TPHCM: Gắn năng lực số với nghiên cứu khoa học và định hướng nghề nghiệp cho học sinh
Ngày 27-11, tại Hội thảo 'Phát triển năng lực số gắn liền với năng lực nghiên cứu khoa học và định hướng nghề nghiệp của học sinh trung học phổ thông' do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức, các nhà quản lý giáo dục nhấn mạnh tầm quan trọng của năng lực số trong thực hiện mục tiêu Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Theo ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TPHCM, để hướng đến mục tiêu trở thành công dân toàn cầu, học sinh cần trang bị một số kỹ năng số, như năng lực tư duy thông tin (gồm khả năng tìm kiếm, hiểu và sử dụng thông tin một cách hiệu quả, đánh giá độ tin cậy của các nguồn thông tin, trích xuất thông tin từ nhiều dạng văn bản khác nhau), năng lực giao tiếp và hợp tác, khả năng sáng tạo và chia sẻ nội dung kỹ thuật số.
TS Lê Văn Thiện, Trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh) cho hay, trong bối cảnh giáo dục hiện nay, phát triển năng lực số gắn liền với nghiên cứu khoa học hoàn toàn phù hợp với mục tiêu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Cụ thể, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 hướng đến mục tiêu phát triển năng lực chung cho học sinh, gồm năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo.
Năng lực số chính là nền tảng để hình thành và phát triển các năng lực nói trên một cách toàn diện. Học sinh có năng lực số tốt sẽ chủ động hơn trong việc tìm kiếm, xử lý thông tin, phân tích và đánh giá dữ liệu, từ đó hình thành tư duy phản biện và kỹ năng giải quyết vấn đề hiệu quả hơn
- TS Lê Văn Thiện nêu.
Các ý kiến đều cho rằng, để phát triển năng lực số cho học sinh phù hợp với mục tiêu Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, cần có sự kết hợp đồng bộ giữa nhà trường, gia đình và xã hội.
Trong đó, nhà trường cần đổi mới phương pháp dạy học, lồng ghép nội dung giáo dục năng lực số vào các môn học, tổ chức các hoạt động trải nghiệm, nghiên cứu khoa học sử dụng công nghệ số.
Gia đình cần tạo điều kiện cho con em tiếp cận thiết bị và môi trường số an toàn, lành mạnh. Riêng xã hội cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của năng lực số, xây dựng các chương trình đào tạo, hỗ trợ phát triển năng lực số cho học sinh.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc khẳng định, các trường phổ thông đang từng bước chuyển đổi số bằng cách đưa các bài học lên môi trường số, để học sinh chủ động nắm bắt kiến thức. Ngoài ra, nhà trường cũng cung cấp môi trường học tập ảo, xây dựng lớp học thực tế ảo cho phép học sinh tương tác với nhiều nội dung học tập chân thực.
Từ đó, học sinh tự lên kế hoạch hóa học tập cho bản thân để bắt kịp tiến độ học tập và tận dụng tối đa tài nguyên trực tuyến và mạng xã hội. Xu hướng này phản ánh nỗ lực chuyển đổi số trong giáo dục với mục tiêu tạo ra môi trường học tập linh hoạt, sáng tạo và hỗ trợ toàn diện sự phát triển của học sinh.
Trong hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển năng lực số giúp học sinh lựa chọn, sử dụng phù hợp các công cụ tìm kiếm trực tuyến để tìm kiếm thông tin, dữ liệu về vấn đề đang quan tâm.
Ngoài ra, năng lực số còn giúp học sinh đánh giá các thông tin cần thiết trong việc định hướng và lựa chọn đề tài nghiên cứu khoa học với xu hướng nghiên cứu và sở trường của cá nhân học sinh, đồng thời có thể xác định và cập nhật những đề tài mới, kết quả đạt được khi triển khai nghiên cứu.
Song song đó, năng lực số giúp học sinh đánh giá được độ tin cậy và giá trị của dữ liệu, so sánh với dữ liệu của các công trình khoa học hiện hành, từ đó tìm ra hướng xử lý số liệu trong đề tài của mình; phân tích, diễn giải kết quả nghiên cứu dưới dạng tường minh, báo cáo số liệu một cách có khoa học, đề cao tính liêm chính trong hoạt động nghiên cứu khoa học.
Riêng đối với quá trình tìm hiểu, định hướng nghề nghiệp, năng lực số giúp học sinh chủ động trong tìm hiểu, định hướng nghề nghiệp; xác định nghề nghiệp phù hợp với bản thân; tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường nghề nghiệp; tiết kiệm thời gian tìm hiểu và nâng cao khả năng tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp.
Phát triển năng lực số cần chú trọng ngay từ bậc phổ thông để giúp hình thành năng lực nghiên cứu khoa học và định hướng nghề nghiệp một cách hiệu quả hơn cho học sinh
- Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM nhận định.