Nếu chuyển về Bộ GDĐT, tình hình tuyển sinh của trường nghề sẽ khởi sắc
Chuyển giáo dục nghề nghiệp về Bộ GD&ĐT quản lý là cơ sở để thống nhất quản lý nhà nước, tạo sự đồng bộ, liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo.
Theo Điều 6 Luật Giáo dục 2019, hệ thống giáo dục quốc dân là hệ thống giáo dục mở, liên thông gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên. Bao gồm các cấp học, trình độ đào tạo sau: giáo dục mầm non; giáo dục phổ thông; giáo dục nghề nghiệp; giáo dục đại học.
Tuy nhiên, từ năm 2017, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (trừ các trường sư phạm, các ngành đào tạo giáo viên) do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý về mặt nhà nước. Còn các cấp học, trình độ đào tạo khác do Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện quản lý nhà nước. Sự chưa thống nhất trong quản lý đang gây không ít khó khăn cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Trong Thông báo số 522/TB-VPCP ngày 14/11/2024 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp của Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo về định hướng giải pháp thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo theo Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị có nêu: Về thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, bảo đảm sự đồng bộ, liên thông từ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp đến giáo dục đại học.
Theo chia sẻ của một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp, việc thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, bảo đảm sự đồng bộ, liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong thông báo số 522 là một tín hiệu cho việc thống nhất quản lý nhà nước đối với hệ thống giáo dục quốc dân.
Trường nghề phải trình nhiều Bộ mới được cấp chỉ tiêu
Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Lan - Trưởng Phòng Đào tạo, Trường Cao đẳng Công nghiệp Nam Định bày tỏ: “Kể từ khi giáo dục nghề nghiệp do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh, liên thông, rườm rà trong thực hiện báo cáo. Chính vì vậy, khi biết tin trong kết luận của Thủ tướng Chính phủ có đề cập đến thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, tôi rất mừng và mong mỏi có sự thống nhất quản lý nhà nước đối với tất cả các cấp học, trình độ đào tạo về Bộ Giáo dục và Đào tạo”.
Chỉ ra tầm quan trọng của việc cần thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, bảo đảm sự đồng bộ, liên thông giữa tất cả các cấp học, cô Lan cho rằng, trước năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý cả giáo dục nghề nghiệp nên khá thuận lợi cho trường nghề vì khi cần ý kiến phê duyệt về chỉ tiêu tuyển sinh thì chỉ cần làm việc với một đầu mối.
Từ năm 2017 trở đi, giáo dục nghề nghiệp do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện quản lý nhà nước, Trường Cao đẳng Công nghiệp Nam Định chịu sự lãnh đạo, quản lý của Bộ Công thương và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Với nhà trường, việc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện quản lý có thể giải quyết tốt vấn đề việc làm cho người học trung cấp, cao đẳng sau khi tốt nghiệp. Vì thời gian các em được thực hành, thực tập, thí nghiệm vào khoảng 70% thời lượng của chương trình đào tạo, người học ra trường đi làm có thể quen với công việc ngay mà không cần doanh nghiệp đào tạo lại.
Tuy nhiên, nhà trường cũng gặp một số khó khăn như: tuyển sinh kém hiệu quả, giấy tờ thủ tục xin chỉ tiêu phải trình qua 2 Bộ (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công thương) gây tốn nhiều thời gian.
"Nhà trường làm văn bản xin chỉ tiêu tuyển sinh gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhưng khi Bộ này kiểm tra cơ sở vật chất, nhân sự lại yêu cầu nhà trường phải có văn bản đồng ý của Bộ Công thương liên quan đến cơ sở vật chất phục vụ đào tạo của nhà trường thì mới cấp chỉ tiêu tuyển sinh cho trường. Như vậy, cùng một nội dung nhưng trường phải làm việc với 2 Bộ nên cũng có ít nhiều sự chồng chéo", cô Lan tâm sự.
Được biết, năm 2008, Trường Cao đẳng nghề Đồng Khởi được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ra quyết định thành lập, trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Đến năm 2017, nhà trường được đổi tên thành Trường Cao đẳng Đồng Khởi.
Chia sẻ với phóng viên, Thạc sĩ Nguyễn Trung Dũng - Trưởng Phòng Đào tạo, Trường Cao đẳng Đồng Khởi cho biết, về mặt quản lý nhà nước, mặc dù ngay từ khi thành lập, nhà trường không thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý nhưng từ việc nghiên cứu thực tiễn thấy rằng, về việc chuẩn mực trong quản lý giáo dục và đào tạo thì Bộ Giáo dục và Đào tạo có những chỉ đạo và tổ chức triển khai tốt và hiệu quả hơn so với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Theo thầy Dũng, trước đây, khái niệm liên thông trong giáo dục chưa được nhắc đến nhiều nhưng chúng ta vẫn bảo đảm cho con em được đi học từ mẫu giáo đến các bậc học cao hơn. Sau này, thuật ngữ liên thông được nhắc đến nhiều hơn, nhất là thời điểm triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018. Do đó, việc thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo sẽ góp phần tạo tính liên thông mạnh mẽ hơn nữa giữa các cấp học, trình độ đào tạo, là một định hướng hết sức đúng đắn.
“Có những em nhỏ ngay từ lúc học mẫu giáo đã bộc lộ những năng khiếu về hội họa, ca hát, tiếng Anh, thậm chí là toán học,... khi đó, nếu chương trình đào tạo có tính liên thông giữa các cấp học với nhau và được truyền thông rộng rãi đến xã hội, thì phụ huynh cũng có thể tham khảo, đưa ra định hướng nghề nghiệp từ sớm cho các em. Đây là một lợi thế, ưu điểm rất lớn khi tạo được sự thống nhất quản lý nhà nước đối với giáo dục và đào tạo, quy về một mối là Bộ Giáo dục và Đào tạo”, thầy Dũng bày tỏ.
Cần thiết phải thu về một mối để thống nhất quản lý nhà nước trong giáo dục
Hiện nay, khi cả 2 Bộ (Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cùng thực hiện quản lý nhà nước đối với giáo dục, người tốt nghiệp trình độ cao đẳng muốn liên thông lên trình độ đại học cũng gặp muôn vàn khó khăn.
“Liên thông từ trung cấp lên cao đẳng đối với nhà trường không có vấn đề gì vì nhà trường được chủ động trong xây dựng chương trình đào tạo. Nhưng sinh viên tốt nghiệp cao đẳng của nhà trường muốn học lên trình độ đại học thì phải đáp ứng được yêu cầu, điều kiện của trường đại học, trong khi mỗi trường đại học lại có điều kiện tuyển sinh đào tạo liên thông khác nhau, gây khó khăn cho người học", thầy Dũng chia sẻ.
Xuất phát từ thực tiễn hiện nay, thầy Dũng và cô Lan đồng tình rằng, việc chuyển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý là cơ sở tiên quyết nhằm tạo sự thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, bảo đảm sự đồng bộ, liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo.
“Cơ sở giáo dục muốn tồn tại thì phải tuyển được người học. Nếu như cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý nhà nước thì công tác tuyển sinh sẽ khả quan hơn bởi khi đó tên của các trường nghề sẽ được xuất hiện trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các em học sinh khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học sẽ để ý nhiều hơn đến các trường nghề.
Hơn nữa, khi thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, nhà trường chỉ cần xin cấp chỉ tiêu tuyển sinh từ một bộ là Bộ Giáo dục và Đào tạo thay vì phải phối hợp hoàn thành các thủ tục rườm rà không cần thiết như 2 Bộ như hiện nay”, cô Lan bày tỏ.
Mặt khác, thầy Dũng nhận định, giao thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp cho Bộ Giáo dục và Đào tạo là rất hợp lý, cần thiết phải thu về một mối để tạo sự đồng bộ trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện quản lý nhà nước đối với giáo dục của tất cả các cấp học, trình độ đào tạo, Bộ cần phải xem xét lại chương trình đào tạo của từng cấp học, trình độ để từ đó có chỉ đạo, định hướng mới trong xây dựng chương trình đào tạo, chuẩn kỹ năng nghề nghiệp, sao cho bảo đảm tính liên thông, thuận lợi cho cơ sở giáo dục và người học, giảm thiểu những vấn đề bất cập, vênh khi nhiều bộ cùng quản lý.
Còn cô Lan cho rằng, cùng với giao việc thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, chương trình đào tạo đối với giáo dục nghề nghiệp nên được duy trì thời gian thực hành, thực tập, thí nghiệm khoảng 70% để người học được cọ sát với nghề từ sớm, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp khi các em đi làm.
Bên cạnh đó, giao việc thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo cho Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ giảm thiểu được rất nhiều khâu xử lý giấy tờ như hiện nay.
Liên quan đến việc thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã nhiều lần có văn bản gửi đến các cơ quan có thẩm quyền kiến nghị về việc chuyển vai trò quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam bày tỏ sự vui mừng khi trong kết luận của Thủ tướng Chính Phủ tại phiên họp của Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo về định hướng giải pháp thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo theo Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị có nêu đến việc thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo.
“Quản lý giáo dục phải tạo sự thống nhất, liên thông giữa các cấp học thì người học, xã hội mới phấn khởi.
Kể từ năm 2017, giáo dục nghề nghiệp do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện quản lý nhà nước - đây chính là điểm nghẽn dẫn tới nhiều hệ lụy cho nền giáo dục nước nhà.
Thực tế, từ khi cả 2 Bộ cùng tham gia thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục đều ít nhiều tạo ra rào cản, làm trở ngại cho sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực.
Thêm nữa, hầu hết các nước trên thế giới đều có quan điểm chỉ đạo thống nhất về giáo dục. Ở Việt Nam, việc tách giáo dục cho nhiều bộ cùng quản lý nên quan điểm chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo không tạo sự thống nhất toàn diện, đồng bộ, thậm chí gây khó khăn cho người học và cơ sở giáo dục.
Vì lẽ đó, ngay từ đầu năm 2017 đến nay, Hiệp hội luôn kiên trì đề nghị phải thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo, và muốn làm được điều này thì phải giao việc quản lý nhà nước đối với giáo dục nghề nghiệp cho Bộ Giáo dục và Đào tạo. Kết luận của Thủ tướng Chính phủ đã thắp lên hy vọng về thống nhất quản lý nhà nước trong giáo dục và đào tạo sẽ trở thành hiện thực”, thầy Nhĩ chia sẻ.
Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cũng lưu ý, khi thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục, điều quan trọng là cần xây dựng một chương trình đào tạo thống nhất, và chương trình này phải được liên thông từ dưới lên trên theo từng cấp học, trình độ đào tạo. Đây cũng là cơ sở nhằm bảo đảm đáp ứng nguyện vọng học tập suốt đời của mọi người, góp phần phân luồng, đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước đạt chất lượng và hiệu quả hơn.