẩy thanh toán; tích cực mở rộng hợp tác trên những lĩnh vực mới như chuyển đổi số, ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng, tăng trưởng xanh...