Thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em: Tạo điều kiện để trẻ em chủ động thực hiện quyền
Cuối tháng 11/2024, Báo cáo 'Đánh giá sự tham gia của trẻ em Việt Nam năm 2024' hay còn gọi là Báo cáo khảo sát 'Tiếng nói trẻ em Việt Nam' đã được công bố. Những dữ liệu trong báo cáo còn những tồn tại trong quản lý, giáo dục trẻ em tại gia đình, nhà trường.
Trong gia đình: nhiều trẻ em vẫn bị mắng chửi, đánh vụt
Theo Báo cáo, sự tham gia của trẻ em trong gia đình có những điểm tích cực. Tỷ lệ trẻ em thường xuyên và rất thường xuyên được lắng nghe/tôn trọng ý kiến từ cha mẹ chiếm 56,7%; tỷ lệ trẻ em lựa chọn phương án sẽ trao đổi để bố mẹ hiểu là 60%, đồng thời tỷ lệ trẻ em cho rằng cha mẹ cố gắng giải thích để con cái hiểu cũng chiếm gần 70% khi hai bên có ý kiến/quan điểm trái chiều.
Tuy nhiên, cũng theo Báo cáo, có đến 88,3% trẻ em đã từng bị mắng, chửi trong gia đình; 54,4% đã từng bị đánh, vụt trong gia đình; 54% bị kiểm soát trong các mối quan hệ xã hội; 45% trẻ em cho rằng mình bị phân biệt đối xử. Cạnh đó là việc vẫn tồn tại sự phân biệt giữa trẻ em trai và trẻ em gái. Xét theo giới tính, tỷ lệ trẻ em nam thường xuyên và rất thường xuyên được cha mẹ lắng nghe/tôn trọng các quyết định và hỏi ý kiến về công việc của gia đình cao hơn so với trẻ em nữ, tỷ lệ tương ứng là 19,8% so với 17,8% (thường xuyên) và 10% so với 8,9% (rất thường xuyên)… Qua Báo cáo có thể thấy nhiều cha mẹ vẫn đang chấp nhận việc cha mẹ kiểm soát, mắng, thậm chí đánh con như một hình thức giáo dục.
Cùng với phát hiện, Báo cáo khảo sát “Tiếng nói trẻ em Việt Nam” năm 2024 đã đưa ra một số khuyến nghị đối với phụ huynh và người chăm sóc trẻ cần tích cực tham gia các chương trình, hoạt động tư vấn, hướng dẫn, giáo dục, tập huấn... để tăng cường nhận thức và điều chỉnh hành vi ứng xử với trẻ em liên quan đến bảo đảm và thúc đẩy sự tham gia của trẻ em trong gia đình. Dành thời gian có chất lượng để lắng nghe, ghi nhận, khuyến khích và thúc đẩy trẻ em trong gia đình bày tỏ ý kiến, sáng kiến về những vấn đề liên quan đến trẻ em trong gia đình; phản hồi tích cực (đáp ứng hoặc có giải thích đầy đủ khi không đáp ứng) đối với tất cả ý kiến của trẻ em. Nói không với áp đặt, bạo hành ngôn ngữ (quát nạt, đe dọa, dẫn dắt...) khi trao đổi; không phân biệt đối xử dựa theo giới trong bàn bạc, thảo luận và ra quyết định; lắng nghe và làm bạn cùng con...
Trong nhà trường: Vẫn còn khoảng cách giữa lãnh đạo trường học với trẻ em
Theo Báo cáo khảo sát “Tiếng nói trẻ em Việt Nam” năm 2024, đánh giá sự lắng nghe ý kiến trẻ em của thầy cô, có 59,8% trẻ em trong diện khảo sát cho rằng thường xuyên/rất thường xuyên được thầy cô lắng nghe/tôn trọng ý kiến của mình. Tuy vậy, tỷ lệ trẻ em chưa bao giờ trao đổi, đối thoại với lãnh đạo trường lại chiếm tỷ lệ khá cao (63%). Điều này cho thấy có khoảng cách/giới hạn nhất định giữa lãnh đạo trường học với trẻ em. Có đến 77,5% trẻ em từng chứng kiến bạo lực học đường. Phát hiện này tương đồng với kết quả của nghiên cứu trên 1.040 học sinh THCS và THPT tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh năm 2019 khi có 75,7% học sinh tham gia vào bắt nạt truyền thống. Đây là điểm hết sức lưu ý đối với các nhà trường trong quá trình tổ chức giáo dục và hoạt động rèn luyện đối với học sinh, theo báo cáo khảo sát.
Báo cáo khảo sát “Tiếng nói trẻ em Việt Nam” năm 2024 đã đưa ra một số khuyến nghị đối với trường học như: trường học và thầy cô cần lấy học sinh làm trung tâm, lắng nghe học sinh nhiều hơn, thúc đẩy học sinh chủ động, tích cực hơn; tạo cơ hội tham gia các công việc của lớp, trường cho mọi học sinh; lắng nghe, trao đổi và phản hồi tích cực hơn đối với học sinh; tổ chức nhiều hơn vào các hoạt động ngoại khóa để tiếp cận và thúc đẩy sự tham gia của học sinh; tập huấn, bồi dưỡng nhằm nâng cao kỹ năng thúc đẩy sự tham gia, bày tỏ ý kiến của học sinh đối với lãnh đạo cơ sở giáo dục và giáo viên; cởi mở hơn trong vấn đề tình bạn/tình yêu của học sinh; phối hợp chặt chẽ hơn với phụ huynh và chính quyền tổ chức các hoạt động để lắng nghe chia sẻ của trẻ em; thành lập các nhóm, CLB dựa trên sở thích, nhu cầu, điểm mạnh của trẻ em.
Chia sẻ tại buổi trò chuyện trực tuyến “Sự tham gia của trẻ em Việt Nam” công bố Báo cáo khảo sát, thầy Nguyễn Đức Huy, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Phú Đông, Ba Vì, Hà Nội cho biết sau khi theo dõi những số liệu trong báo cáo, thầy và cán bộ, giáo viên cũng có rất nhiều băn khoăn trong việc tham gia của trẻ cùng nhà trường. Trong môi trường giáo dục hiện nay, khi công nghệ đang phát triển, tỷ lệ các em tham gia mạng xã hội rất cao. Có những trường hợp đăng tải, thậm chí phát sóng những hình ảnh nhạy cảm, bạo lực học đường, xúc phạm bạn bè đồng trang lứa. Do đó, sau khi nhận được kết quả báo cáo, nhà trường, các thầy cô cũng đã thường xuyên dành thời gian trong các tiết học, trò chuyện để hiểu hơn về tâm tư, nguyện vọng của các em, đồng thời nhắc nhở, động viên các em...
Quyền tham gia của trẻ em tại cộng đồng của trẻ em còn nhiều hạn chế
Khảo sát mức độ tham gia các hoạt động liên quan đến quyền tham gia của trẻ em tại cộng đồng của trẻ em, Báo cáo khảo sát “Tiếng nói trẻ em Việt Nam” năm 2024 cho biết còn nhiều hạn chế khi không có hoạt động nào có mức điểm trung bình từ 3 trở lên trong thang điểm từ 1 (thấp nhất) đến 5 (cao nhất).
Các hoạt động sinh hoạt hè thanh, thiếu niên là các hoạt động được tham gia tích cực nhất nhưng điểm trung bình cũng chỉ đạt 2.56/5. Tọa đàm, đối thoại với lãnh đạo địa phương có điểm trung bình thấp nhất, mức điểm chỉ đạt 1.91/5. So sánh với sự tham gia, mức độ tự chủ của trẻ em tại gia đình và tại trường học, sự tham gia và mức độ tự chủ của trẻ em tại cộng đồng hạn chế hơn cả. Kết quả phỏng vấn sâu tại các tỉnh cũng cho thấy, nhiều địa phương không có nhiều các hoạt động có chất lượng, chiều sâu dành cho trẻ em. “Cũng có ban chỉ đạo ở xã trong đó có cán bộ LĐ-TB&XH và hiệu trưởng làm thường trực đấy nhưng ít hoạt động. Các hoạt động của trẻ em chủ yếu giao về trường học thôi. Mình chỉ phối hợp” (phỏng vấn sâu cán bộ LĐ-TB&XH, Yên Bái)…
Trước các kết quả khảo sát, bà Phạm Thị Thủy - Trưởng phòng phát triển tham gia của trẻ em, Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH cho biết: “Thời gian vừa qua quyền trẻ em đã được các cơ quan Bộ, ngành tổ chức rất quan tâm. Tuy nhiên, con số 20,1% trẻ em chưa từng nghe và biết đến về quyền trẻ em, chúng ta cũng phải thấy rằng cần tăng cường công tác truyền thông hơn nữa, tập huấn cho trẻ em, nhất là trẻ em trong nhà trường…”.
Để tăng cường sự tham gia của trẻ em, Báo cáo khảo sát “Tiếng nói trẻ em Việt Nam” năm 2024 đưa ra khuyến nghị, cần xây dựng một hệ thống ghi nhận và đánh giá mức độ tham gia của trẻ em và cũng như theo dõi các quan điểm và khuyến nghị của trẻ em được cân nhắc, sử dụng thế nào trong quá trình xây dựng và thực thi các chính sách liên quan. Hệ thống này được quản lý, điều phối bởi Cục Trẻ em (cấp Trung ương) và cơ quan chuyên trách về bảo vệ trẻ em thuộc Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố (cấp địa phương). Các tiêu chuẩn và hướng dẫn về sự tham gia của trẻ em cần được xây dựng và áp dụng một cách đầy đủ và nghiêm túc. Trong đó bao gồm các hướng dẫn về lựa chọn trẻ em từ các nhóm trẻ em, các môi trường xã hội khác nhau để bảo đảm cơ hội tham gia đầy đủ và bình đẳng cho các nhóm trẻ em. Tiếp tục tổ chức các chương trình đào tạo về kỹ thuật thúc đẩy sự tham gia của trẻ em và các nguyên tắc cơ bản cho các cơ quan chủ chốt các cấp tại địa phương. Khóa đào tạo nên bao gồm các nguyên tắc cơ bản về sự tham gia của trẻ em cũng như kiến thức và kỹ năng về các phương pháp thúc đẩy sự tham gia khác nhau. Trẻ em cũng cần được đào tạo để có thể chủ động, lập kế hoạch, thực hiện và đánh giá hoạt động tham gia của mình.
Báo cáo “Đánh giá sự tham gia của trẻ em Việt Nam” 2024, hay còn gọi là Báo cáo khảo sát “Tiếng nói trẻ em Việt Nam” lần đầu tiên được Viện Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững (MSD) và Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tại Việt Nam (SC) thực hiện vào năm 2020, với những phản hồi tích cực từ các bên liên quan đặc biệt trong nỗ lực hướng đến thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em Việt Nam. Tiếp nối những nỗ lực này, kết hợp với các nhu cầu và bối cảnh hiện tại của việc thực hiện Công ước Quốc tế về Quyền Trẻ em và Luật Trẻ em năm 2016 tại Việt Nam, MSD và SC tiếp tục triển khai thực hiện Báo cáo “Đánh giá sự tham gia của trẻ em Việt Nam” 2024.
Khảo sát được thực hiện tại 6 tỉnh, thành phố ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam gồm: Yên Bái, Hà Nội, Đà Nẵng, Kon Tum, TP HCM và Đồng Tháp trong thời gian từ tháng 12/2023 đến tháng 05/2024, với sự tham gia chia sẻ ý kiến từ 831 trẻ em, trong đó có 50 trẻ em khuyết tật và trẻ em LGBTQI+, cùng với phụ huynh, người chăm sóc và các bên liên quan gồm: cán bộ bảo vệ trẻ em các cấp tại địa phương, lãnh đạo cơ sở giáo dục, luật sư, phóng viên, lãnh đạo câu lạc bộ/đội/nhóm có sự tham gia của trẻ em.
Sau khi báo cáo hoàn thành, các kết quả được nhóm nghiên cứu gửi lại từng địa phương khảo sát. Kết quả khảo sát được kỳ vọng sẽ là cơ sở tham chiếu và nguồn dữ liệu để các bên liên quan, đặc biệt là các cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương, trường học, tổ chức xã hội và tổ chức quốc tế tham khảo, vận dụng trong quá trình xây dựng chiến lược, hoạch định chính sách và chương trình thực hiện hiệu quả về quyền tham gia của trẻ em.